Bà Trần Thị Nơi hiện đang sinh sống ở thôn Kênh Gà, xã Gia Thịnh (huyện Gia Viễn). Năm nay đã gần 70 tuổi mà chưa một ngày bà Nơi được sống thảnh thơi. Chồng bà mất sớm. Con gái lấy chồng nhưng rồi vợ chồng chia tay, để lại hai đứa cháu cho bà nuôi dưỡng. Hơn 1 năm trước, đứa cháu lớn của bà bị đuối nước. Giờ, chỉ còn hai bà cháu nương tựa vào nhau trên con thuyền nhỏ.
Thương hoàn cảnh của bà Nơi, chính quyền địa phương, bà con lối xóm luôn dành sự quan tâm tới hai bà cháu bằng những việc làm thiết thực. Dẫu vậy, như lời bà Nơi nói, bà đang bước vào những tháng năm cuối cùng của cuộc đời. Điều bà lo lắng, trăn trở nhất hiện nay là tương lai của đứa cháu mới chỉ hơn 4 tuổi.
"Còn sống thì tôi còn lo cho cháu. Muốn tương lai đứa trẻ tốt hơn không còn cách nào khác là phải chăm sóc, uốn nắn và cho cháu học hành tới nơi tới chốn. Hôm nay, tôi tới tham gia vào buổi đối thoại với các cơ quan chức năng để được nghe nhiều hơn về những chính sách dành cho hộ nghèo, đặc biệt là những ưu đãi trong giáo dục. Tôi sẽ nhờ đại diện các ngành chức năng giải thích tỉ mỉ và dễ hiểu, dễ nhớ. Tôi cũng sẽ bày tỏ mong muốn trong hành trình vươn lên của hai bà cháu, chúng tôi mong sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, các ngành, các nhà hảo tâm"- bà Nơi xúc động.
Cũng như bà Nơi, hơn 400 người nghèo, cận nghèo của huyện Gia Viễn đã mang tới buổi đối thoại chính sách với các cơ quan chức năng những vấn đề mà bản thân họ chưa hiểu hết, hiểu sâu.
Nhiều băn khoăn, trăn trở, những nguyện vọng, kiến nghị được các hộ nghèo bày tỏ tại buổi đối thoại tập trung vào việc hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hỗ trợ khám chữa bệnh, mong muốn được kéo dài thời gian vay vốn để sản xuất, giảm lãi suất vay vốn, các chính sách hỗ trợ với người già cô đơn không nơi nương tựa, phụ nữ đơn thân nuôi con, chính sách hỗ trợ về học phí cho con em đến trường, các chế độ về hỗ trợ một phần kinh phí khám chữa bệnh đối với người nghèo, chính sách về BHXH...
Không phụ sự kỳ vọng của người nghèo, cận nghèo, tất cả những băn khoăn, vướng mắc đều đã được các cán bộ của cơ quan chuyên môn giải đáp cặn kẽ, thỏa đáng, những đề xuất, kiến nghị đều đã được tiếp thu.
Năm 2022, mặc dù vẫn còn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, song huyện Gia Viễn vẫn luôn ưu tiên, dành sự quan tâm đặc biệt tới người nghèo, cận nghèo, các đối tượng yếu thế, đồng thời coi đây là giải pháp quan trọng nhằm đảm bảo an sinh, xã hội trên địa bàn.
Theo đó, huyện đã quan tâm chỉ đạo phòng chức năng thực hiện các chế độ chính sách cho các đối tượng thụ hưởng đầy đủ, kịp thời, theo đúng quy định.
Trong dịp Tết Nguyên đán đã tổ chức cấp, tặng trên 22 nghìn suất quà, trị giá trên 11 tỷ đồng (tăng 4 tỷ đồng so với năm 2021) đến các đối tượng đầy đủ, nghiêm túc, kịp thời. Riêng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, ngoài chế độ quy định chung, huyện đã huy động trích từ Quỹ An sinh xã hội và Đền ơn đáp nghĩa huyện tặng thêm mỗi hộ 1 suất quà trị giá 500 nghìn đồng; 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có đủ điều kiện, có nhu cầu đều được giải quyết vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội.
Từ đầu năm 2022 đến nay, có 463 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn với tổng số tiền 31.065 tỷ đồng; có 1.112 lượt học sinh là con hộ nghèo, cận nghèo được miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho với tổng kinh phí 1.112 tỷ đồng; cấp 2.947 thẻ BHYT cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, khám chữa bệnh cho 2.936 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo... với số tiền hàng tỷ đồng.... Công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm đảm bảo công khai, dân chủ, đúng quy trình. Tỷ lệ hộ nghèo rà soát năm 2022 ước còn 2,35%, giảm 0,62% so với năm 2021.
Bà Vũ Thị Dược, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn cho biết: Năm 2022, huyện được UBND tỉnh phân bổ 4,057 tỷ đồng để thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Căn cứ vào nguồn vốn được tỉnh phân bổ, huyện đã chỉ đạo phòng chuyên môn xây dựng, triển khai thực hiện các chương trình dự án giảm nghèo, trong đó có các dự án: đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực và giám sát đánh giá chương trình. Hiện nay, các dự án đang trong quá trình thực hiện.
Đặc biệt, dự án Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất đang trong quá trình khảo sát đối tượng tham gia. Tham gia vào buổi đối thoại như thế này, hơn 400 hộ nghèo, cận nghèo của huyện cũng sẽ được tiếp cận trực tiếp, giúp họ nắm vững thông tin của chính sách và có thể đề xuất những phương thức hỗ trợ phù hợp với hoàn cảnh của gia đình mình.
Những năm qua, tỉnh ta luôn ưu tiên dành mọi nguồn lực để thực hiện công tác giảm nghèo. Bà Lê Thị Lựu, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Giai đoạn 2022-2025, tỉnh ta không còn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vì vậy không còn được thụ hưởng ngân sách của Trung ương trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Từ thực tế đó, tỉnh ta đã chủ động, ưu tiên dành nguồn kinh phí mỗi năm trên 36 tỷ đồng để thực hiện các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững nhằm góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững; giảm dần khoảng cách giàu nghèo giữa các địa phương; hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới; hỗ trợ người nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội bền vững.
Để các chính sách của Đảng, Nhà nước và chính sách đặc thù của tỉnh phát huy hiệu quả, thực sự tạo đà cho người nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo một cách bền vững thì việc nắm rõ nguyên nhân nghèo là vô cùng quan trọng.
Và để hiểu rõ nguyên nhân, tâm tư, nguyện vọng của hộ nghèo thì việc tổ chức đối thoại chính sách với người nghèo là một cách làm rất sáng tạo và đã khẳng định được hiệu quả trong những năm gần đây.
Từ các buổi tiếp xúc này mà các ngành chức năng sẽ có cơ sở thực tiễn để đề xuất, kiến nghị các giải pháp, điều chỉnh phương pháp hỗ trợ… nhằm đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo bền vững.
Đào Hằng- Minh Quang