Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT cho biết: Nhìn lại vụ sản xuất đông xuân cho thấy, đây là vụ sản xuất gặp nhiều khó khăn. Khó khăn lớn nhất vẫn là diễn biến phức tạp của thời tiết: Rét đậm ở đầu vụ, mưa nắng thất thường. Gần đến thời kỳ thu hoạch thì mưa to kéo dài nhiều ngày, gây mất mùa cục bộ ở một số xã; lũ tiểu mãn về sớm, lúa ngoài đê của các huyện Nho Quan, Gia Viễn phải thu hoạch sớm chạy lũ hoặc bị mất trắng làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng của toàn vụ. Mặt khác, giá nông sản hàng hóa nông nghiệp dao động mạnh, theo chiều hướng giảm gây khó khăn cho việc đầu tư thâm canh của người nông dân (giá lúa lai hiện nay chỉ còn khoảng trên 3.000 đồng/kg, lúa chất lượng cao từ 5.000 - 5.500 đồng/kg). Hơn nữa sâu bệnh, chuột hại là những yếu tố ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng lúa.
Bên cạnh những khó khăn, vụ lúa đông xuân năm nay có những thuận lợi cơ bản, Nhà nước và tỉnh có chủ trương, nghị quyết về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân; về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sản xuất hàng hóa bền vững. Tỉnh có dự án phát triển giống lúa cao sản mỗi năm 20.000 ha. Các tiến bộ về kỹ thuật và giống cây trồng đang ngày càng được ứng dụng rộng rãi vào đồng ruộng. Cơ sở hạ tầng: Giao thông nông thôn, trạm bơm, kênh mương, đê điều, thủy lợi nội đồng… ngày càng được củng cố và tăng cường tạo điều kiện thuận lợi cho nông nghiệp, nông thôn phát triển. Điểm đáng chú ý nữa ở vụ đông xuân năm nay là thời tiết tương đối thuận hòa trong suốt quá trình sinh trưởng và phát triển của lúa, tạo điều kiện cho cây khỏe, ít sâu bệnh, chi phí cho công tác BVTV ở vụ này giảm nhiều… làm tăng hiệu quả của vụ sản xuất.
Làm đất cấy vụ mùa ở xã Yên Thắng (Yên Mô). Ảnh: Phạm Trường
Vụ đông xuân, toàn tỉnh đã gieo cấy 41.439,4 ha, vượt kế hoạch đề ra 1.439 ha và cao hơn vụ đông xuân trước 370 ha. Năng suất ước tính bình quân toàn tỉnh đạt 62,22 tạ/ha, nếu như không bị mất mùa cục bộ ở một số xã của huyện Nho Quan và Gia Viễn thì chắc chắn năng suất lúa bình quân chung toàn tỉnh sẽ cao hơn nhiều so với vụ đông xuân 2007-2008 (năng suất đạt 62,36 tạ/ha). Về sản lượng, ước đạt 257.833 tấn, cao hơn vụ đông xuân trước do diện tích cấy được tăng lên. Điểm mới đáng chú ý, đây là vụ đầu tiên thực hiện Đề án phát triển lúa cao sản của tỉnh đến hết vụ đông xuân năm 2010 - 2011, nên trong vụ đông xuân 2008-2009, toàn tỉnh đã gieo cấy 13.876,1 ha lúa cao sản, đạt 69,4% diện tích được phê duyệt diện tích lúa cao sản trong năm 2009 (diện tích lúa cao sản được phê duyệt là 20.000 ha/năm). Năng suất lúa cao sản ước đạt bình quân 70,31 tạ/ha, cao hơn năng suất lúa bình quân chung và cao hơn giống lúa lai Nhị ưu 838 từ 10-13%. Có 6 huyện, thành phố, thị xã sản xuất lúa cao sản ngay trong vụ đông xuân này (đạt từ 72,5% diện tích được phân bổ cả năm). Diện tích lúa thuần trong vụ đạt 14.505,4 ha, bằng 35% diện tích gieo cấy, năng suất ước đạt bình quân 52,92 tạ/ha. Như vậy, vụ lúa đông xuân 2008-2009 là vụ sản xuất được mùa cả về diện tích, năng suất và sản lượng.
Về Kim Sơn, một huyện luôn đạt năng suất cao nhất tỉnh, niềm vui được mùa vẫn còn rạng ngời trên khuôn mặt của người nông dân. Vụ đông xuân năm nay, Kim Sơn gieo cấy trên 8.000 ha lúa với cơ cấu trà lúa 100% là xuân muộn. Trong cơ cấu giống, lúa lai chiếm tỷ lệ trên 72% (trong đó 2.539,2 ha lúa cao sản cấy theo Đề án hỗ trợ phát triển diện tích lúa cao sản của tỉnh, với các giống lúa chủ lực Phú ưu 1, CNR 5104, Phú ưu 978, Thục hưng 6), diện tích lúa chất lượng cao đạt 1.668,9 ha, chiếm 20,3% diện tích gieo cấy toàn vụ (với các giống Bắc thơm số 7, LT2, HT1). Năng suất lúa bình quân toàn huyện ước đạt 70,02 tạ/ha (cao hơn vụ đông xuân năm 2007 và năm 2008), năng suất lúa cao sản ước đạt 75,03 tạ/ha. Đối với chương trình phát triển lúa cao sản, các cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia sản xuất, đẩy mạnh thâm canh lúa cao sản. Khoanh vùng và thực hiện tốt chương trình hỗ trợ về giống cho những diện tích cấy lúa cao sản để nhân dân yên tâm sản xuất. Do các giống lúa trong chương trình phát triển lúa cao sản là giống lúa mới có nhiều ưu điểm như năng suất cao, khả năng kháng sâu bệnh, nhưng đòi hỏi phải tuân theo quy trình gieo cấy, chăm sóc, lượng phân bón nhiều hơn, nên huyện đã phối kết hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân về giống, cơ cấu mùa vụ, kỹ thuật gieo cấy, chăm sóc mạ, phòng trừ sâu bệnh và chăm sóc cây lúa cho đến khi thu hoạch. Kết quả, huyện đã tổ chức được trên 30 lớp tập huấn kỹ thuật lúa cao sản cho 30 HTX nông nghiệp trong huyện.
Qua vụ sản xuất này cho thấy, phát triển giống lúa cao sản góp phần đảm bảo ổn định an ninh lương thực, nhưng giá trị của nó mang lại cho người nông dân không cao (giá lúa luôn thấp hơn lúa chất lượng cao, lúa thơm, tám, dự… từ 2-4 lần), nên mới đây UBND tỉnh đã có quyết định bổ sung các giống lúa LT2, Bắc thơm số 7 vào chủng loại giống được hỗ trợ trong Đề án phát triển lúa cao sản. Một thực tế nữa là, các đơn vị sản xuất vượt định mức phân bổ của tỉnh, Sở Nông nghiệp & PTNT đang xây dựng văn bản trình tỉnh xem xét về cơ chế hỗ trợ phần diện tích vượt trên tinh thần lấy từ nguồn ngân sách của địa phương.
Đinh Chúc - Hương Giang