Đã hơn 15h chiều ngày mùng hai Tết, chúng tôi vẫn thấy những đoàn khách mua vé, xếp hàng xuống thuyền du xuân Tràng An. Anh Phạm Thanh Thủy, nhân viên điều hành bến đò Tràng An cho hay: Nếu cùng một thời điểm, mà thời tiết xấu thì "chỉ có khách ra, chứ không khách có vào". Hôm nay, thời tiết thuận, nên giờ này du khách vẫn kịp vào thăm Tràng An. Trong mấy ngày qua, lượng khách đến Khu du lịch sinh thái Tràng An tăng dần từ trưa ngày mùng một. Đến mùng hai, thì đông nhất là tầm trưa và đầu giờ chiều. Anh Thủy chia sẻ thêm: Một phần đây là nhóm đi theo tour, khách di chuyển từ Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình..., sau đó mới về Ninh Bình. Cùng với du khách trong tỉnh sau khi chơi Tết ở gia đình, lúc này mới có thời gian du xuân. Tuy nhiên, lượng khách du lịch ước tính đến các tuyến du lịch trong lòng di sản Tràng An trong 2 ngày Tết ước đạt trên 10 nghìn lượt. Trong đó tỷ lệ du khách ngoại quốc, nhóm khách người Đài Loan và Hàn Quốc đi theo tour, chiếm khá đông - đây là nhóm khách du lịch ăn Tết tại Việt Nam. Bên cạnh đó, nhóm khách du lịch Châu Âu, đi nhỏ, lẻ theo diện tour ghép về đây cũng nhập đoàn, xuống thuyền. Gần 9h sáng ngày mùng năm Tết, anh Hoàng Minh quê ở Thái Bình, hiện là sinh viên năm thứ 2, Đại học Ngoại ngữ Hà Nội cùng nhóm bạn cùng lớp gồm hơn 10 người đã có trong tay tấm vé xuống thuyền thăm Tràng An. Theo anh Hoàng Minh, các bạn đồng tình xuống thuyền đi theo tuyến mới vừa khai trương.
Bởi theo giới thiệu, tuyến có ghé qua các đền Trình - hang Mây - suối Tiên - hang Địa Linh - hang Đại - Hành cung Vũ Lâm - phim trường King Kong. Với khung thời gian hành trình cả đi và về khoảng 3 - 4 giờ, tuyến du lịch phù hợp với những du khách yêu thích khung cảnh, vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên khám phá lịch sử cội nguồn dân tộc và hơn nữa muốn ghé thăm phim trường Kong: Srull Island - nơi có những cảnh quay hoành tráng trong bộ phim đình đám mà các nhà làm phim Hollywood thực hiện tại Tràng An, Ninh Bình.
Theo Ban quản lý Khu du lịch sinh thái Tràng An, có nhiều đoàn khách lựa chọn tuyến du lịch mới (tuyến 3), vừa khai trương để xuống thuyền. Đây là tuyến du lịch mới được đưa vào khai thác dịch vụ du lịch đầu năm 2018 sẽ không chỉ góp phần giảm tải các điểm đến trong lòng di sản Tràng An, mà còn làm phong phú thêm sản phẩm của du lịch đường thủy khi tạo thành hành trình khép kín đấu nối với danh thắng Tam Cốc - Bích Động.
Cùng thời điểm này, đại diện Phòng truyền thông, Ban quản lý Khu du lịch tâm linh núi chùa Bái Đính chia sẻ: Tên gọi chùa Bái Đính mang ý nghĩa là hướng về núi Đính, nơi diễn ra các sự kiện oai hùng trong lịch sử Việt Nam. Núi chùa Bái Đính chính là nơi vua Đinh Tiên Hoàng lập đàn tế trời cầu mưa thuận, gió hòa, cầu cho quốc thái, dân an.
Nơi đây cũng là nơi diễn ra Lễ tế cờ (giáp Tết Kỷ Dậu, năm 1789) trước khi vua Quang Trung chỉ huy cuộc hành quân thần tốc ra Thăng Long đại phá quân Thanh. Từ nhiều năm qua, nơi đây đã trở thành một địa điểm nổi tiếng, thu hút nhiều phật tử và du khách đến tham quan.
Vì sự linh thiêng đó, nên ngay từ trưa ngày mùng một, đã có những đoàn khách du lịch ở các địa phương lân cận và ở các tỉnh bạn chọn núi chùa Bái Đính là nơi hành hương lễ bái. Sang đến ngày mùng hai, mùng ba số lượng khách tăng cao dần... Không chỉ có du khách trong nước, nhóm du khách ngoại quốc (chiếm khoảng trên 10%) cũng hành hương, chiêm bái núi chùa Bái Đính - trong đó nhóm khách đến từ các nước châu á chiếm đa số".
Được biết, chuẩn bị cho mùa lễ hội Bái Đính diễn ra vào ngày mùng sáu tháng Giêng và kéo dài suốt 3 tháng, Khu du lịch tâm linh núi chùa đã xây dựng chương trình Lễ khai hội, bổ sung hơn 150 biển chỉ dẫn các khu vực, chỉnh trang, trang trí thêm các khu vực chuẩn bị cho ngày khai hội. Khu du lịch rà soát lại lực lượng lao động tổ hướng dẫn viên, tổ thợ ảnh, xe điện, bảo vệ…
Cùng với đó, có phương án, kế hoạch, hiệp đồng với các cấp, ngành, địa phương triển khai công tác đảm bảo an ninh trật tự, nhất là trong những ngày chính lễ hội.
Trưa ngày mùng năm Tết, chúng tôi đi cùng với Đoàn công tác của Sở Du lịch kiểm tra một số khu điểm du lịch trọng điểm, trong đó có Khu du lịch tâm linh núi chùa Bái Đính. Tại sân Điện Tam Thế, công tác chuẩn bị chương trình Lễ khai hội… đã hoàn tất với 2000 ghế ngồi... được trang hoàng rực rỡ theo phong cách Phật giáo, sẵn sàng cho ngày khai hội vào mùng sáu Tết và kéo dài cả mùa hội chùa Bái Đính.
Đi chùa là nhu cầu tâm linh không thể thiếu đối với người Việt, đặc biệt là mỗi dịp đầu năm mới. Mùa xuân về cũng là lúc trên vùng đất Cố đô Hoa Lư hàng vạn phật tử cùng du khách thập phương lại hành hương về đây chiêm bái và khám phá những những đền, chùa nổi tiếng linh thiêng đã có nghìn năm văn hiến.
Có thể ghé qua Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư - kinh đô của nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên của Việt Nam, gắn liền với 3 vương triều: Đinh - Tiền Lê - Lý. Cho đến ngày nay, nơi đây vẫn còn gìn giữ được nhiều công trình kiến trúc có giá trị cùng những chứng tích lịch sử hào hùng, những dãy tường thành thiên tạo đậm chất văn hóa lịch sử đã làm nên một "Kinh đô đá" trường tồn mãi với thời gian.
Hoặc phải "chùn chân, mỏi gối" để được ngắm ngôi chùa trong động - nơi mệnh danh là "đẹp thứ nhì trời Nam" bởi vẻ đẹp ấy được kết hợp hài hòa giữa lối kiến trúc cổ với thiên nhiên tạo nên một bức tranh phong cảnh mang nhiều sắc thái của một chốn tâm linh huyền bí.
Bên cạnh đó, còn nhiều địa danh khác, như đền Thái Vi, đền thờ Đức Thánh Nguyễn, đền Vực Vông, động An Tiêm, động Hoa Lư… mà mỗi nơi đều có những điển tích, giai thoại đẹp về vùng kinh đô cổ hơn một nghìn năm lịch sử với những giá trị văn hóa lịch sử và văn hóa tâm linh độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc.
Những ngày đầu xuân, hành trình về vùng đất Cố đô, được hòa mình trong sự linh thiêng, trầm mặc ở mảnh đất sinh vương, sinh thánh, ai ai cũng tâm niệm một lời nguyện cầu mong cho quốc thái, dân an - với sự tri ân sâu sắc trước các bậc tiền bối - nét đẹp văn hóa đã có truyền thống hình thành từ bao đời!
Bài, ảnh: Minh Đường