Dự án được triển khai thử nghiệm tại 3 tỉnh: Vĩnh Phúc, Phú Thọ và Ninh Bình. Giai đoạn 2007-2010, Dự án tiến hành phổ biến các nguyên tắc, giá trị của các HTX; xây dựng kế hoạch chiến lược phát triển cho các HTX về quản lý, quản trị; tổ chức sản xuất, huy động tài chính lâu dài để giảm nghèo, đảm bảo cho người nông dân tiếp cận tốt hơn các dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp… tạo điều kiện cho các tổ hợp tác, HTX, phát huy vai trò chủ động, khắc phục khó khăn, thích ứng, năng động, đổi mới để học tập, nghiên cứu trong sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm và thu nhập cho xã viên và người lao động.
Tại Ninh Bình, Dự án AID-Coop đã và đang đi vào hoạt động. Đồng chí Phạm Mạnh Hà, Chủ tịch Liên minh hợp tác xã tỉnh cho biết: Trong gần 300 thành viên của Liên minh HTX tỉnh thì có trên 200 đối tượng là các tổ hợp tác, các HTX nông nghiệp, HTX tiểu thủ công nghiệp, HTX điện lực… Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái, các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác trong cả nước nói chung và ở tỉnh ta nói riêng đứng trước thử thách rất lớn về thị trường, về vốn và cả sự tồn tại và phát triển, các loại hình HTX gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trình độ, việc thu hút cán bộ chuyên môn có tay nghề... Ngay sau khi được chọn làm điểm của dự án, Ban điều phối dự án đã được thành lập, Liên minh HTX tỉnh (với cương vị là Phó Trưởng Ban Thường trực) đã tổ chức các cuộc hội thảo nhằm giới thiệu, nâng cao trình độ cho các cán bộ HTX, như hội thảo giới thiệu hệ thống HTX trên thế giới tới Ban chủ nhiệm các HTXNN, HTXTTCN, HTX điện lực… giúp các HTX thấy được xu hướng phát triển của các mô hình HTX, để từ đó nâng cao hiểu biết, học tập được cách thức phát triển của các mô hình đó, áp dụng vào điều kiện thực tế của mình. Đồng thời, mở các khóa học nâng cao năng lực cho các HTX, tổ hợp tác và đối tượng hưởng lợi của dự án. Ngoài ra, dự án còn hỗ trợ tổ chức GRET biên soạn 2 cuốn sổ tay pháp lý để trợ giúp các đối tượng tra cứu, tìm hiểu thông tin pháp luật, thể chế liên quan đến hoạt động của HTX. Dự án cũng đã tạo lập được Quỹ quay vòng nhằm trợ giúp các tổ hợp tác, các HTX vay vốn ưu đãi với tổng quỹ tại Ninh Bình là 690 triệu đồng đã giải quyết cho vay đợt 1 được 6/9 dự án của các tổ hợp tác, HTX, tổng số tiền cho vay là 300 triệu đồng. Một số tổ hợp tác, HTX đã sử dụng vốn vay hiệu quả để đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động như: Tổ hợp tác xay xát lúa gạo Ngọc Thạch (Chất Bình, Kim Sơn) được vay vốn của dự án với số tiền 50 triệu đồng đã đầu tư mở rộng sản xuất, tạo việc làm thêm cho 3 lao động, tăng thu nhập lên 1,2 triệu đồng/người/tháng. Anh Nguyễn Ngọc Anh, tổ hợp tác sản xuất gạch bi Ngọc Anh (Kim Sơn) cho biết: Được vay vốn 50 triệu đồng, tổ hợp tác đã mua sắm vật liệu, phương tiện vận chuyển…, tạo điều kiện cho tổ hợp tác xã phát triển với quy mô rộng hơn, giải quyết việc làm cho 6 lao động thường xuyên với mức thu nhập 700.000 - 1.000.000 đồng/người/tháng.
Bài, ảnh: Đức Lam