Niềm vui được mùa đào phai thể hiện rõ hơn khi hai bên đường vào trung tâm xã Đông Sơn bầy thành hàng lối các cành đào đủ loại lớn, nhỏ đang khoe hoa, khoe nụ, khoe lộc dưới nắng đông ấm áp. Từng đoàn xe ô tô nối đuôi nhau không chỉ trong tỉnh mà từ nhiều tỉnh, thành giáp Ninh Bình về xem và mua đào chơi Tết. Bên vườn đào đã đốn tỉa quá nửa để bán phục vụ Tết Giáp Ngọ 2014, bác Tạ Văn Cường, thôn 5 cười tươi cho biết: Gia đình trồng 1 mẫu đào phai với hàng nghìn gốc đào. Mấy năm nay, từ trồng đào gia đình đã có của ăn của để. Đào phai được gia đình trồng vài chục năm nay, mỗi năm cho thu hoạch trên dưới năm sáu mươi triệu đồng, gối vụ năm này sang năm khác, qua 5-7 năm mới phải trồng lại.
Hiện vườn đào đã được thu hoạch quá nửa, những cây có dáng, thế đẹp với nhiều lộc, nụ, hoa đã được khách tứ phương đến tận vườn đốn mua từ giữa tháng chạp, hiện chỉ còn vài chục cây nho nhỏ, vừa vừa để bán cho khách gia đình chơi Tết… Năm nay, tuy số lượng đào không nhiều bằng năm ngoái nhưng giá bán lại cao hơn nên gia đình vẫn thu về số tiền vài chục triệu đồng từ cây đào, cho lãi suất gấp hàng chục lần trồng các loại cây màu, cây công nghiệp như chè, ngô, lạc…
Bên cạnh gia đình bác Cường là gia đình chị Nguyễn Thị Cúc. Tuy không có nhiều diện tích trồng đào cho thu nhập cao nhưng với hơn 2 sào đất, Tết năm nay chị cũng có hơn chục triệu đồng vui Xuân đón Tết - điều mà nhiều người nông dân ở các vùng nông thôn chuyên sản xuất nông nghiệp phải mơ ước.
Chị Cúc cho biết: Vài năm gần đây, hiệu quả từ trồng đào thì người nông dân nào cũng thấy rõ, và không ai bảo ai, người dân đã tận dụng không chỉ trồng đào trên diện tích đất được chia theo diện 313, khá nhiều người đã tận dụng đất vườn, đất xung quanh nhà để trồng đào. Nghề trồng đào không tốn kém về phân bón, giống vốn mà chỉ đòi hỏi công chăm sóc, phòng trừ bệnh xì gôm và mối hại và đặc biệt cần có kỹ thuật hãm, thúc để đào nở đúng dịp Tết…, do đó gia đình nào có nhiều diện tích và nắm được kỹ thuật trồng, chăm sóc đào chắc chắn sẽ khá giả, giàu có.
Đồng chí Phạm Xuân Tình, Chủ tịch UBND xã Đông Sơn cho biết: Xã Đông Sơn là vùng trồng đào lớn nhất trong tỉnh. Nghề trồng đào đã có từ rất nhiều năm nay, ban đầu chỉ có vài chục hộ trồng, rồi dần nhân rộng ra hàng trăm và hiện nay có gần 1 nghìn hộ tham gia trồng đào với diện tích trên 120 ha.
Tuy nhiên thực tế, nếu tính cả diện tích trồng đào trong các vườn nhà, các khu đất trống của các hộ dân trên địa bàn xã có thể lên tới gần 200 ha. Thuận lợi năm nay của người trồng đào là thời tiết khá thuận lợi, dịp cuối năm tuy có vài đợt rét đậm rét hại nhưng không kéo quá dài đủ để đào ủ lộc, ủ nụ, sau đó khi thời tiết ấm lên là bung hoa, nở lộc đúng dịp Tết đến Xuân về.
Điều đáng phấn khởi hơn nữa đối với người trồng đào là năm nay giá bán các loại đào cao hơn năm ngoái. Hơn nữa, đào phai Đông Sơn hiện đã có thương hiệu và chỗ đứng vững chắc trên thị trường không chỉ trong tỉnh Ninh Bình mà còn vươn rộng ra các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Nam Định, Hà Nam, Hải Phòng, Quảng Ninh và cả Hà Nội.
Nhiều vườn đào với hàng trăm gốc được chăm sóc, cắt tỉa đẹp về kiểu dáng, hình thức đã được các chủ hàng đặt mua trước đó cả tháng, đến dịp là vận chuyển đi các tỉnh xa cất bán. Vừa qua, một cành đào cổ Đông Sơn được bán với giá 23 triệu đồng, ngoài ra còn khá nhiều cành đào được bán với giá 10-15 triệu đồng.
Nhiều hộ dân có thu nhập 70-80 triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng từ trồng đào mỗi dịp Tết đến như gia đình anh Ninh Văn Tám, thôn 3; Nguyễn Văn Toản, thôn 5; Phạm Văn Mạnh, Ngô Văn Tuất, thôn 7; Vũ Văn Tuyên, thôn 8; Phạm Đăng Tưởng, thôn 9… Doanh thu từ trồng đào, Tết Nguyên đán Quý Tỵ năm 2013 đạt trên 6 tỷ đồng, dịp Tết Giáp Ngọ 2014 năm nay, đến thời điểm này ước tính cũng đạt gần 5 tỷ đồng.
Điều đáng lưu ý là không chỉ các hộ trồng đào có niềm vui nhờ hiệu quả kinh tế mà nhân dịp thu hoạch đào đã kéo theo hàng trăm lao động tại địa phương có việc làm, có thu nhập đón Tết từ 5-7 đến hàng chục triệu đồng/tháng nhờ trao đổi mua - bán, đốn tỉa, vận chuyển đào cho khách hàng…
Cây đào Đông Sơn đã và đang trở thành cây xóa đói giảm nghèo và làm giàu của nhiều người dân trên địa bàn xã. Hiện thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 15,3 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 4,6%, giảm 1,86% so với năm 2012; hộ cận nghèo còn 4,2%, giảm 1,77% so với năm trước…
Đồng chí Chủ tịch UBND xã Phạm Xuân Tình cho biết thêm: Năm 2012, xã Đông Sơn được công nhận 3 làng nghề trồng đào, năm 2013 được công nhận thêm 4 làng nghề. Hiện toàn xã có 7 làng nghề trồng đào, mỗi làng nghề được tỉnh hỗ trợ từ 15-30 triệu đồng để xây dựng thương hiệu, trao đổi kinh nghiệm, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc đào…
Thời gian tới, các cấp chính quyền từ thị xã Tam Điệp đến xã Đông Sơn đang nung nấu nhiều dự định, như có chính sách bảo vệ các cây đào cổ, trồng những hàng đào hai bên đường trục chính của xã, hình thành đường hàng đào phục vụ khách đến tham quan, thưởng thức đào nở mỗi dịp Tết đến Xuân về…
Tuy nhiên, cây đào từ khi trồng đến khi thu hoạch cũng phải mất từ 3 đến 5 năm, mặc dù cho lợi nhuận kinh tế cao hơn hàng chục lần các cây trồng khác nhưng hiện nay, khó khăn chung của các vùng trồng đào là hệ thống kênh mương, nước tưới tiêu chưa hoàn thiện, việc trồng và chăm sóc đào hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên nên độ ăn chắc và hiệu quả kinh tế còn bấp bênh.
Người trồng đào rất mong được các cấp, các ngành có chế độ hỗ trợ xây dựng hệ thống tưới tiêu để chủ động trong việc trồng và chăm sóc cây đào phai - loại cây được xác định là cây xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng trên vùng đất Đông Sơn…
Bài, ảnh: Hạnh Chi