Không muốn cô con gái có sự gián đoạn trong việc học môn năng khiếu thanh nhạc, gia đình anh Nguyễn Thành Long, phố 11 phường Đông Thành (thành phố Ninh Bình) đã đề xuất với giáo viên tổ chức dạy học trực tuyến. Anh Long chia sẻ: Hình thức học nghệ thuật qua trực tuyến cũng rất dễ học, dễ hiểu, chỉ với một chiếc điện thoại smart phone, qua đó niềm đam mê vẫn được duy trì.
Qua hình ảnh, âm thanh truyền trực tiếp, cô, trò có thể chủ động trong luyện khẩu hình, khẩu âm cho nhau, không có rào cản khoảng cách cô - trò trong chuyển tải kiến thức nghệ thuật. Em Nguyễn Thùy Dương, 9 tuổi, phố 11, phường Đông Thành phấn khởi cho biết: Khi nghỉ học do dịch bệnh, được cô giáo hàng ngày dạy online qua điện thoại, em rất phấn khởi, giúp em nuôi dưỡng niềm đam mê âm nhạc mỗi ngày, vừa là cách giúp em giải trí hiệu quả.
Nghệ sĩ trẻ Phạm Quỳnh, giáo viên thanh nhạc Trung tâm Thao Sunny Entertaiment (thành phố Ninh Bình) cho biết: Việc học thanh nhạc của thiếu nhi thông qua Internet cũng không khác nhiều so với việc dạy trực tiếp. Dù cô giáo và học sinh đều ở nhà nhưng qua Internet cô trò vẫn trao đổi thông tin với nhau, chuyển tải nội dung bài luyện thanh cho học sinh, học sinh vẫn thể hiện được hứng thú với bài học, giúp học sinh vừa đảm bảo sức khỏe, vừa theo đuổi được đam mê của mình với nghệ thuật.
Với môn múa, là nghệ thuật tạo hình không gian động, ngôn ngữ ước lệ biểu cảm trực tiếp…, thì việc học trực tuyến chỉ cần chiếc smartphone và chiếc giá đỡ cũng hoàn toàn chủ động trong việc học và luyện tập, qua những động tác huấn luyện viên hướng dẫn.
Huấn luyện viên môn Belly dance Đinh Ngọc Khánh cho biết: Để dạy được qua hình thức trực tuyến, huấn luyện viên phải soạn theo giáo án mới, những động tác truyền đạt tới học viên có khi phải nói lại nhiều lần do lỗi đường truyền chậm, thời gian dạy dài hơn dạy trực tiếp.
Bên cạnh đó, huấn luyện viên không trực tiếp uốn nắn được từng động tác cho học viên nên khi dạy phải nói chậm, nói kỹ, thực hành 1 động tác nhiều lần để học viên có thể nắm bắt đúng bài giảng. Đồng thời, yêu cầu học viên có tương tác lại với huấn luyện viên qua việc tập lại bài đã học, gửi lại cho huấn luyện viên xem và chỉnh sửa cho chuẩn động tác.
Theo khảo sát tại các Trung tâm đào tạo nghệ thuật trên địa bàn tỉnh, được biết, trước kia, trung bình mỗi lớp học nghệ thuật có từ 10-20 người học, mỗi tháng có khoảng trên 10 lớp ở các bộ môn: Nhảy hiện đại, mỹ thuật, kỹ năng sống, MC, người mẫu nhí, hip-hop, bellydance, ballet…
Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid-19, các Trung tâm cũng tạm dừng hoạt động hơn 1 tháng nay, chuyển hình thức từ dạy trực tiếp sang dạy trực tuyến và được phụ huynh, học sinh ủng hộ tích cực. Hiện nay, việc dạy các môn nghệ thuật trực tuyến đa phần mới áp dụng giảng dạy trực tiếp qua các trang mạng xã hội như zalo, messenger, facebook.
Qua đánh giá, mức độ, hiệu quả của giảng dạy trực tuyến tương đương với lớp học truyền thống; sự hỗ trợ của giáo viên trực tuyến không hề thua kém khi dạy trực tiếp, các câu hỏi của học sinh được thầy cô giải đáp ngay; thời gian học tập được linh hoạt; học viên tiết kiệm được nhiều chi phí học tập…
Do dịch bệnh, các lớp học nghệ thuật cũng như các lớp học văn hóa đang chuyển dịch sang học trực tuyến để duy trì các hoạt động dạy học cho thầy cô và học sinh. Tuy nhiên, đây mới chỉ là giải pháp tạm thời trong thời gian nghỉ ngắn, còn về lâu dài, các Trung tâm đào tạo nghệ thuật đang có ý tưởng xây dựng kế hoạch giảng dạy dài hạn, xây dựng giáo án điện tử cho các môn nghệ thuật để người học có thể chủ động trong lựa chọn các bài học và học lại nhiều lần, đồng thời giảm thời gian đứng lớp cho giáo viên, huấn luyện viên nghệ thuật.
Bài, ảnh: Tiến Minh