Các ý kiến phát biểu thẳng thắn của người nghèo tại buổi đối thoại cho thấy, mức độ tiếp cận của người nghèo đối với chính sách, dự án giảm nghèo tương đối tốt. Người nghèo đã cơ bản được tiếp cận thuận lợi hơn với các chính sách trợ giúp của Nhà nước, trước hết là về y tế, giáo dục, văn hóa, nước sinh hoạt, nhà ở và các dịch vụ xã hội cơ bản. Giai đoạn 2011-2015, quỹ "Vì người nghèo" các cấp của thành phố Tam Điệp đã vận động được hơn 2,7 tỷ đồng hỗ trợ sửa chữa, xây mới 181 nhà cho hộ gia đình chính sách và hộ nghèo; gần 6.000 lượt người nghèo và hơn 6.000 lượt hộ cận nghèo được cấp thẻ BHYT miễn phí; có gần 2.000 lượt hộ nghèo được vay vốn tín dụng giải quyết việc làm với tổng số tiền trên 33 tỷ đồng với mức vay trung bình 17 triệu đồng/lượt/hộ, giúp 156 hộ nghèo phát triển kinh tế; hơn 2.500 lượt hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện; hỗ trợ miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho trên 2.500 lượt học sinh, sinh viên con hộ nghèo với số tiền trên 900 triệu đồng. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố Tam Điệp giảm nhanh qua các năm từ 4,16% năm 2011 xuống còn 1,86% năm 2014.
Những băn khoăn, trăn trở, những nguyện vọng, kiến nghị được các hộ nghèo bày tỏ tại buổi đối thoại tập trung vào việc hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hỗ trợ khám, chữa bệnh, mong muốn được kéo dài thời gian vay vốn để sản xuất, giảm lãi suất vay vốn, các chính sách hỗ trợ với người già cô đơn không nơi nương tựa, phụ nữ đơn thân nuôi con, chính sách hỗ trợ về học phí cho con em đến trường, các chế độ về hỗ trợ một phần kinh phí khám, chữa bệnh đối với người nghèo, chính sách về BHXH... Tại hội nghị, đại diện các cơ quan, ban, ngành chức năng đã trả lời kiến nghị của các hộ, giải đáp những thắc mắc cũng như những vấn đề còn tồn tại liên quan đến các chính sách đối với hộ nghèo. Đặc biệt, thông qua tiếp xúc trực tiếp, các hộ nghèo đều cảm nhận được sự động viên, sẻ chia của các cấp, các ngành chức năng. Mỗi hộ nghèo một hoàn cảnh, một lý do để khó thoát nghèo nhưng điều dễ thấy nhất ở họ đó là đều có chung hy vọng sẽ có tương lai tốt hơn từ sự tự lực của gia đình cùng sự trợ giúp của cộng đồng. Bà Hoàng Thị Bé ở phường Yên Bình cho biết: Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo từ 3 năm nay. Dù rất cố gắng, song việc thoát nghèo của gia đình tôi rất khó khăn. Nguyên nhân là do tôi bị bệnh u não, có giai đoạn bệnh thần kinh lại tái phát. Mặc dù có BHYT chi trả, song những khoản chi phí ăn uống, đi lại, thêm tiền thuốc men cũng làm gia đình tôi thêm khó khăn. Qua buổi tiếp xúc, tôi được lãnh đạo Sở Y tế cho biết những hoàn cảnh hộ nghèo như tôi khi chữa bệnh chuyển đúng tuyến sẽ được hỗ trợ tiền ăn và đi lại. Như vậy, gia đình tôi cũng vơi bớt khó khăn".
Ông Nguyễn Hữu Tuyến, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Sau buổi đối thoại ở thành phố Tam Điệp, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức các buổi đối thoại với hộ nghèo trên địa bàn các huyện Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư, Yên Khánh và Kim Sơn. Việc tổ chức đối thoại chính sách với người nghèo nhằm tìm hiểu nhu cầu, nguyện vọng, điều kiện hoàn cảnh cụ thể của từng hộ nghèo, từ đó đề xuất giải pháp thực tế, hợp lý giúp họ thoát nghèo. Cũng từ các buổi tiếp xúc này các ngành chức năng sẽ có những điều chỉnh, đề xuất, kiến nghị nhằm đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo bền vững. Từ đó lập kế hoạch và giám sát các hoạt động can thiệp trong giảm nghèo. Thực tế cho thấy, việc tiếp xúc và đối thoại trực tiếp với hộ nghèo là một cách làm sáng tạo và bước đầu đem lại hiệu quả tích cực trong công tác giảm nghèo. Việc triển khai hình thức đối thoại chính sách giảm nghèo nằm trong khuôn khổ thực hiện kế hoạch giảm nghèo giai đoạn 2011-2015 của UBND tỉnh nhằm đảm bảo thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội.
Những năm qua, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh liên tục giảm từ 12,39% năm 2011 xuống còn 5,44% vào cuối năm 2014. Có được kết quả đó là do tỉnh ta đã làm tốt công tác xóa đói, giảm nghèo. Các chính sách, dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đã được các cấp, các ngành quan tâm triển khai, tác động trực tiếp đến đời sống, người nghèo, giúp họ phát triển kinh tế, ổn định đời sống, tiến tới giảm nghèo bền vững. Trong giai đoạn này, tỉnh ta đã có gần 14.900 lượt người nghèo được vay vốn ưu đãi với số tiền gần 219 tỷ đồng. Bên cạnh việc cho vay vốn, mỗi năm, các ngành chức năng còn tổ chức hàng trăm lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho gần 7.000 người thuộc hộ nghèo với tổng kinh phí trên 7 tỷ đồng. Ngoài ra, các cơ sở và doanh nghiệp đào tạo nghề đã dạy nghề cho trên 1 nghìn lao động thuộc diện hộ nghèo với tổng kinh phí trên 3 tỷ đồng. Có vốn, có tay nghề, các hộ nghèo, hộ cận nghèo có điều kiện đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng thêm thu nhập, giúp họ từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững. Chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo cũng được thực hiện có hiệu quả. Trong giai đoạn 2011-2015, tỉnh đã dành nhiều nguồn lực từ địa phương, huy động nguồn xã hội hóa từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm... hỗ trợ xây mới, sửa chữa trên 3 nghìn ngôi nhà cho hộ nghèo, hộ chính sách có khó khăn về nhà ở với tổng số tiền trên 80 tỷ đồng. Cùng với đó, tỉnh đã thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục-đào tạo, trợ giúp pháp lý cho người nghèo.
Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo ở tỉnh vẫn thiếu bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người nghèo tuy đã và đang được triển khai, song chưa đạt hiệu quả như mong muốn... Để góp phần nâng cao tính bền vững của hoạt động giảm nghèo, nâng cao năng lực giảm nghèo thì trong thời gian tới, hoạt động đối thoại chính sách giảm nghèo sẽ là cách làm hiệu quả, đúng hướng.
Nguyễn Hùng