Vào những ngày cuối tuần, góc chợ Lồng lại rộn rã âm thanh của các nhạc cụ dân tộc như tiếng mõ, phách, đàn nhị, cùng với làn điệu xẩm làm xao xuyến lòng người. Em Vũ Thị Thu Hương, 14 tuổi, thành viên Chiếu xẩm chợ Yên Phong cho biết: Em rất vinh dự được sinh ra và lớn lên trên quê hương được coi là một trong những cái nôi sản sinh ra bộ môn nghệ thuật hát xẩm. Ngay từ nhỏ, em được bà truyền cảm hứng tình yêu nghệ thuật xẩm khi nghe bà hát xẩm mỗi ngày. Lời ca tiếng hát trong các câu chuyện của các bài xẩm hấp dẫn, diễn biến theo tình tiết hay trạng thái cảm xúc người hát rất lôi cuốn người nghe. Tham gia Chiếu xẩm, em được học rất nhiều về cách hát tròn vành rõ chữ của xẩm để chủ động trong thể hiện giai điệu, nhấn nhá ở các làn điệu, cũng như cách diễn xướng của loại hình nghệ thuật này. Hiện nay em đã có thể hát được khoảng 5 làn điệu xẩm như xẩm Thập Ân, xẩm Huê Tình, xẩm Tàu Điện, xẩm Chợ, xẩm Chênh Bông. Tại Liên hoan các câu lạc bộ hát xẩm khu vực phía Bắc - Ninh Bình năm 2019, em đã đạt giải nhì tại Liên hoan với bài xẩm mới "Mười ân thầy cô". Đây là động lực để em tiếp tục học hỏi, biểu diễn đa dạng các làn điệu xẩm thuần thục, hấp dẫn, góp phần bảo tồn loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc.
Đối với em Lê Thảo My, 11 tuổi, xóm Phú Mỹ, xã Yên Phong thì em đến với Chiếu xẩm chợ Yên Phong không chỉ được học hát các làn điệu xẩm mà còn được học cách biểu diễn các nhạc cụ dân tộc như kéo đàn nhị, gõ mõ, sênh. Đồng thời, em được tìm hiểu về lịch sử, nguồn gốc, giá trị ca từ của xẩm chủ yếu ở dạng thơ lục bát, có các tiếng đệm cho hợp vần như hát nói. Các làn điệu của xẩm vừa gần gũi, vừa đặc sắc, nội dung gắn với đời sống nên rất dễ đi vào lòng người. Em hy vọng với đam mê nghệ thuật truyền thống của mình góp phần giúp xẩm dần được khôi phục, trở thành loại hình nghệ thuật phổ biến trong đời sống.
Bà Lê Thị Chiến, quản lý Chiếu xẩm chợ Yên Phong cho biết: Xã Yên Phong được coi là một trong những cái nôi sản sinh ra bộ môn nghệ thuật hát xẩm, ở đó có cố nghệ nhân Hà Thị Cầu từng được mệnh danh là "báu vật nhân văn sống" quốc gia. Chiếu xẩm chợ Yên Phong được thành lập năm 2018, với ý tưởng phục dựng lại cách diễn xướng đặc trưng của hát xẩm chính là không gian tại góc chợ. Phương châm hoạt động của Chiếu xẩm đó là phục hồi những bài xẩm chợ cổ truyền của nghệ nhân Hà Thị Cầu và các bài hát xẩm trong các tư liệu, tài liệu văn hóa. Ngoài những bài xẩm cổ, Chiếu xẩm cũng phát triển, sáng tác nhiều bài xẩm mới với đề tài phong phú, ngoài ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước còn đề cập đến nhiều vấn đề mang hơi thở của cuộc sống đương đại.
Chiếu xẩm chợ Yên Phong gồm 12 thành viên ở độ tuổi thanh, thiếu nhi, thành viên nhỏ tuổi nhất 4 tuổi. Nghệ sỹ Bùi Công Sơn, Chủ nhiệm CLB Chiếu xẩm chợ Yên Phong đã là người nhiệt huyết truyền dạy cách sử dụng nhạc cụ kết hợp với hát các làn điệu xẩm, bảo tồn được giá trị của thể loại âm nhạc dân dã, lối diễn xướng dân gian độc đáo trong kho tàng âm nhạc cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Xẩm có khoảng trên dưới 10 làn điệu phổ biến như xẩm Thập ân, xẩm Huê Tình, xẩm Tàu Điện, xẩm Hà Liễu, xẩm Chợ, xẩm Hà Liễu… Hiện Chiếu xẩm chợ Yên Phong duy trì hoạt động thường xuyên hàng tuần vào 2 ngày cuối tuần, tại chợ Lồng, quảng bá nghệ thuật hát xẩm quê hương, tiếp tục thu hút thành viên tham gia. Hiện Chiếu xẩm đã truyền dạy trên 30 bài hát xẩm cho thành viên. Đặc biệt, từ đầu năm 2020, góp phần cùng cả nước chung tay phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Chiếu xẩm chợ Yên Phong đã tự sáng tác, biểu diễn thường xuyên 3 bài (Thư gửi vợ thời COVID, COVID quả thật là ghê và Chung tay dập dịch). Qua 2 năm hoạt động, Chiếu xẩm chợ Yên Phong đã đạt 1 giải nhất, 1 giải nhì và 1 giải khuyến khích cá nhân tại Liên hoan các câu lạc bộ hát xẩm khu vực phía Bắc - Ninh Bình năm 2019.
Bài, ảnh: Tiến Minh