Chị Bùi Thị Vẻ, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện cho chúng tôi biết: Thời gian qua, Ban Thường vụ Hội Phụ nữ huyện đã tập trung chỉ đạo, tạo điều kiện để các cấp Hội tổ chức Đại hội phụ nữ cấp cơ sở theo đúng kế hoạch, hướng dẫn của Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Hội LHPN tỉnh. Các cấp Hội trong huyện đã phát động mạnh mẽ các phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực chào mừng Đại hội đại biểu phụ nữ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XI, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bên cạnh đó, thông qua các buổi sinh hoạt, các cấp Hội còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong cán bộ, hội viên, phụ nữ về Đại hội phụ nữ các cấp, coi đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong các tầng lớp phụ nữ. Đến nay, Ban Thường vụ Hội Phụ nữ huyện đã chuẩn bị chu đáo các điều kiện cho việc tổ chức Đại hội phụ nữ cấp huyện, trong đó chú trọng đến việc chuẩn bị các văn kiện Đại hội và Đề án nhân sự Ban chấp hành Hội Phụ nữ huyện nhiệm kỳ 2011-2016. Có thể nói, các tầng lớp phụ nữ trong huyện đã và đang hướng về Đại hội đại biểu phụ nữ huyện lần thứ XVI với mong muốn Đại hội thực sự là Đại hội của sự đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, trí tuệ, trách nhiệm, phát huy được vai trò, tiềm năng sáng tạo của phụ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Trong 5 năm qua, phát huy truyền thống đoàn kết, cần cù, sáng tạo, phụ nữ trong huyện đã nêu cao ý chí tự lực, tự cường, thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; hưởng ứng mạnh mẽ phong trào thi đua "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc", góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị của địa phương ngày càng vững mạnh.
Chiếm trên 60% tổng số lao động nông nghiệp, phụ nữ trong huyện đã tích cực hưởng ứng chủ trương chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, con nuôi; tích cực chuyển đổi cơ cấu trà lúa mùa trung sang trà lúa mùa sớm để tăng năng suất, sản lượng lúa mùa và tạo điều kiện sản xuất vụ đông trên đất hai lúa. Chị em còn chủ động áp dụng kỹ thuật chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành các mô hình trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, con nuôi đặc sản…, có thu nhập 80 - 90 triệu đồng/năm. Trong sản xuất công nghiệp, TTCN, dịch vụ, với sự tỉ mỉ và đôi bàn tay khéo léo, hội viên, phụ nữ trong huyện đã tích cực tham gia vào các nghề: may công nghiệp, chế biến lương thực, thêu ren, đan hàng cói…, góp phần tăng giá trị hàng xuất khẩu của huyện. Nhiều chị đã dám nghĩ, dám làm mạnh dạn thành lập tổ hợp, năng động tìm thị trường tiêu thụ, cải tiến mẫu mã sản phẩm, tạo uy tín với khách hàng. Vì vậy đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động nữ, tạo nguồn thu quan trọng và động lực thúc đẩy việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, các tầng lớp phụ nữ trong huyện đã tham gia tích cực, đóng góp quan trọng vào việc nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc sức khỏe nhân dân, phòng, chống các tệ nạn xã hội, xây dựng đời sống văn hóa và giải quyết các vấn đề xã hội…; đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình, nuôi dạy con, xây dựng gia đình hạnh phúc…
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Phụ nữ huyện nhiệm kỳ 2006-2011, các cấp Hội đã tổ chức thực hiện tốt các phong trào thi đua và các cuộc vận động lớn. Nổi bật là phong trào thi đua "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc" và cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Có thể nói, Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" được Hội chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc và đạt kết quả rõ nét. Thông qua đó đã nêu cao tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau, ý thức trách nhiệm của cán bộ, hội viên phụ nữ. Hội phụ nữ huyện đã xây dựng và nhân rộng các mô hình về thực hành tiết kiệm như: "Nuôi lợn nhựa tiết kiệm", tận dụng đất trồng cây vụ đông. Là địa phương khởi phát phong trào "Nuôi lợn nhựa tiết kiệm", đến nay phong trào đã có sức lan tỏa trong các tầng lớp phụ nữ ở các địa phương trong tỉnh và trong cộng đồng. Toàn Hội đã có 85% hội viên, phụ nữ nuôi lợn nhựa tiết kiệm. Hàng năm, vào dịp "Tháng tám khuyến học", Hội tổ chức "ngày hội mổ lợn" các cấp Hội trong huyện đã tạo ra không khí sôi nổi, phấn khởi, tinh thần thi đua trong hội viên, phụ nữ. Số tiền tiết kiệm được từ 3-4 tỷ đồng/năm từ phong trào đã được đầu tư cho con em bước vào năm học mới, đóng góp xây dựng Quỹ khuyến học để thưởng cho học sinh nghèo vượt khó, học giỏi.
Bên cạch thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như: Tuyên truyền, giáo dục nâng cao kiến thức, năng lực và trình độ của phụ nữ; tham gia xây dựng, giám sát và phản biện xã hội việc thực hiện luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ và bình đẳng giới; hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc; xây dựng và phát triển tổ chức Hội vững mạnh, Hội phụ nữ huyện còn tập trung thực hiện tốt việc hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình. Qua các hoạt động chuyển giao KHKT, tạo vốn, dạy nghề và giới thiệu việc làm, hỗ trợ tổ hợp, doanh nghiệp do phụ nữ đứng chủ…, Hội phụ nữ huyện đã tạo điều kiện giúp đỡ nhiều hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. 100% hộ do phụ nữ đứng chủ được các cấp Hội giúp đỡ về kiến thức, giống, vốn, ngày công. Kết quả, trong 5 năm, đã có 550 gia đình phụ nữ thoát nghèo, trong đó có 366 phụ nữ nghèo đứng chủ hộ. Hội đang quản lý trên 173 tỷ đồng cho trên 12 nghìn lượt phụ nữ vay phát triển kinh tế.
Để xây dựng và phát triển tổ chức Hội vững mạnh, thời gian qua, hoạt động của Hội tập trung hướng về cơ sở, ưu tiên các xã nghèo, nhiều khó khăn, đặc thù; đồng thời quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ Hội ngày càng đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới, đa dạng hóa các hình thức tập hợp hội viên, duy trì nền nếp sinh hoạt Hội… Do đó, phong trào phụ nữ và hoạt động của Hội Phụ nữ huyện Yên Khánh ngày càng có bước tiến vững chắc, thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Ngọc Minh