Ninh Bình vốn là vùng đất có nhiều ngành nghề truyền thống: chiếu cói (Kim Sơn); Đá mỹ nghệ (Ninh Vân, Hoa Lư); Thêu ren (Ninh Hải, Hoa Lư); Mộc (Ninh Phong, thành phố Ninh Binh); Gốm sứ (Yên Mô, Nho Quan); Đan lát (Gia Viễn, Yên Khánh)... Nhưng, để những sản phẩm đó trở thành hàng lưu niệm, mang đặc trưng của tỉnh thì hầu như chưa có. Đây cũng là điều trăn trở của lãnh đạo tỉnh và các ngành chức năng trong nhiều năm qua, nhất là khi du lịch đang được xác định là ngành kinh tế "Mũi nhọn" của tỉnh. Để có thể từng bước giải quyết được vấn đề trên, Sở Công Thương tỉnh đã có Kế hoạch số 542B ngày 7-8-2013 về việc tổ chức cuộc thi sáng tác mẫu sản phẩm thủ công Mỹ nghệ, hàng lưu niệm phục vụ du lịch, đồng thời thành lập Ban tổ chức cuộc thi, xây dựng và ban hành thể lệ, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai cuộc thi đến các hiệp hội ngành nghề, làng nghề; các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, hàng lưu niệm; các nghệ nhân, cá nhân có khả năng điều kiện sáng tác mẫu hàng thủ công mỹ nghệ, hàng lưu niệm. Mục đích của cuộc thi là nhằm tìm ra những mẫu sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ, hàng lưu niệm mang đặc trưng của Ninh Bình phục vụ khách du lịch với yêu cầu về: tính biểu trưng, tính sáng tạo, tính thẩm mỹ, tính ứng dụng và nguyên liệu sản xuất. Sau một thời gian triển khai, phổ biến, hướng dẫn, đến cuối tháng 11-2013, Ban tổ chức cuộc thi đã nhận được 118 mẫu sản phẩm đăng ký dự thi; trong đó có: 22 mẫu sản phẩm gốm sứ, 12 mẫu sản phẩm thêu, 23 mẫu sản phẩm gỗ mỹ nghệ và 61 mẫu sản phẩm từ các chất liệu khác (cói, tre, tranh sơn mài, giấy, ảnh, len...). Dựa theo các yêu cầu: mẫu sản phẩm phải mang đậm tính đặc trưng về văn hóa, lịch sử, con người Ninh Bình, về danh thắng, địa danh độc đáo đã có trong tỉnh; mẫu sản phẩm mới hoặc được cải tiến thể hiện sự khác biệt với các địa phương khác; có kiểu dáng, chất liệu, nguyên liệu, màu sắc đẹp, hài hòa, ấn tượng; có kích thước, trọng lượng gọn, nhẹ, dễ cầm, dễ mang, giá cả phù hợp với hàng lưu niệm, thuận tiện để sản xuất đại trà; nguyên liệu để sản xuất ra sản phẩm có nhiều ở địa phương, thân thiện với môi trường, an toàn cho người sử dụng...Ban giám khảo cuộc thi đã rà soát, chấm điểm và lựa chọn ra 23 mẫu sản phẩm đoạt giải, trong đó: 5 mẫu sản phẩm đoạt giải B (2 mẫu gốm sứ, 1 mẫu thêu ren, 1 mẫu gỗ, 1 mẫu từ chất liệu khác); 3 mẫu sản phẩm đoạt giải C ( 3 mẫu gốm sứ, 1 mẫu gỗ, 1 mẫu cói, 1 mẫu từ chất liệu khác) và 12 mẫu sản phẩm đoạt giải khuyến khích. Đáng chú ý là chưa có mẫu sản phẩm nào đoạt giải A do chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chí.Ông Phạm Văn Vang (Doanh nghiệp gốm tư nhân Bồ Bát, Yên Thành,Yên Mô) là một trong số người đoạt giải B với mẫu sản phẩm "Bộ ấm trà gốm tuổi thơ Đinh Bộ Lĩnh" tâm sự: Được tham dự cuộc thi là điều phấn khởi đối với doanh nghiệp. Đây cũng là dịp để giới thiệu, quảng bá về gốm Bồ Bát vốn là cái "nôi' của gốm Bát Tràng ngày nay đến với nhiều người, trên cơ sở đó góp phần vào việc phục hồi làng gốm cổ đã bị mai một cũng như phát triển tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn.
Đồng chí Hoàng Trung Kiên, Phó Giám đốc sở Công thương, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi cho biết: cuộc thi đã bước đầu động viên, khuyến khích được các tổ chức cá nhân, doanh nghiệp tham gia sáng tác mẫu sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ, hàng lưu niệm. Tuy chưa có mẫu sản phẩm hàng lưu niệm xuất sắc, song qua đây có thể lựa chọn những mẫu sản phẩm tiêu biểu, có ưu thế phục vụ du lịch hỗ trợ mua lại và trưng bầy tại các gian hàng lưu niệm trong khu du lịch, đồng thời có kế hoạch sản xuất đại trà các mẫu sản phẩm đó khi được khách du lịch thừa nhận.
Trường Sinh