Tại buổi làm việc, đồng chí Bùi Văn Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã báo cáo công tác phòng chống, ứng phó với bão số 14 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Toàn tỉnh có 28 tuyến đê sông, đê hồ, đập và đê biển với tổng chiều dài trên 468km. Đến 20/9/2013 tỉnh đã hoàn thành 100% khối lượng công tác tu bổ đê, kè, cống, các điểm xung yếu. Trên địa bàn tỉnh có 44 hồ với dung tích trên 48 triệu m3, trong đó có các hồ lớn với dung tích từ 1-5 triệu m3. Một số tuyến đê mới xây dựng như: Đê Hoàng Long, đê Đức Long - Gia Tường - Lạc Vân, đê biển Bình Minh III cần tăng cường lực lượng tuần tra, theo dõi kịp thời ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra.
Đối với sản xuất nông nghiệp, nếu bão đổ bộ trực tiếp có thể gây ảnh hưởng lớn đến diện tích nuôi trồng thủy sản, nhất là tại các huyện Nho Quan, Gia Viễn, Kim Sơn, Yên Mô. Để chủ động phòng chống và ứng phó với cơn bão số 14, tỉnh đã dự trữ 5 kho vật tư với trên 54 nghìn m2 bạt chống sóng, gần 410 nghìn bao ni lông, trên 5 nghìn m2 vải lọc, gần 3 nghìn bộ rọ thép, gần 14 nghìn kg dây thép và trên 22 nghìn m3 đá hộc…
Về phương tiện, tỉnh đã huy động phương tiện trang bị PCLB, TKCN của 16 cơ quan, đơn vị bao gồm 278 xe tải, 98 xe khách, 298 xe trên 5 chỗ ngồi, 30 xe cứu thương, 53 máy xúc, xe cẩu, 10 máy ủi, 18 tàu, ca nô, 8 xà lan và 6 tàu tự hành, 122 thuyền máy, 57 xuồng máy…
Ban chỉ huy PCLB & TKCN tỉnh đã ban hành 03 công điện chỉ đạo các cấp, các ngành và các địa phương triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 14. Theo đó, nghiêm cấm không cho tàu thuyền ra khơi, thông báo cho các chủ phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động ngoài khơi vào nơi tránh, trú bão an toàn; tổ chức sắp xếp tàu thuyền ở nơi neo đậu xong trước 7h ngày 10/11/2013; triển khai phương án di dân khu vực ngoài đê Bình Minh II và di dân ra khỏi vùng thấp rũng có nguy cơ sạt lở đất đến nới tránh trú bão an toàn xong trước 7h ngày 10/11/2013.
Đồng thời tổ chức lực lượng tăng cường tuần tra canh gác, bảo vệ an toàn đê điêu, hồ đập, các trọng điểm xung yếu theo phương án đã được phê duyệt. Tổ chức chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện, cắt tỉa cây cối… bảo vệ an toàn tài sản của nhà nước và nhân dân. Kiểm tra đảm bảo an toàn cho các tuyến đò ngang, đò dọc; tạm ngừng hoạt động các tuyến đò kể từ 10h ngày 10/11/2013 đến khi bão tan.
Hiện nay, tỉnh đang tích cực kêu gọi 14 phương tiện còn lại vào bờ tránh bão. huyện Kim Sơn đã di chuyển tránh bão cho 300/392 lao động và gần 900 người khu vực ngoài đê Bình Minh II và đê Bình Minh III vào nơi trú bão an toàn; đã vận hành 14 cửa tràn Lạc Khoái sẵn sàng xả lũ và các phương án tiêu úng, nổ mìn hạ thấp ngưỡng tràn khi cần thiết…
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chíVũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT yêu cầu tỉnh Ninh Bình cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ biễn biến bão, mưa lũ, khẩn trương hoàn thành phương án di dân, đặc biệt là dân cư ngoài đê Bình Minh II và đê Bình Minh III, tích cực kêu gọi nốt 14 phương tiện của ngư dân vào nơi tránh bão; tăng cường kiểm tra và triển khai ngay các biện pháp bảo vệ an toàn đê điều, hồ đập, các trọng điểm xung yếu. Đồng chí Thứ trưởng nhấn mạnh, tỉnh cần chú trọng ưu tiên số 1 cho công tác bảo vệ tính mạng cho nhân dân, đồng thời bảo vệ tối đatài sản của nhà nước và nhân dân.
P.V