"Đời sống của bà con Cúc Phương giờ được cải thiện nhiều lắm. Kinh tế phát triển, bà con hăng hái tham gia vào các phong trào thi đua, nhờ đó, địa phương đã có sự khởi sắc đáng kể. Tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm bền vững qua mỗi năm. Từ gần 40% năm 2005, xuống còn 13,41% năm 2010 và đã giảm xuống còn 6,5% vào cuối năm 2019 này.
Có được sự bứt phá lớn trong công tác xóa đói giảm nghèo phải kể đến vai trò "đòn bẩy" là Nghị quyết số 10, ngày 15/10/2007 của Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo đối với công tác giảm nghèo đồng chí ông Đinh Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã Cúc Phương mở đầu câu chuyện.
Đồng chí Đinh Văn Xuân cho biết, không chỉ là những ngôi nhà mới cho người nghèo, những công trình dân sinh mới đã được hoàn thiện… mà thắng lợi lớn của việc thực hiện Nghị quyết số 10 chính là đã hun đúc lên một ý chí, một quyết tâm thoát nghèo rất lớn của cán bộ và nhân dân địa phương.
Theo đó, bám sát Nghị quyết số 10 của Tỉnh ủy, việc giảm nghèo ở Cúc Phương được thực hiện rất bài bản, có lộ trình thực hiện mục tiêu cụ thể. Xã Cúc Phương đã ra nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động và quan tâm chỉ đạo các hội, đoàn thể thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm cho nhân dân. Công tác tuyên truyền về giảm nghèo được đặt lên hàng đầu với nhiều hình thức đa dạng, nội dung phong phú.
Giới thiệu những gương điển hình thoát nghèo vươn lên làm giàu, các mô hình sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả cao…, giúp người dân có thể vận dụng làm theo. Nhờ đó, đã tạo nên sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân về công tác giảm nghèo, khơi dậy tinh thần tự lực trong phát triển kinh tế của các hộ gia đình.
Từ một hộ chỉ sống dựa vào sản xuất nông nghiệp với nguồn thu nhập bấp bênh, nay gia đình ông Bùi Văn Tuyên, thôn Nga 2 đã trở thành một trong những điển hình làm kinh tế giỏi của xã Cúc Phương. Gia đình ông Tuyên hiện đang sở hữu một gia trại chăn nuôi hươu có 14 con trưởng thành đang cho thu hoạch. "Trước đây gia đình tôi chủ yếu làm nông, thu nhập thấp, cuộc sống vô cùng khó khăn.
Nhưng những năm gần đây nhờ vào sự hỗ trợ về kỹ thuật, về con giống và vốn của các cấp, ngành gia đình tôi đã xây dựng thành công mô hình nuôi hươu lấy nhung. Hươu giống nuôi đến 2 tuổi cho thu hoạch và thu hoạch liên tục trong 16 năm. Mỗi năm 1 con hươu cắt được 8-9 lạng nhung với giá 1,8-1,9 triệu đồng/lạng, thu nhập mang lại 15-16 triệu đồng/con/năm.
Với chi phí nuôi hươu không quá cao, chủ yếu là lấy lá và cỏ để hươu ăn thì đây là mô hình rất phù hợp cho bà con các xã vùng cao như Cúc Phương"- ông Tuyên cho biết. Có điều kiện, ông Tuyên đã xây được ngôi nhà khang trang, hiện đại.
Đồng chí Đinh Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã cho biết thêm, không chỉ tập trung chăn nuôi con đặc sản, xã Cúc Phương còn khuyến khích bà con phát huy thế mạnh đồi rừng đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Thay vì chăn nuôi nhỏ lẻ, thả rông như trước đây, Cúc Phương đã vận động, hướng dẫn bà con chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại.
Nhằm tạo điều kiện cho bà con phát triển, mở rộng trang trại, các tổ chức đoàn thể của xã đã nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho bà con vay vốn với lãi suất ưu đãi… giúp nhiều hộ nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo. Hiện nay, toàn xã có hơn 500 con hươu gồm hươu sinh sản, hươu lấy nhung và hươu lấy thịt.
Mỗi năm cung cấp ra thị trường trên 320 kg nhung hươu, mang lại giá trị trên 6 tỷ đồng. Để nghề chăn nuôi hươu phát triển hơn nữa và nhằm xây dựng thương hiệu nhung hươu Cúc Phương, mới đây các hộ chăn nuôi hươu trên địa bàn xã đã thành lập HTX Dịch vụ thương mại nhung hươu Cúc Phương. HTX hoạt động trên cơ sở tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau và liên kết của các thành viên trong sản xuất, tạo ra thị trường tiêu thụ ổn định.
Ngoài con hươu, xã Cúc Phương duy trì nhiều con nuôi đặc sản. Toàn xã hiện có trên 1.200 con trâu, bò; gần 300 con nhím; hơn 700 con dê; trên 800 đàn ong...
Tổng nguồn thu từ chăn nuôi trên địa bàn đạt trên 16 tỷ đồng. Cùng với chăn nuôi, Cúc Phương còn đẩy mạnh phát triển cây lương thực và các loại cây công nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa như: mía, lạc, sắn, khoai sọ, cây ăn quả...
Đồng thời khuyến khích nhân dân chuyển dịch sang kinh doanh thương mại và dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch, góp phần tạo nguồn thu và việc làm cho lao động địa phương, từng bước giảm số hộ nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân… Năm 2019, số hộ nghèo của Cúc Phương đã giảm xuống còn 6,5%.
Đào Hằng