Tại các đơn vị đến thăm, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã đi thăm khu xưởng sản xuất và nghe lãnh đạo các doanh nghiệp báo cáo về tình hình và kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong thời gian qua.
Công ty TNHH Đổi Mới được thành lập năm 1993 chuyên sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ bằng nguyên liệu cói, bèo tây xuất khẩu. Từ năm 1999 là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ của tỉnh. Năm 2006 Công ty là 1 trong 50 doanh nghiệp trong cả nước đạt kim ngạch xuất khẩu trên 2 triệu USD/năm. Các mặt hàng của doanh nghiệp được xuất khẩu trực tiếp sang thị trường châu Âu, với các bạn hàng lớn như: Đức, Ba Lan, Pháp, Tây Ban Nha... Tuy nhiên, từ năm 2008 - 2010, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, nên thị trường xuất khẩu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ bị thu hẹp, sản xuất của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Năm 2011, thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp có chuyển biến tích cực; kim ngạch xuất khẩu đạt 650 nghìn USD. Quý 1 năm 2012, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp ước đạt 400 nghìn USD; phấn đấu cả năm đạt trên 800 nghìn USD. Hiện nay, thu nhập bình quân của người lao động làm gia công cho doanh nghiệp từ 40 - 60 nghìn đồng/người/ngày; thu nhập bình quân của công nhân từ 60 - 80 nghìn đồng/người/ngày. Ngoài sản xuất các mặt hàng thu công mỹ nghệ, doanh nghiệp đang nghiên cứu hướng tới sản xuất các mặt hàng vật liệu xây dựng: gạch siêu nhẹ, vôi phục vụ cho xuất khẩu.
Doanh nghiệp chiếu cói Quang Minh là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ lớn của tỉnh. Trong giai đoạn từ năm 2003 - 2005, Doanh nghiệp chiếu cói Quang Minh có kim ngạch xuất khẩu gần 2 triệu USD, đóng góp ngân sách lớn, giải quyết nhiều việc làm cho người lao động. Từ năm 2007 đến nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng do cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Doanh thu bình quân hàng năm chỉ đạt hơn 20 tỷ đồng/năm. Doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu mặt hàng cói, bèo tây sang thị trường Nhật Bản và Pháp, còn lại xuất khẩu ủy thác qua các công ty thương mại trong nước. Năm 2012, lượng hàng xuất khẩu sang Nhật Bản giảm 20% so với năm 2011. Bên cạnh các thị trường chính, Doanh nghiệp đang hướng đến thị trường: Mỹ, Chi-lê, Áchentina... Khó khăn hiện nay của Doanh nghiệp là nguồn nguyên liệu cói vì diện tích trồng cói của huyện Kim Sơn đang bị thu hẹp dần, giá cả nguyên liệu đầu vào tăng... Do đó, doanh nghiệp đề nghị tỉnh quan tâm, có chính sách phát triển diện tích trồng cói, đảm bảo đủ nguyên liệu cho sản xuất...
Phát biểu tại các đơn vị đến thăm, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy rất phấn khởi về sự khởi sắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty TNHH Đổi Mới và Doanh nghiệp chiếu cói Quang Minh trong thời gian qua. Tuy là doanh nghiệp tư nhân, quy mô sản xuất còn nhỏ, việc tiếp cận với các thông tin thị trường xuất khẩu còn hạn chế, nhưng các Doanh nghiệp đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức tiếp tục đứng vững trên thị trường, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, tăng doanh thu, tăng ngoại tệ cho Nhà nước. Cùng với các loại hình, thành phần kinh tế trong tỉnh, các doanh nghiệp đã tham gia đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương và khẳng định hướng đi đúng của doanh nghiệp trong những năm qua.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng lưu ý, các doanh nghiệp cần suy nghĩ đưa công nghệ vào một số khâu sản xuất để giảm bớt công lao động, hạ giá thành sản phẩm. Đặc biệt phải lưu ý tới chất lượng, mẫu mã sản phẩm, độ tinh xảo... nhằm đáp ứng thị hiếu của khách hàng. Bên cạnh các thị trường truyền thống, qua các kênh thông tin, các doanh nghiệp cần nghiên cứu mở rộng thị trường, tìm kiếm bạn hàng ở các khu vực Trung Đông, châu Mỹ La tinh, châu Phi... để nâng quy mô sản xuất, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng nhấn mạnh: Hiện nay, ở Ninh Bình các sản phẩm phục vụ du lịch, nhất là các mặt hàng lưu niệm còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch. Các doanh nghiệp cần nghiên cứu, có chiến lược khai thác thị trường nội địa, thị trường trong tỉnh, cần có các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc trưng của Ninh Bình gắn với quảng bá du lịch, quảng bá thương hiệu của doanh nghiệp.
Để phục vụ khách du lịch, quảng bá du lịch Ninh Bình và quảng bá thương hiệu của doanh nghiệp, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy gợi ý các doanh nghiệp nên xem xét đưa các sản phẩm của doanh nghiệp trưng bày tại các Trung tâm thông tin du lịch, hệ thống các siêu thị, thường xuyên đổi mới mẫu mã sản phẩm, chú trọng khâu đóng gói và có logo của doanh nghiệp trên mỗi sản phẩm.
Về những kiến nghị của các doanh nghiệp, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo các doanh nghiệp nên chủ động báo cáo với lãnh đạo tỉnh, huyện, Sở Công thương... để có hướng giải quyết kịp thời. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục có cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ duy trì hoạt động và phát triển.
* Cùng ngày, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã đến thăm các vị hòa thượng, thượng tọa, chức sắc tôn giáo và trồng cây lưu niệm tại Tổ đình Kim Liên (chùa Đồng Đắc, huyện Kim Sơn); chùa Yên Vệ, chùa Đọ (huyện Yên Khánh); chùa Trung Sơn (thị xã Tam Điệp).
Ngọc Minh