Đoàn đã kiểm tra một số điểm như: Đê bao gạt lũ Gia Lâm - Gia Thủy; đường 479 đoạn qua xã Xích Thổ; cầu Lập Cập; cửa xả tràn hồ Đồng Chương và cầu Rịa. Theo báo cáo của UBND huyện Nho Quan, do hoàn lưu của cơn bão số 3 và hoàn lưu của áp thấp nhiệt đới, trên địa bàn huyện có mưa to đến rất to; tổng lượng mưa tại huyện Nho Quan từ ngày 8/7 đến ngày 21/7 là 451mm; mực nước lúc 8 giờ sáng ngày 22/7/2018 tại Bến Đế, sông Hoàng Long có đỉnh lũ là +4,12m. Do mực nước dâng cao, huyện đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tiến hành gia cố đê bao gạt lũ Gia Lâm - Gia Thủy.
Đường tỉnh lộ ĐT 479 bị ngập khoảng 100m (điểm ngập sâu nhất 25cm) thuộc địa bàn xã Xích Thổ. Cầu Lập Cập nằm trên Quốc lộ 12B nối liền huyện Nho Quan với huyện Yên Thủy (tỉnh Hòa Bình) nước tràn qua đường tạm ảnh hướng đến việc lưu thông của các xe cơ giới. Tại hồ Đồng Chương thời điểm 17 giờ ngày 21/7, mực nước lên 21m, phải mở 2 cửa tràn. Đoạn kè xung yếu Hang Chuộn, xã Lạc Vân bị ảnh hưởng từ đợt mưa lũ tháng 10/2017 có hiện tượng thẩm lậu, hiện đang tổ chức trực để theo dõi thân kè. Cũng theo UBND huyện Nho Quan, hơn 2.500 ngôi nhà trên địa bàn 550 ha lúa mùa đã bị ngập.
Qua kiểm tra, đồng chí Nguyễn Ngọc Thạch, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu huyện Nho Quan tăng cường ứng cứu lúa; chỉ đạo các lực lượng chức năng trực ban 24/24h để theo dõi, kịp thời ứng phó tại tuyến đê bao gạt lũ Gia Lâm - Gia Thủy, đảm bảo an toàn cho 10 thôn và 350 ha lúa của 3 xã Gia Lâm, Gia Sơn, Gia Thủy.
Đoàn kiểm tra tại đê bao Gia Lâm.
Đối với các công trình giao thông, đồng chí yêu cầu Sở Giao thông- vận tải đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công cầu Lập Cập và cầu Rịa; có phương án xử lý thoát nước hiệu quả. Ngành tiếp tục phối hợp với địa phương bố trí nhân lực, máy móc, sẵn sàng ứng phó với tình huống nước dâng cao, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Bên cạnh đó, Sở cần tiếp tục rà soát, kiểm tra hệ thống an toàn, hệ thống chịu lực… trên tất cả các tuyến đường. Giao cho ngành Nông nghiệp phối hợp với các địa phương, tổ chức sẵn sàng lực lượng, trực ban 24/24, theo dõi sát sao tình hình mưa lũ, tham mưu cho UBND tỉnh có chỉ đạo kịp thời, nhanh chóng.
Chỉ đạo các địa phương tổ chức tiêu úng, tiêu đệm để sẵn sàng cho tình huống lũ lụt có thể xảy ra. Đồng thời yêu cầu Trung tâm khí tượng thủy văn của tỉnh tập trung dự báo kịp thời và chính xác. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu công ty điện lực và chi nhánh tại các địa phương tổ chức trực ban, sẵn sàng lực lượng xử lý kịp thời các sự cố điện, đảm bảo đủ điện để các địa phương vận hành hệ thống bơm tiêu úng.
Thái Học - Đức Lam