Những mô hình "Thanh niên đồng hành cùng thanh niên"
Nhìn cơ ngơi khang trang bề thế rộng vài ha với 3 cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ tại Ninh Vân, nắm giữ trong tay hàng trăm công nhân với doanh thu trên 5 tỷ đồng/năm, khó ai có thể hình dung ra tuổi thơ cơ cực của chàng thanh niên Nguyễn Văn Tuất (Ninh Vân, Hoa Lư).
Tuổi thơ của anh gắn liền với những cảnh nghèo khó khi mà gia đình anh phải chạy ăn từng bữa, anh em mỗi người một việc đi làm thuê để phụ giúp bố mẹ. Tâm sự với chúng tôi, anh Tuất nói: Chính những ngày ấy là động lực giúp anh vượt qua mọi khó khăn trong công việc sau này.
Nói về những thành công của mình, anh Tuất cho biết, anh có được ngày hôm nay phần lớn chính là nhờ sự giúp đỡ của Đoàn thanh niên. Anh kể với chúng tôi trước năm 1990 anh đã đi nhiều nơi để tìm kiếm việc làm với khát vọng làm giàu, nhưng rồi cũng chính những chuyến đi ấy đã cho anh trăn trở về câu hỏi: Tại sao trên khắp đất nước có rất nhiều người giàu lên từ ngành nghề quê hương còn mình lại không làm được điều đó.
Và với ý chí quyết tâm làm giàu trên quê hương, bằng nghề của quê hương anh Tuất đã trở về Ninh Vân học nghề đá. Từ lúc sinh ra, nghề đá như đã thấm vào trong máu anh vì đây là nghề do ông cha truyền lại nên anh càng học càng say, những đường nét hoa văn ngày càng tinh xảo và thấm đẫm hồn người. Không lâu sau anh đã trở thành một nghệ nhân thực thụ.
Nhưng không dừng lại ở đó, mong ước của anh Tuất là thành lập được một tổ hợp đá cho riêng mình. Sau bao nhiêu năm trăn trở tìm nguồn vốn, anh được vay vốn của Trung ương Đoàn với số tiền 200 triệu đồng để mở rộng sản xuất. Nỗ lực vượt khó, chớp mọi thời cơ, bắt nhịp thị trường với một đam mê cháy bỏng, anh đã thành lập Công ty TNHH Tiến Đạt.
Hiện nay các mặt hàng đá mỹ nghệ của Doanh nghiệp đã có mặt trên khắp mọi miền đất nước. Doanh nghiệp của anh đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng 100 đoàn viên, thanh niên trong xã với thu nhập từ 1,2 đến 1,8 triệu đồng/tháng. Đó cũng là con đường lập nghiệp của nhiều thanh niên trẻ đã năng động, lấy chỗ dựa từ Đoàn thanh niên để khởi nghiệp.
Và một trong những con người được nhắc đến rất nhiều là Trần Thanh Cao với Doanh nghiệp Thanh Nga (Khánh Mậu, Yên Khánh). Cao đã lặn lội đi về các làng nghề để tìm hiểu cách làm đồ thủ công mỹ nghệ từ cói rơm, rồi trở về quê vận động thêm 4 thanh niên lập tổ đại lý cho các doanh nghiệp chuyên chở nguyên liệu và sản phẩm từ cói bằng xe đạp.
Nghĩ lại những ngày khởi nghiệp ấy, Cao vừa xúc động vừa vui mừng vì mình đã vượt qua được giờ phút khó khăn nhất để thành lập tổ hợp sản xuất với nhiều mặt hàng mới lạ từ cói, bèo, bẹ chuối với số tiền 50 triệu đồng vay từ nguồn vốn Chương trình 120 thông qua tổ chức Đoàn.
Cao tâm sự với chúng tôi rằng nếu không có số tiền đó có lẽ mình không bao giờ có được cơ nghiệp như ngày hôm nay. Và trong suốt quá trình phát triển đi lên, tổ chức Đoàn đã luôn đồng hành cùng với anh, từ khi thành lập tổ hợp sản xuất đến khi lớn mạnh thành Doanh nghiệp Thanh Nga như ngày nay với tổng số tiền vay hiện nay là trên 200 triệu đồng.
Và cũng chính từ vùng quê nghèo này mà cói, bèo, bẹ chuối đã được "chu du" trời Tây. Sản phẩm của Doanh nghiệp Thanh Nga hiện đã có mặt tại thị trường của 54 nước với số vốn gần 2 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho gần 100 đoàn viên, thanh niên trong huyện.
Những khó khăn, vướng mắc
Những thanh niên chúng tôi kể đến trong phần trên là những người may mắn vì họ đã thành công nhờ có tổ chức Đoàn luôn kề bên, luôn xuất hiện đúng lúc, đúng chỗ. Thực tế không phải ai cũng có được may mắn như họ bởi Đoàn dù có nỗ lực cũng không thể đáp ứng được nhu cầu làm giàu của thanh niên, cũng chưa đủ nguồn lực để đồng hành cùng thanh niên.
Trong khi một số đề án và chương trình đào tạo nguồn lực giúp tổ chức Đoàn đồng hành với thanh niên chưa được chính thức triển khai và hầu hết các hoạt động của Đoàn, Hội đều hướng trọng tâm vào phát huy thanh niên thì những mô hình thanh niên đồng hành với thanh niên như trên là rất đáng quý và cần được nhân rộng. Các mô hình này đã bước đầu cùng với tổ chức Đoàn giải quyết việc làm cho thanh niên đặc biệt là thanh niên nông thôn.
Tuy nhiên ở hầu hết những mô hình thanh niên làm kinh tế, dấu ấn của tổ chức Đoàn chưa nhiều. Khi đề cập đến vấn đề vốn, nhiều đoàn viên, thanh niên tâm sự: Để có thể tiếp cận với nguồn vốn vay của Đoàn thanh niên rất khó, nhất là vốn 120 vừa mất nhiều thời gian làm hồ sơ vừa không biết chính xác có được vay hay không.
Nguyên nhân chính có thể do nguồn vốn của Đoàn thanh niên chưa nhiều nên chưa "phủ sóng diện rộng" dẫn đến tình trạng "cung" không đáp ứng được "cầu". Nhưng bên cạnh đó cần nhìn nhận một thực tế về uy tín của tổ chức đoàn cơ sở, của thanh niên nhất là thanh niên nông thôn chưa cao nên việc vay vốn gặp nhiều khó khăn. Có nhiều lúc, tổ chức Đoàn chỉ có vai trò động viên về tinh thần.
Trong những năm qua, công tác xã hội hóa đối với những hoạt động của tổ chức Đoàn, Hội đã được triển khai và thu được những kết quả bước đầu. Tuy nhiên, đã xuất hiện hiện tượng một số doanh nghiệp, đơn vị bên cạnh việc tài trợ, tạo nguồn lực cho đoàn hoạt động còn muốn chi phối những hoạt động đó, từ đó dẫn tới xu hướng thương mại hóa, phô trương, hình thức.
Hướng đến đa dạng hóa các mô hình
Cũng phải thấy rằng, trên địa bàn tỉnh ta những mô hình thanh niên đồng hành với thanh niên trên con đường lập nghiệp còn rất hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng. Những mô hình được xem là lý tưởng thì đã quá quen thuộc, chưa xuất hiện những mô hình mới có tính đột phá thành công, nhất là trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay.
Với vai trò "Đồng hành cũng thanh niên trên đường lập thân, lập nghiệp", tổ chức Đoàn cần năng động, sáng tạo hơn nữa trong việc phát hiện, thành lập những mô hình đồng hành với thanh niên. Chúng tôi có dịp tìm hiểu mô hình thanh niên làm dịch vụ ở thị xã Tam Điệp. 5 bạn trẻ đã cùng chung vốn để mở cửa hàng sửa chữa xe máy với thu nhập trung bình 2 triệu đồng/tháng. Hay mô hình quán cafe thanh niên của 2 bạn trẻ tại thành phố Ninh Bình, tạo việc làm cho hơn 20 đoàn viên, thanh niên địa phương.
Còn rất nhiều những mô hình thanh niên làm kinh tế ở khu vực nông thôn mà chỉ vì thiếu vốn họ không thể mở rộng sản xuất. Ngoài vốn, sức lực tự bỏ ra họ còn phải huy động sự chung sức của gia đình, bạn bè để khởi nghiệp. Nếu tổ chức Đoàn "vào cuộc" trong những mô hình làm kinh tế này thì chắc chắn vai trò đồng hành với thanh niên trên con đường lập nghiệp sẽ không còn mờ nhạt như thời gian qua.
Để làm tốt vai trò của mình, trong thời gian tới tổ chức Đoàn cần đa dạng hóa các mô hình đồng hành với thanh niên trên con đường lập nghiệp, để xuất hiện nhiều hơn nữa những gương mặt thanh niên làm giàu từ nguồn lực của Đoàn, để mỗi khi có việc gì khó mỗi đoàn viên, thanh niên có thể tìm đến Đoàn như một chỗ dựa tin cậy cả về vật chất lẫn tinh thần.
Có thể, không chỉ dừng lại ở việc cho vay vốn như trước kia mà tổ chức Đoàn có thể dạy nghề, giới thiệu, tư vấn việc làm, phối hợp với các doanh nghiệp trẻ trên địa bàn để đưa nghề đến với thanh niên. Nói cách khác, trong tương lai cần hướng đến đa dạng hóa các mô hình đồng hành cùng thanh niên để Đoàn thực sự là người bạn thân thiết của mỗi thanh niên.
Việc xây dựng, tìm kiếm nguồn lực cho tổ chức đoàn phát huy và đồng hành với thanh niên cần được bắt đầu khai thác từ nội lực của chính tổ chức Đoàn. Bên cạnh đó, sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan liên quan là rất quan trọng và có vai trò không thể thiếu trong việc nâng cao chất lượng hoạt động của đoàn, trong đó không chỉ giáo duc, phát huy mà còn đồng hành với thanh niên trên con đường lập thân, lập nghiệp
Quỳnh Thu