Điểm sáng trong triển khai dự án CHOBA
Những năm trước đây, công tác vệ sinh môi trường ở xã Yên Đồng (Yên Mô) gặp nhiều khó khăn, nguồn nước sinh hoạt hàng ngày của nhân dân chủ yếu là nước giếng đào và nước mưa, nhà tiêu hợp vệ sinh chiếm tỷ lệ rất thấp, phần lớn là nhà tiêu hở. Nguyên nhân do kinh tế của người dân còn khó khăn, nhận thức cũng như thói quen về vệ sinh môi trường còn hạn chế.
Trước thực tế đó, Hội LHPN tỉnh và Tổ chức Đông Tây hội ngộ đã quyết định chọn Yên Đồng là một trong những địa phương được hưởng lợi từ dự án CHOBA. Chị Phạm Thị Duyên, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Yên Đồng cho biết: Ngay sau khi dự án được triển khai, Hội Phụ nữ xã đã tích cực tham mưu với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập trung phổ biến các kiến thức về nước sạch, vệ sinh môi trường, tác hại của ô nhiễm môi trường đối với sức khỏe con người, đặc biệt là lợi ích của việc xây và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh tại các thôn, xóm. Đồng thời, lồng ghép tuyên truyền tại các hội nghị, các buổi sinh hoạt hội viên, phối hợp tuyên truyền trên đài truyền thanh xã. Đội ngũ tuyên truyền viên là các cán bộ phụ nữ xã cũng thường xuyên đến thăm, tư vấn, vận động các hộ gia đình thuộc đối tượng được hưởng lợi từ dự án tùy theo điều kiện của gia đình để đầu tư xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, đúng kỹ thuật, trong đó chú ý hướng các đối tượng lựa chọn hình thức xây nhà tiêu tự hoại.
Để đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ các gia đình xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, Hội Phụ nữ xã Yên Đồng còn tranh thủ các nguồn vốn như vốn nước sạch, vệ sinh môi trường của Ngân hàng Chính sách xã hội, vốn Quỹ quay vòng cấp nước và vệ sinh môi trường cho các hộ vay để xây dựng các công trình nhà tiêu hợp vệ sinh. Đặc biệt từ năm 2014, Hội Phụ nữ xã đã đứng ra tín chấp cho các hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn mua trước vật tư giúp các hộ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, đến khi được dự án hỗ trợ kinh phí sẽ trả lại sau.
Chị Nguyễn Thị Ngân, thôn Đông Xá, xã Yên Đồng chia sẻ: Trước đây vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có điều kiện xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày của gia đình. Từ khi được dự án CHOBA hỗ trợ, gia đình tôi đã xây dựng được nhà tiêu hai ngăn hợp vệ sinh giúp nâng cao sức khỏe và đảm bảo vệ sinh trong sinh hoạt hàng ngày. Sức khỏe của các con cũng như của cả gia đình được nâng cao.
Cũng theo chị Phạm Thị Duyên, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Yên Đồng: Dự án CHOBA đã góp phần hỗ trợ các gia đình hội viên phụ nữ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trong xã xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, đồng thời nâng cao nhận thức và thay đổi những thói quen lạc hậu, không đảm bảo vệ sinh của người dân. Đến nay Yên Đồng đã có 1.375 hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn xây dựng được nhà tiêu hợp vệ sinh. Các mô hình này đều được đánh giá cao và nhận được hỗ trợ từ nguồn vốn của dự án CHOBA. Chất lượng cuộc sống và sức khỏe của cộng đồng từ đó được nâng cao và bảo đảm. Ngoài ra, dự án cũng đã góp phần rất lớn vào chương trình xây dựng nông thôn mới của xã.
Hiệu quả rõ nét
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, đồng thời được sự quan tâm của Trung ương Hội LHPN Việt Nam và sự hỗ trợ kinh phí của Tổ chức Đông Tây hội ngộ, năm 2012, Hội Phụ nữ tỉnh đã triển khai dự án CHOBA ở 51 xã thuộc 5 huyện trên địa bàn tỉnh là Yên Khánh, Kim Sơn, Yên Mô, Gia Viễn, Nho Quan. Từ khi triển khai, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã phối hợp với cơ quan liên quan tuyên truyền sâu rộng về mục đích, ý nghĩa, về đối tượng được hưởng lợi của dự án, về tầm quan trọng của việc sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh và cách xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh giá rẻ trong việc cải thiện sức khỏe gia đình, cộng đồng, góp phần bảo vệ môi trường sống.
Theo đánh giá của Hội LHPN tỉnh, dự án CHOBA không chỉ mang giá trị về cải thiện vệ sinh môi trường mà còn có ý nghĩa về kinh tế, chính trị và giàu tính nhân văn. Qua gần 5 năm triển khai thực hiện, dự án đã góp phần cải thiện tình trạng sức khỏe, giảm các bệnh lây nhiễm qua nguồn nước, bảo đảm vệ sinh môi trường, nâng cao nhận thức và làm thay đổi hành vi có lợi của cán bộ, hội viên phụ nữ và của cộng đồng về vấn đề nước sạch và vệ sinh môi trường.
Hiệu quả mà Dự án đem lại được thể hiện rõ nét. Trước khi triển khai dự án, tỷ lệ hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh ở khu vực nông thôn còn rất thấp. ở các xã triển khai dự án tỷ lệ trung bình mới đạt 33%, một số xã miền núi tỷ lệ rất thấp như xã Văn Phong (13,83%); xã Thanh Lạc, huyện Nho Quan (13,66%)… Qua gần 5 năm triển khai thực hiện, nhiều hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để xây dựng nhà tiêu tự hoại, kiên cố, hiện đại đảm bảo vệ sinh môi trường; nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, cải thiện vệ sinh môi trường nông thôn; góp phần thực hiện phong trào toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới và thực hiện cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch". Đến nay, tại 51 xã được hưởng lợi từ dự án CHOBA đã có 13.419 hộ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh với số tiền hơn 7,5 tỷ đồng; trong đó, có 3.624 hộ nghèo, 2.845 hộ cận nghèo và 6.950 hộ khó khăn. Dự án cũng đã vận động được 12.000 hộ có mức sống trung bình, khá và giàu xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, nâng tỷ lệ hộ dân sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh ở các xã thụ hưởng dự án tăng trung bình là 23,75% so với trước khi triển khai thực hiện.
Theo đại diện Tổ chức Đông Tây hội ngộ: Ninh Bình là một trong những tỉnh có cách làm sáng tạo và linh hoạt trong triển khai dự án CHOBA giai đoạn 1 (2012-2016). Do vậy, Trung ương Hội LHPN Việt Nam cũng như Tổ chức Đông Tây hội ngộ đã quyết định tiếp tục đưa Ninh Bình vào danh sách 1 trong 5 tỉnh, thành trên địa bàn cả nước được thực hiện Dự án CHOBA giai đoạn 2. Theo đó, trong thời gian tới, Dự án CHOBA 2 sẽ được thực hiện tại 25 xã thuộc 4 huyện Yên Mô, Kim Sơn, Nho Quan, Gia Viễn với quy mô khoảng 7.000 hộ dân được thụ hưởng. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện, tùy vào tình hình nhu cầu thực tế mà địa bàn dự án có thể được mở rộng. Đây là tín hiệu vui cho người dân vùng nông thôn, đặc biệt là những hộ nghèo và cận nghèo.
Bài, ảnh: Mai Lan