Tham gia vào mái nhà chung của Hội, hội viên các chuyên ngành đã có điều kiện hơn trong phát huy năng lực, nhiệt tình của mình vào nghiên cứu, làm tốt hơn công tác quản lý, tuyên truyền vị trí, giá trị của di tích, danh thắng, các cơ sở bảo tồn, bảo tàng đến với cộng đồng, với du khách trong và ngoài nước. Qua tác động và hướng dẫn tích cực của Hội, môn lịch sử địa phương đã từng bước được đưa vào giảng dạy tại các trường THPT, đại học, cao đẳng trên địa bàn. Tiền thân là một chi hội, trong quá trình xây dựng vận động thành lập Hội, ban chấp hành lâm thời đã làm tốt công tác tập hợp, đoàn kết, giúp đỡ hội viên trong việc học tập, nghiên cứu, phổ biến và cập nhật thông tin để nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, bồi dưỡng đội ngũ trong ngành sử học tỉnh.
Đẩy mạnh việc tư vấn, hợp tác với các hội địa phương và hội lịch sử Việt Nam trong việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức để nâng cao trình độ về mọi mặt để hội viên làm tốt hơn việc sưu tập, biên soạn lịch sử, tiến tới xây dựng tổng tập lịch sử địa phương.
Bước đầu đã tiến hành có hiệu quả việc vận động quần chúng nhân dân tham gia sưu tầm, bảo quản, bảo vệ tài liệu lịch sử, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, tham gia nghiên cứu và biên soạn lịch sử địa phương, lịch sử các ngành.
Cán bộ, hội viên của hội còn tích cực làm tốt công tác tư vấn, phản biện xã hội về lịch sử đề xuất với cấp ủy, chính quyền các cấp về chủ trương, chính sách và cả kế hoạch phát triển ngành sử trong tỉnh và góp phần phát triển sử học quốc gia.
Ninh Bình là tỉnh có lịch sử lâu dài với nhiều di tích, đền đài, danh thắng nổi tiếng, trong đó có 2 di tích đặc biệt cấp quốc gia, đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ đề nghị UNESECO công nhận là di sản nhân loại cần được nghiên cứu, bảo vệ, tuyên truyền rộng rãi đến mọi tầng lớp nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước.
Trước yêu cầu khách quan và nguyện vọng của đông đảo anh chị em chuyên ngành sử học, cần phải có một tổ chức xã hội nghề nghiệp cấp tỉnh để có một quy mô và năng lực nhằm tập hợp rộng rãi các nhà nghiên cứu lịch sử trong và ngoài tỉnh, nhằm tạo bước đột phá trong xây dựng, sưu tầm, biên soạn lịch sử địa phương.
Trước yêu cầu khách quan trên và tâm huyết của những người làm công tác lịch sử, đội ngũ những nhà giáo giảng dạy bộ môn lịch sử, những người làm công tác quản lý các cơ sở bảo tồn, bảo tàng, di tích danh thắng trên địa bàn, ngày 24/12/2012, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành quyết định số 1045/QĐ-UBND cho phép thành lập hội Khoa học lịch sử Ninh Bình trên cơ sở chi hộ khoa học lịch sử được thành lập năm 2006.
Sau Đại hội khóa I (nhiệm kỳ 2013- 2018), hội đã thành lập 4 đơn vị chuyên ngành gồm: chi hội nghiên cứu lịch sử, chi hội di sản, chi hội giáo dục và tuyên truyền lịch sử và văn phòng hội có trách nhiệm định hướng, hướng dẫn, tạo điều kiện cho hội viên trong công tác sưu tầm, nghiên cứu và biên soạn các ấn phẩm lịch sử.
Việc phát triển hội viên đạt yêu cầu cao cả về lượng và chất. Trong số 74 hội, đến thời điểm này có 7 hội viên có trình độ thạc sĩ, 62 hội viên có bằng đại học, trong đó có người có tới 3 bằng đại học.
Nhiều hội viên đã cho công bố nhiều công trình nghiên cứu lịch sử, văn hóa, khoa học có giá trị cao, tiêu biểu như tác giả Lê Liêu đã viết hàng chục cuốn sử ngành và địa phương, Nguyễn Đăng Trình đã có nhiều công trình viết vê địa bàn Tam Điệp, Đỗ Duy Gia dù sinh sống ở Hà Nội vẫn giành nhiều tâm huyết viết về lịch sử Ninh Bình, tác phẩm mới xuất bản gần đây được đánh giá cao như "Địa danh ở tỉnh Ninh Bình". Đặng Công Nga vẫn là cây bút cần mẫn đã cho ra đời tác phẩm "Kinh đô Hoa Lư thời Đinh- tiền Lê".
Trương Đình Tưởng với cái nhìn đa diện, tinh tế trong nghiên cứu, phát hiện cùng với những luận cứ sắc bén đã công bố nhiều công trình có giá trị khoa học về Tràng An, Bái Đính, giúp thị xã Tam Điệp xây dựng cuốn sử "Thị xã Tam Điệp 25 năm xây dựng và trưởng thành". Những tác giả có tên tuổi tiếp tục công bố nhiều công trình, tác phẩm tiêu biểu như Nguyễn Văn Trò với "Cố đô Hoa Lư", "Theo dòng lịch sử", "Di tích lịch sử thời Đinh và Tiền Lê trên đất Ninh Bình". Đỗ Trọng Am đã dày công sưu tầm, biên soạn những công trình văn hóa, lịch sử địa phương có giá trị như cuốn "Địa chỉ văn hóa Yên Khánh", "Bồng châu văn hóa và sự tích".
Hội viên ngành lịch sử Đảng vẫn gắn bó máu thịt với sự nghiệp, có nhiều đóng góp to lớn vào biên soạn, chỉ đạo biên soạn và biên tập hàng trăm công trình lịch sử địa phương cho các huyện, thành phố và các xã phường trong tỉnh. Nhà nghiên cứu Đinh Ngọc Vượng đã có ngót 50 năm giảng dạy, nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn và hướng dẫn biên soạn lịch sử Đảng ở địa phương, đã có những ý kiến xác đáng góp phần sáng tỏ thêm những vấn đề về nhân vật lịch sử và sự kiện lịch sử địa phương đang còn tranh cái.
Hàng chục hội viên với năng lực và kiến thức lịch sử đã tham gia có hiệu quả, góp phần vào xây dựng thành công tổng tập "Địa chỉ Ninh Bình" một công trình lịch sử, địa lý có giá trị được giới chuyên môn trong và ngoài tỉnh đánh giá cao.
Với những nỗ lực của hội viên trong ngành giáo dục đào tạo, với tất cả nhiệt tình và tinh thần trách nhiệm, sau hơn 2 năm biên soạn đã hoàn thành đề tài khoa học về giảng dạy lịch sử, địa lý địa phương Ninh Bình, được nghiệm thu và đưa vào giảng dạy tại các trường tiểu học, THCS trên địa bàn toàn tỉnh.
Các thày cô giáo giảng dạy bộ môn lịch sử tại các trường THCS, THPT, Đại học Hoa Lư đã không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy, đưa lịch sử địa phương vào chương trình nội khóa, làm cho học sinh thêm yêu thích, ham học môn lịch sử. Một thực tế đáng ghi nhận là ngày càng có nhiều em đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia về môn lịch sử.
Chi hội ngành Bảo tàng và quản lý di tích đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử các danh thắng, di tích, đền đài trên giải đất cố đô đã trải ngàn năm lịch sử này. Nhiều kết quả khảo cổ khoa học được công bố, nhiều cổ vật được trưng bài tại bảo tàng tỉnh phục vụ có hiệu quả cho du khách, các nhà khoa học đến tham quan, nghiên cứu, cho học sinh, sinh viên đến tìm hiểu, sưu tầm phục vụ cho học tập bộ môn lịch sử, đặc biệt là lịch sử địa phương. Không ít hội viên ở phòng di sản (sở Văn hóa- thể thao và du lịch), Bảo tàng tỉnh, Ban quản lý danh thắng Tràng An bằng tất cả nhiệt tình, sự hiểu biết và cả những tri thức được tích lũy qua thời gian đã tích cực tham gia vào đề tài khoa học "Bảo vệ và phát huy gia trị các di sản văn hóa trên đất Ninh Bình" đồng thời khẩn trương phối hợp với các tổ chức khoa học, các chuyên gia trong nước và quốc tế xây dựng hồ sơ quần thể danh thắng Tràng An để đệ trình lên UNESCO xem xét, thẩm định và công nhận là Di sản nhân loại.
Hội còn động viên hội viên tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học có tính chuyên sâu về các sự kiện, các nhân vật lịch sử tiêu biểu của địa phương trong suốt chặng hành trình dựng nước và giữ nước, cử đại diện tham gia công tác phản biện khoa học, hội thảo khoa học, biên soạn các công trình lịch sử văn hóa địa phương. Trong những năm gần đây, hội đã tổ chức, phối hợp với các ngành chức năng tổ chức hội thảo về Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, Nguyễn Bặc, Thái hậu Dương Văn Nga, Trương Hán Siêu, Vũ Duy Thanh, Tạ Uyên… Tạo được cái nhìn nhất quán, khách quan, lôgíc trong việc đánh giá, vinh danh các nhân vật lịch sử, sự kiện lịch sử qua các thời kỳ.
Trong nhiệm kỳ (2013-2018), Hội nêu quyết tâm huy động tối đa năng lực nhiệt tình, đề cao trách nhiệm hội viên vào công tác phản biện, nghiên cứu khoa học, biên soạn nhiều ấn phẩm lịch sử có giá trị, làm tốt công tác bảo tồn, bảo tàng, giảng dạy lịch sử, đặc biệt là lịch sử về truyền thống yêu nước và cách mạng của đồng bào các dân tộc trong tỉnh, phấn đấu trở thành một hội mạnh trong gia đình Liên hiệp các hội KHKT tỉnh Ninh Bình.
Đức Trung