Công tác thông tin, tuyên truyền được quan tâm, đẩy mạnh bằng việc phát động "Chiến dịch truyền thông đẩy mạnh các hoạt động vì chất lượng VSATTP", tạo ra bước đột phá, sự chuyển biến tích cực trong việc chấp hành pháp luật; đồng thời chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm hàng loạt và các bệnh truyền qua thực phẩm. Theo đó, huy động mọi nguồn lực, các cơ quan thông tấn báo chí tham gia; tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức, phương tiện truyền thông thích hợp như: Phát thông điệp và các tin, bài tuyên truyền về ATTP trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Đài phát thanh các huyện, thành phố và Đài truyền thanh cấp xã, phường, thị trấn; đưa tin, bài tuyên truyền trên Báo Ninh Bình, trên các website của ngành; treo băng zôn tại các trục đường lớn, khu trung tâm, các chợ nơi tập trung đông người và thực hiện tuyên truyền trực tiếp trong quá trình kiểm tra tại cơ sở thực phẩm.
Nội dung tuyên truyền tập trung vào vận động, hướng dẫn sản xuất sơ chế, bảo quản và tiêu dùng rau, thịt an toàn; tuyên truyền, phổ biến tăng cường nhận thức, làm rõ trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trong việc bảo đảm chất lượng VSATTP theo quy định của pháp luật. Kết quả đã có gần 200 buổi hội thảo, nói chuyện chuyên đề của ngành Y tế, ngành Nông nghiệp và PTNT cho hàng nghìn lượt người dự nghe.
Các cơ quan thông tin đại chúng cũng đã có hàng nghìn tin, bài, ảnh, sản phẩm truyền thông (khẩu hiệu, tranh, áp phích, tờ rơi, băng đĩa…) tuyên truyền trực quan và trực tiếp tại cơ sở lồng ghép với quá trình thanh, kiểm tra chuyên ngành…
Đặc biệt, với chủ đề "Tiếp tục tăng cường sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn", trong Tháng hành động vì ATTP năm 2016, ngoài 3 Đoàn kiểm tra liên ngành về VSATTP số 1, 2, 3 của tỉnh; UBND tỉnh còn ban hành Quyết định số 520/QĐ-UBND thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành về VSATTP do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng đoàn và các đồng chí Giám đốc các Sở: Y tế, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp & PTNT làm Phó trưởng đoàn; tiến hành kiểm tra công tác quản lý về ATTP đối với cơ quan quản lý nhà nước và việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo đảm ATTP đối với các cơ sở thực phẩm; qua đó phát hiện, chấn chỉnh những bất cập, yếu kém, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về ATTP.
Các Đoàn kiểm tra đã tập trung vào các sản phẩm rau thịt, các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, chợ, siêu thị, nhà hàng và các vùng trồng rau. Trong quá trình kiểm tra, các Đoàn cũng thực hiện lấy mẫu thực phẩm để kiểm tra chất lượng và đánh giá mức độ ô nhiễm đối với một số loại thực phẩm rau, thịt, nước uống đóng chai…
Trong tháng, đã có 267 đoàn kiểm tra; trong đó có 154 đoàn kiểm tra liên ngành, 113 đoàn kiểm tra chuyên ngành của tuyến tỉnh, huyện, xã.
Đặc biệt, 7 đoàn kiểm tra tuyến tỉnh, gồm các đoàn kiểm tra liên ngành và đoàn kiểm tra chuyên ngành của Chi cục ATVSTP, Chi cục quản lý thị trường đã tập trung kiểm tra các cơ sở nước uống đóng chai, nước đá uống, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, các chợ đầu mối, trung tâm…
Các huyện cũng đã thành lập 22 đoàn, gồm 8 đoàn kiểm tra liên ngành tuyến huyện, thành phố; 7 đoàn kiểm tra chuyên ngành của 7/8 Trung tâm Y tế (riêng huyện Yên Mô không có đoàn kiểm tra chuyên ngành) và 7 đoàn kiểm tra chuyên ngành của các đội Quản lý thị trường.
Đối với các xã, thị trấn đã thành lập 238 đoàn kiểm tra, gồm 142 đoàn kiểm tra liên ngành và 96 đoàn kiểm tra chuyên ngành của xã, phường, thị trấn của 8 huyện, thành phố.
Các đoàn thanh tra, kiểm tra từ xã đến tỉnh đã kiểm tra trên 1.120 cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ; trong đó có trên 160 cơ sở sản xuất chế biến; hơn 400 cơ sở kinh doanh thực phẩm, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi; trên 900 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống các loại, đạt từ 70-90% kế hoạch.
Kết quả, đã nhắc nhở 148 cơ sở, xử lý 76 cơ sở, trong đó chủ yếu là các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thực phẩm, sản xuất thực phẩm, kinh doanh thuốc thú y, cơ sở giết mổ, phạt số tiền trên 200 triệu đồng.
Cùng với đó, công tác kiểm nghiệm định tính bằng test kiểm tra nhanh hóa học cũng được thực hiện ở cả tuyến tỉnh, tuyến huyện và tuyến xã.
Theo đó, tại tuyến tỉnh, các đoàn thanh tra, kiểm tra đã thực hiện trên 100 mẫu thực phẩm, tuyến huyện thực hiện gần 1.600 mẫu và tuyến xã thực hiện trên 2 nghìn mẫu rau củ quả tươi, thịt gia súc, gia cầm tươi, chả mực, chả lợn, bún, nầm dê, sứa, nước, măng ngâm, giò chả, rượu, dưa muối… để xác định hóa chất bảo vệ thực vật, chất methanol, các chất bảo quản như hàn the, fooc-mon, nitrat…
Kết quả kiểm nghiệm không phát hiện thịt lợn trên thị trường có dư lượng chất cấm như Salbutamol, Clenbutarol. Một số mẫu, tỷ lệ an toàn thực phẩm không đạt như rau củ quả tươi, thịt tươi đông lạnh, nước uống, giò chả, bát đĩa không đảm bảo vệ sinh…
Đồng thời kiểm tra, đánh giá của các đoàn thanh tra, kiểm tra cho thấy, hiện nay, tình trạng sử dụng các hóa chất bảo vệ thực vật trong sản xuất, bảo quản rau quả rất tràn lan, với nhiều loại hóa chất khác nhau dẫn đến khó khăn trong việc xác định các mối nguy ô nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật.
Công tác giám sát và quản lý nguồn gốc thực phẩm, nhất là các sản phẩm nông nghiệp, kiểm soát giết mổ còn gặp nhiều khó khăn, chưa triệt để...
Trong Tháng hành động vì ATTP năm nay đã có trên 60 ca ngộ độc thực phẩm, tuy nhiên không có ca nào tử vong; số ca ngộ độc thực phẩm tăng hơn 10 ca so với cùng thời điểm năm trước.
Theo đại diện Chi cục ATVSTP tỉnh, hạn chế trong công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh ta là do, việc kiểm tra, giám sát các hoạt động của Ban chỉ đạo liên ngành về VSATTP tuyến huyện đối với tuyến xã và Đoàn kiểm tra liên ngành tuyến xã chưa thường xuyên.
Chính quyền địa phương tại một số xã chưa thực sự quan tâm đến công tác ATTP trên địa bàn mà hoàn toàn giao phó cho Trạm Y tế xã, vì vậy công tác quản lý ATTP tại tuyến xã chưa thực sự hiệu quả.
Một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm còn kinh doanh hàng thực phẩm chưa có hóa đơn/chứng từ thể hiện nguồn gốc; kinh doanh thực phẩm tươi sống có nguồn gốc là động vật trên cạn bị ôi thiu, biến đổi màu sắc, chưa có biện pháp phòng, chống côn trùng, động vật gây hại; kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hết hạn sử dụng.
Một số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống sử dụng nguyên liệu không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ; không bảo đảm ATTP trong quá trình sản xuất thực phẩm, chưa thực hiện khám sức khỏe theo quy định, thiếu Giấy xác nhận kiến thức ATTP, chưa lưu mẫu thức ăn, không tuân thủ các điều kiện về bảo đảm ATTP trong bảo quản thực phẩm.
Các cơ sở nhỏ lẻ do tuyến xã quản lý chưa đảm bảo ATTP về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ chế biến thực phẩm.
Cùng với đó, việc quy hoạch các vùng sản xuất rau an toàn, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung mới bước đầu được triển khai chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.
Do đó, nhiều vấn đề được đặt ra trong công tác quản lý VSATTP. Trong đó cần có nguồn kinh phí nhất định hàng năm để các địa phương triển khai các hoạt động quản lý ATTP. Thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo chuyên môn nghiệp vụ về quản lý ATTP cho tuyến cơ sở và tăng biên chế cán bộ làm công tác quản lý ATTP tại cả 3 tuyến tỉnh, huyện, xã.
Tăng cường năng lực cho các Labo xét nghiệm tại các địa phương, đầu tư các trang thiết bị dụng cụ phục vụ cho công tác xét nghiệm về ATTP. Sở Nông nghiệp & PTNT triển khai quy hoạch, phát triển các vùng trồng rau an toàn, các khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn.
Các đơn vị chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ATTP trong nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong công tác bảo đảm ATTP; đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm về ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm…
Mỹ Hạnh