Dự án góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông
Dự án cầu vượt đường sắt Bắc - Nam trên Quốc lộ 1A nút giao giữa đường sắt Bắc - Nam (lý trình đường sắt Km 130+680) với Quốc lộ 1A (lý trình đường bộ Km 280+700) trên địa bàn thị xã Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình là tiểu dự án thuộc "Dự án lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt theo Quyết định số 1856/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 3" do Ban quản lý dự án An toàn giao thông (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư.
Phạm vi xây dựng dự án kéo dài từ Km 279+860 đến Km 281+433 trên lý trình Quốc lộ 1A. Cầu được thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, thiết kế đường cấp III đồng bằng; vận tốc thiết kế 60km/h; bề rộng mặt cắt ngang cầu 20,5 m bao gồm bốn làn xe cơ giới và hai làn xe hỗn hợp. Trên mặt bằng phía dưới cầu bố trí đường gom hai bên kết nối giao thông đô thị, khu công nghiệp về Quốc lộ 1A.
Dự án chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư hơn 378 tỷ đồng, nhằm giảm ùn tắc và tai nạn giao thông (TNGT), tăng cường an toàn chạy tàu trên tuyến đường sắt và góp phần hoàn thiện dự án mở rộng Quốc lộ 1A. Giai đoạn 1 của dự án tiến hành xây dựng cầu vượt, đường dẫn hai đầu cầu, đường gom hai bên cầu và hệ thống thoát nước, bảo đảm không có giao cắt giữa luồng giao thông trên Quốc lộ 1A với đường sắt,... Cầu vượt dài hơn 254 m, tĩnh không vượt đường sắt tối đa 6 m, thời gian thực hiện dự án 12 tháng. Trong giai đoạn 2, khi lượng phương tiện ra vào các khu công nghiệp Tam Điệp 1, 2 lớn, sẽ xây dựng hai nút giao dạng đảo xuyến ở hai đầu cầu, xây cầu vượt bộ hành qua đường sắt,... tổng mức đầu tư hơn 106 tỷ đồng.
Triển khai dự án
Ngay sau khi dự án được phê duyệt, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 463/UBND - VP4, chỉ đạo UBND thị xã Tam Điệp nhanh chóng triển khai công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) trong phạm vi ảnh hưởng đến dự án. Trên cơ sở đó, UBND thị xã Tam Điệp đã quyết định thành lập Hội đồng và tổ công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB và thành lập Ban chỉ đạo thực hiện công tác GPMB dự án nút giao thông đường sắt Bắc - Nam với Quốc lộ 1A.
Ông Vũ Ngọc Châu, Chủ tịch UBND thị xã Tam Điệp cho biết: Thị xã Tam Điệp xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách cần tập trung quyết liệt. Do đó, thị xã đã chỉ đạo và huy động toàn bộ hệ thống chính trị của thị xã, phường Nam Sơn, Tây Sơn phối hợp với các ngành, các đơn vị có liên quan cùng vào cuộc. Đến thời điểm hiện tại, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thị xã đã tuân thủ các quy định hướng dẫn tại các văn bản hiện hành của Nhà nước về trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi để lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, đảm bảo công khai, minh bạch.
Dự án cầu vượt đường sắt Tam Điệp ảnh hưởng đến 187 hộ dân; trong đó, 141 hộ thuộc phường Nam Sơn, 46 hộ phường Tây Sơn với tổng chiều dài 834,5 m, chiều ngang 39 m. Trong số này có, gần 230 m2 thuộc đất ở của 30 hộ. Để việc tiến hành dự án được thuận lợi và sớm nhận được sự đồng thuận của nhân dân, UBND phường Nam Sơn và phường Tây Sơn đã tổ chức họp dân để công bố công khai, đầy đủ các nội dung liên quan đến việc GPMB của dự án như quy định, chính sách về đơn giá, định mức áp dụng cho việc GPMB, phương pháp đo đạc, biện pháp thực hiện phối hợp giữa đơn vị GPMB với hộ dân để thực hiện tiểu dự án. Ngay tại cuộc họp, Hội đồng GPMB đã trao cho mỗi hộ nằm trong diện GPMB một bộ tài liệu về chính sách bồi thường, hỗ trợ của Nhà nước về GPMB để người dân tiện theo dõi, giám sát. Sau đó, Hội đồng GPMB thị xã Tam Điệp đã phối hợp với chủ đầu tư tổ chức giao nhận mốc giới thực địa, đồng thời tổ chức cắm mốc giới GPMB đối với từng hộ gia đình trong phạm vi dự án.
Trên cơ sở đo đạc về đất, tài sản, hoa mầu, vật kiến trúc trên đất, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thị xã Tam Điệp đã xây dựng dự thảo dự toán phương án bồi thường hỗ trợ cho các hộ bị ảnh hưởng trên cơ sở các quy định hiện hành của Nhà nước với tổng kinh phí đền bù dự kiến trên 9 tỷ đồng. Sau khi lấy ý kiến của 187 hộ bị ảnh hưởng, một số hộ dân đã kiến nghị về giá đền bù, phương thức đo, kiểm đếm tài sản... Sau khi nghiên cứu, phân loại các ý kiến của nhân dân, đối chiếu với các quy định, chế độ chính sách có liên quan đến giải phóng mặt bằng, UBND thị xã Tam Điệp đã có văn bản trình UBND tỉnh về việc xin áp dụng chính sách hỗ trợ và xây dựng lại đơn giá nhà cửa, kiến trúc về bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 04/2014/QĐ-UBND về việc điều chỉnh đơn giá nhà cửa, vật kiến trúc. Trên cơ sở đó, hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thị xã Tam Điệp đã xây dựng dự toán dự thảo lần 2 với tổng số tiền trên 18,3 tỷ đồng gồm: bồi thường, hỗ trợ nhà cửa, công trình kiến trúc hơn 10,58 tỷ đồng; bồi thường cây cối, hoa màu gần 42 triệu đồng; bồi thường về đất gần 1,4 tỷ đồng, hỗ trợ khác hơn 6,4 tỷ đồng.
Theo ghi nhận của phóng viên, bước đầu triển khai dự án nút giao thông đường sắt Bắc- Nam và Quốc lộ 1A, Thị ủy, HĐND, UBND thị xã Tam Điệp, các cấp, các ngành đã tích cực triển khai công tác GPMB nhưng kết quả chưa cao, do hầu hết các hộ dân chưa nhất trí với phương án đền bù GPMB nên ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Thiết nghĩ, trong thời gian tới để công tác GPMB triển khai có hiệu quả, nhanh chóng để nhà thầu tiếp tục triển khai dự án, Hội đồng GPMB thị xã Tam Điệp, các cấp, các ngành, chính quyền 2 phường Nam Sơn và Tây Sơn cần tăng cường hơn nữa các biện pháp tuyên truyền, vận động, thường xuyên đối thoại nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân để giải quyết "thấu tình, đạt lý" những đề xuất, kiến nghị của nhân dân theo đúng chế độ, chính sách của Nhà nước. Qua đó tạo sự đồng thuận cao của nhân dân địa phương trong việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan đến quyền lợi và trách nhiệm của người dân khi Nhà nước thực hiện các công trình dự án xã hội lớn.
Bài, ảnh: Bảo Yến