Một trong những hoạt động mà ủy ban Hội Doanh nhân trẻ Ninh Bình đã và đang triển khai hiệu quả, đó là tổ chức xúc tiến thương mại và kết nối giao thương. Bằng những việc làm cụ thể như: Phối hợp với các đơn vị tổ chức nhiều buổi hội thảo nhằm tăng cường năng lực thiết kế sản phẩm, tiếp cận thị trường nước ngoài như: Hội thảo "Phát triển sản xuất sản phẩm mới cho thị trường Nhật Bản", "Kinh doanh với thị trường Braxin - cơ hội mới đối với các doanh nghiệp tỉnh Ninh Bình", "Tọa đàm xây dựng tổ chức Hội và phát triển phong trào doanh nhân trẻ khu vực phía Bắc", "Giao lưu doanh nhân trẻ cụm Đồng bằng Sông Hồng", tham khảo mô hình kinh doanh của Tập đoàn Y dược tự nhiên Quanjian (Trung quốc)...
Thông qua hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại và hỗ trợ giao thương, nhiều doanh nhân, doanh nghiệp đã triển khai các chương trình kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp hội viên với nhau, thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp hội viên liên kết làm ăn, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, mở rộng và phát triển quy mô sản xuất, kinh doanh kết nối và hỗ trợ doanh nghiệp hội viên ưu tiên sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau. Nhờ định hướng và hướng dẫn của ủy ban Hội, trong nhiệm kỳ qua đã có 1 thương hiệu đăng ký tham gia và đạt giải thưởng "Sao vàng đất Việt" (Tập đoàn Xuân Thành); 2 doanh nhân đạt giải thưởng "Sao Đỏ" (anh Lương Minh Tường và anh Nguyễn Văn Thùy), 7 doanh nhân trẻ đạt danh hiệu "Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc toàn quốc".
Cùng với hoạt động xúc tiến thương mại, Hội Doanh nhân trẻ Ninh Bình còn chủ động phối hợp xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo đó, Hội đã phối hợp tổ chức các khóa đào tạo nhằm thay đổi nhận thức của doanh nhân trẻ về phát triển doanh nghiệp dựa trên nền tảng chất lượng nguồn nhân lực như chương trình đào tạo "Sản xuất sạch hơn và quản lý chất thải cho doanh nghiệp", lớp "Bồi dưỡng và cấp chứng chỉ kế toán trưởng doanh nghiệp", lớp học "Nâng cao năng lực phòng, chống cháy nổ tại doanh nghiệp", triển khai cuộc bình chọn "Các quy định pháp luật tốt nhất và tồi nhất" do VCCI tổ chức... Thông qua các khóa đào tạo trên, một mặt phát triển năng lực quản lý, điều hành, năng lực quản trị nhân sự của doanh nhân; mặt khác góp phần tăng cường chia sẻ giữa doanh nhân trẻ, thanh niên để cùng nhau phát triển bền vững dựa trên nền tảng đổi mới và sáng tạo.
Phát huy vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp với chính quyền, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh thường xuyên nắm tình hình của doanh nghiệp, tổ chức các hoạt động giao lưu, đối thoại với lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở, ngành trong tỉnh nhằm tạo kênh thông tin giữa doanh nghiệp trẻ với lãnh đạo tỉnh và các cơ quan hữu quan, qua đó nhiều khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp đã được tháo gỡ. Các chính sách nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp cũng kịp thời được ban hành, tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
Đặc biệt, Hội chú trọng xây dựng văn hóa doanh nhân trẻ và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, TDTT và nhất là tham gia tích cực vào công tác xóa đói, giảm nghèo ở địa phương. Hàng năm, ủy ban Hội đã vận động các hội viên đóng góp xây dựng quỹ "Vì người nghèo", phối hợp với Tỉnh đoàn và Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh tổ chức chương trình "Tết cho người nghèo".
Trong 3 năm qua (2014-2017), các doanh nhân trẻ Ninh Bình đã trao tặng gần 2.000 suất quà (trị giá 825 triệu đồng) tới các hộ nghèo tại các huyện gặp khó khăn trong tỉnh; tham gia ủng hộ quà tặng quân và dân huyện đảo Trường Sa, "ủng hộ ngư dân bám biển"; thăm tặng quà các gia đình chính sách, thương binh và cựu thanh niên xung phong, các em học sinh nghèo vượt khó. Nhiều doanh nhân đã tự nguyện hỗ trợ kinh phí, nguyên vật liệu hoặc nhân công xây nhà cho các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gia đình các chiến sỹ đang công tác tại Quần đảo Trường Sa. Đã có 5 ngôi nhà "Nghĩa tình doanh nhân" được xây dựng trị giá 250 triệu đồng được dành tặng các gia đình chiến sĩ đang công tác tại hải đảo xa xôi.
Thực hiện Quyết định số 140 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình, đã có 15 doanh nghiệp trẻ nhận kết nghĩa và hỗ trợ toàn diện cho 15 xã có tính chất đặc thù trong tỉnh. Hướng về các xã có tính chất đặc thù, nhiều doanh nghiệp không chỉ dành tặng những phần quà có giá trị mà còn tham gia tích cực vào việc hiến công, hiến kế giúp địa phương hoạch định, hoàn thiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân, từng bước xây dựng nông thôn mới. Không chỉ trong tỉnh Ninh Bình mà còn ở các tỉnh miền núi xa xôi như Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng, Sơn La và huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh)..., các doanh nhân trẻ Ninh Bình cũng đã có nhiều sự sẻ chia, đóng góp. Điều đó đã hình thành nét văn hóa, thể hiện rõ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, hình thành đội ngũ doanh nhân trẻ Ninh Bình có "Tâm" và có "Tầm", kinh doanh đúng pháp luật, đạt hiệu quả cao, có trách nhiệm với cộng đồng và xã hội.
Mai Lan