Những mảnh đời
Một ngày cuối tuần, chúng tôi tới thăm Trung tâm Chữa bệnh giáo dục LĐXH tỉnh. Hôm nay, Trung tâm tổ chức cho những học viên có thành tích tốt được gặp gia đình. Bồng cô con gái nhỏ trên tay, Phạm Văn H (xã Ninh Phúc, thành phố Ninh Bình) đang cẩn thận dặn dò vợ mình: "Hai mẹ con đi đường cẩn thận, có thời gian thì lại lên thăm anh nhé". Và hứa rằng: "Anh sẽ cố gắng rèn luyện thật tốt để sớm về với mẹ con em". Cô con gái nhỏ của H lon ton theo mẹ, bé bỗng quay lại, bàn tay nhỏ xíu như cánh hoa chấp chới trong nắng vẫy vẫy bố: "Đi công tác về, bố nhớ mua quà cho con nhé". Trong tiềm thức của cô bé 3 tuổi này, bố em đang đi công tác và làm một nhiệm vụ rất đặc biệt. Bé vẫn thường được mẹ giải thích như vậy về sự vắng mặt lâu ngày của bố. Lời nói ngây thơ của con làm Phạm Văn H se sắt lòng. Anh cứ đứng nhìn mãi theo vợ con của mình. Sự ân hận và niềm hi vọng hiện rõ trên khuôn mặt của anh. Nhất định anh sẽ trở về để làm lại cuộc đời, anh tin mình sẽ làm được điều đó.
Sinh ra trong một gia đình nề nếp ở xã Ninh Phúc, thành phố Ninh Bình. Từ nhỏ, Phạm Văn H đã được bố mẹ yêu chiều, cho học hành đến nơi đến chốn. Không phụ lòng cha mẹ, H chăm ngoan, học hành tiến bộ. Tốt nghiệp THPT, H đi học nghề trang trí nội thất. Khéo léo, lại cần cù học hỏi, chẳng bao lâu H đã trở thành người thợ có tiếng ở Hải Phòng với mức thu nhập mà nhiều bạn trẻ mơ ước. H ngậm ngùi: Có tiền, lại ở xa gia đình nên em đã sa ngã từ lúc nào không hay. Ban đầu, chỉ là thử hút vì tò mò, lâu rồi thành nghiện. Làm được bao nhiêu, em "nướng" hết vào hút hít. Ngày biết em bị nghiện ma túy, vợ em khóc suốt. Em tưởng rằng cô ấy sẽ rời xa em, nhưng vài ngày sau đó, vợ em bình tĩnh động viên em đi cai nghiện. Vợ, con em vẫn đặt trọn vẹn niềm tin ở em. Em quyết tâm làm đơn để đi cai nghiện ở Trung tâm Chữa bệnh giáo dục LĐXH tỉnh…
Trần Viết H (thị xã Tam Điệp) năm nay mới tròn 25 tuổi. ấy thế nhưng cậu đã có "thâm niên" sử dụng ma túy 10 năm có lẻ. Trần Viết H tâm sự: Em bắt đầu hút "hàng trắng" từ năm 15 tuổi, khi vẫn còn đang học THPT. Để có tiền thỏa mãn cơn đói thuốc, em thường xuyên phải nói dối bố mẹ là đi học thêm. Nhiều khi, em cũng buồn lắm, chỉ ước sao mình cũng được vô tư, lành mạnh như bạn bè cùng trang lứa. Nhưng vì em đã nghiện sâu nên không thể từ bỏ được. Đến năm 2008, gia đình em mới phát hiện và động viên em đi cai ở trung tâm. H bảo, em hi vọng mình sẽ tận dụng tốt thời gian ở Trung tâm để rèn luyện, về với đời em sẽ tránh xa được sự cám dỗ của ma túy. Chúng tôi nhìn và nghe cậu thanh niên mới có 25 tuổi đời ấy nói mà trong lòng không khỏi xót xa. 25 tuổi, H còn quá trẻ để bị nhốt trong mặc cảm tội lỗi của chính mình, ngày về với đời cũng là ngày cậu sẽ đối diện với thách thức khác.
Đường về với cuộc đời
Trung tâm chữa bệnh giáo dục LĐXH hiện đang quản lý 273 học viên. Sau khi được điều trị cắt cơn tại Trung tâm, các học viên bắt đầu cuộc hành trình "tìm lại chính mình". Vừa trị liệu, vừa học văn hóa và trang bị các kỹ năng hướng đến tái hòa nhập cộng đồng. Đối với học viên chưa tốt nghiệp THCS thì việc học văn hóa, hoàn thành chương trình THCS là yêu cầu bắt buộc. Trong các buổi học, ngoài dạy văn hóa, Trung tâm cũng rất coi trọng việc giáo dục chính trị, giáo dục pháp luật, đạo đức, tác phong cho học viên.
Thông qua các buổi sinh hoạt ngoại khóa, các học viên còn được truyền đạt những nội dung của luật như: Luật Phòng, chống ma túy, Luật Hình sự; Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính… Ngoài ra, tất cả học viên tại Trung tâm đều được học các chuyên đề về kỹ năng hòa nhập cuộc sống. Tổ tư vấn của Trung tâm đã trở thành "điểm đến" quen thuộc của nhiều học sinh để được động viên, chia sẻ về tình yêu, sức khỏe, định hướng nghề nghiệp… Hoạt động của tổ tư vấn góp phần giúp đỡ học viên nhận thức được đầy đủ hành vi sai phạm của mình để từ đó thay đổi suy nghĩ, sống hướng thiện. Chính vì vậy, không ít học viên lúc mới vào trường tỏ ra bất hợp tác, sống khép kín với mọi người xung quanh, nhưng sau một thời gian học tập tại trường đã tỏ ra cởi mở và tự tin hơn.
Ông Đào Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm cho rằng, phương pháp giáo dục tại Trung tâm hết sức thân thiện và tích cực. Trong một môi trường chính quy, kỷ luật, học viên được tạo điều kiện tiếp xúc với các phương tiện nghe, nhìn, được tham gia sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, được hướng nghiệp… Trung tâm cũng quán triệt nguyên lý học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất. Hoạt động lao động không chỉ là một phương pháp trị liệu thông thường, mà thông qua lao động các học viên sẽ hiểu hơn giá trị của cuộc sống.
Theo đó, căn cứ vào sở thích, năng khiếu, nhu cầu của thị trường… Trung tâm phối hợp với một số doanh nghiệp tổ chức các lớp dạy nghề cho học viên như: làm lông mi giả, làm đá trang sức, bóc hạt điều, nghề điện… Phạm Văn H. cho biết: "Sức khỏe của em bây giờ tốt hơn, tinh thần lạc quan hơn. Lúc ở ngoài đời, mải ăn chơi, chỉ biết nghĩ về mình. Sau khi vào trường, được các cán bộ giác ngộ, em mới nhận ra mình đã sống những tháng ngày thật vô nghĩa. Em sẽ quyết tâm làm lại cuộc đời, sẽ sống thật tốt để không làm buồn lòng người thân. Em cũng đã có kế hoạch cho tương lai mình. Với nghề trang trí nội thất trong tay, em sẽ làm lại từ đầu. Biết sẽ vất vả, nhưng niềm tin của vợ, con sẽ là động lực giúp em đứng vững và vươn lên".
Cũng như Phạm Văn H., Trần Viết H. cho biết: "Trước khi vào trường, em là kẻ nghiện ngập, không công việc, không tiền bạc, cuộc đời bế tắc không lối thoát. Nhưng từ khi vào Trung tâm, được các cán bộ động viên, giúp đỡ, em đã dần lấy lại tinh thần. Em đang học làm lông mi giả. Làm chăm chỉ, mỗi tháng em cũng có thêm vài trăm nghìn đồng. Số tiền tuy ít ỏi, song với em nó rất ý nghĩa. Bởi đây là những đồng tiền làm ra từ mô hôi, nước mắt và bằng cả niềm tin của gia đình, của cán bộ Trung tâm.
Dù là nắn nót những đường chỉ ở bên máy may, hay tỉ mỉ, nhẫn nại mài viên đá trắng…, chúng tôi đều thấy trong ánh mắt mỗi học viên ánh lên niềm hối cải. ở ngôi trường này, mỗi năm có hàng trăm học viên sau khi hoàn thành quy trình trị liệu 24 tháng, được trở về tái hòa nhập cộng đồng. Và Trung tâm lại tiếp nhận những học viên mới, họ đến đây để được điều trị, được trang bị kiến thức và quan trọng hơn là họ được bồi đắp niềm tin để làm lại cuộc đời.
Thu Hằng