Tại tỉnh Ninh Bình, ngày 25-8-1945 Ủy ban cách mạng lâm thời tỉnh Ninh Bình do đồng chí Văn Tiến Dũng làm Chủ tịch ra mắt nhân dân, để giúp việc cho Ủy ban lâm thời có một số ty chuyên ngành, riêng ngành Nội vụ thời điểm đó có một số cán bộ giúp việc, sau hình thành phòng tổ chức cán bộ thuộc Văn phòng Ủy ban hành chính tỉnh, công tác nội vụ lúc bấy giờ tập trung giúp chính quyền các cấp xây dựng bộ máy chính quyền mới ở địa phương, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ chế độ mới, chính quyền nhân dân... Trong quá trình hoạt động, ngành Nội vụ tỉnh Ninh Bình có nhiều thay đổi về nhiệm vụ, tên gọi: năm 1954 thành lập phòng Tổ chức, cán bộ thuộc Ủy ban kháng chiến tỉnh, năm 1961 thành lập phòng Dân chính thuộc Ủy ban hành chính tỉnh, năm 1963 thành lập Ban Tổ chức - Dân chính thuộc Ủy ban hành chính tỉnh, năm 1968 tách Ban Tổ chức-Dân chính thành Ban Tổ chức, cán bộ tỉnh và Ban Thương binh - Xã hội tỉnh Ninh Bình. Năm 1976 tỉnh Ninh Bình hợp nhất với tỉnh Nam Hà thành tỉnh Hà Nam Ninh, Ban Tổ chức chính quyền hai tỉnh cũng được hợp nhất, thời gian này những người làm công tác tổ chức nhà nước tập trung tham mưu cho cấp ủy, chính quyền nhiều nhiệm vụ nặng nề hơn, địa bàn tỉnh rộng hơn. Từ khi thành lập đến khi hợp nhất, trong mọi điều kiện thuận lợi hay khó khăn ngành Nội vụ vẫn bám sát sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, đoàn kết phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao. Ngày 1-4-1992 thực hiện Nghị quyết kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa VIII, tỉnh Ninh Bình được tái lập. Đây là một sự kiện chính trị quan trọng, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đổi mới và xây dựng tỉnh Ninh Bình phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, thời điểm đó, Ninh Bình còn là tỉnh nghèo, thuần nông, điểm xuất phát thấp, kinh tế chậm phát triển, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thiếu về số lượng, yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là thiếu các chuyên gia đầu ngành... Trước khó khăn ấy, ngành Tổ chức Nhà nước chủ động tham mưu, giúp Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, tập trung tuyển dụng những người được đào tạo cơ bản, tâm huyết với nghề nghiệp để bổ sung cho đội ngũ công chức, viên chức của tỉnh, đồng thời tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện có từng bước ổn định tình hình góp phần tạo đà phát triển về kinh tế-xã hội của tỉnh.
Năm 2008 thực hiện Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày 4-2-2008 của Chính phủ thì Ban Thi đua khen thưởng; Ban Tôn giáo tỉnh sáp nhập vào Sở Nội vụ và thành lập thêm Chi cục văn thư lưu trữ, phòng công tác thanh niên. Cấp huyện thực hiện Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày 4-2-2008 của Chính phủ thống nhất mỗi huyện, thành phố, thị xã đều thành lập phòng nội vụ; cấp xã công việc nội vụ được giao cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và công chức chuyên môn giúp việc. Như vậy thời điểm hiện nay, ngành Nội vụ được kiện toàn hoàn thiện nhất về hệ thống tổ chức bộ máy từ Trung ương đến cơ sở. Sở Nội vụ, Phòng Nội vụ cấp huyện trở thành cơ quan quản lý nhà nước đa ngành, đa lĩnh vực.
Trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện nhiệm vụ kể từ ngày tái lập tỉnh đến nay, các thế hệ công chức, viên chức ngành Nội vụ đã được Bộ Nội vụ, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và các cấp ủy, UBND các cấp trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị sự nghiệp trong tỉnh, cùng với tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, sự phấn đấu liên tục không biết mệt mỏi của các thế hệ công chức, viên chức, ngành Nội vụ đã làm tốt công tác tham mưu, triển khai thực hiện hiệu quả theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, đảm bảo đúng quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình thực tế địa phương, đã đạt được một số thành tích trên các lĩnh vực cụ thể.
Triển khai, tổ chức thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý, sử dụng và thực hiện các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức; đã tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đối với tất cả các tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh.
Thường xuyên rà soát, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp đảm bảo không trùng lắp, không còn hiện tượng một việc nhiều cơ quan làm, có việc không có cơ quan, đơn vị quản lý; về biên chế đã tham mưu để Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh giao đúng, giao kịp thời biên chế hành chính, sự nghiệp để các cơ quan, đơn vị có đủ nhân lực làm việc.
Đã ban hành kế hoạch cải cách hành chính của tỉnh giai đoạn 2010-2020, kế hoạch hàng năm, công tác cải cách thường xuyên được cấp ủy, chính quyền quan tâm thực hiện đồng bộ, đặc biệt là tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; duy trì hoạt động của bộ phận một cửa, một cửa liên thông tại tất cả các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập trong tỉnh, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho công dân, doanh nghiệp thực hiện các giao dịch với cơ quan nhà nước và nhà đầu tư yên tâm đầu tư vào tỉnh Ninh Bình.
Đã tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền thực hiện đúng quy định về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu HĐND các cấp. Phối hợp chặt chẽ với UBND cấp huyện chỉ đạo cấp xã xây dựng chính quyền cơ sở trong sạch, vững mạnh, kết quả năm 2001 có 81/144 = 56, 25%, năm 2014 có 120/145 = 82,76% xã, phường, thị trấn đạt chính quyền cơ sở trong sạch, vững mạnh.
Tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng số cán bộ, công chức, viên chức hiện có như mở các lớp trung cấp công an, quân sự, luật cho cán bộ, công chức cấp xã, cử 523 người đi học thạc sỹ, nghiên cứu sinh ở trong và ngoài nước, mở 285 lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ; nâng cao chất lượng đầu vào, ưu tiên tuyển dụng đặc cách đối với những người có trình độ cao được đào tạo tại các cơ sở trong và ngoài nước; thực hiện tốt chính sách tinh giản biên chế theo quy định của nhà nước. Kết quả, tháng 6-2015, tổng số cán bộ, công chức, viên chức là 20.835 người, trong đó đã tuyển dụng được 1.286 người có trình độ tiến sỹ, thạc sỹ... về công tác tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và các xã, phường, thị trấn của tỉnh.
Công tác văn thư lưu trữ là công việc mới nhưng đến nay 23/23 sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh và 8/8 huyện, thành phố đều đã ban hành Quy chế công tác văn thư lưu trữ.
Thường xuyên phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho Ban chỉ đạo công tác tôn giáo các cấp, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước, công tác đối ngoại về tôn giáo, đã xem xét giải quyết 254 nội dung công việc liên quan đến tôn giáo.
Thực hiện tốt việc phát động các phong trào thi đua yêu nước, khen thưởng những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong chiến đấu, lao động sản xuất, chú trọng khen thưởng người trực tiếp lao động, hoàn thành việc khen thưởng cho những người tham gia kháng chiến, thực hiện nhanh, chính xác việc phong tặng và truy tặng Mẹ Việt Nam Anh hùng.
Để ghi nhận những thành tích 70 xây dựng và trưởng thành của ngành Nội vụ tỉnh Ninh Bình, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, Sở Nội vụ được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, ngành Nội vụ được Chính phủ, các bộ, ủy ban nhân dân các cấp tặng nhiều bằng khen, giấy khen và các hình thức khen thưởng khác. Những năm gần đây, các tổ chức và công dân có quan hệ công tác đều ghi nhận, Sở Nội vụ có nhiều tiến bộ trong công tác cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức, nhất là thái độ phục vụ tổ chức và công dân.
Phát huy truyền thống vẻ vang của ngành Nội vụ và sự kỳ vọng của các cấp ủy, chính quyền, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, thời gian tới ngành Nội vụ tỉnh Ninh Bình tập trung thực hiện tốt một số công tác chủ yếu sau: Tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ chí Minh; đôn đốc các cơ quan, các đơn vị sự nghiệp xây dựng vị trí việc làm gắn với xây dựng Đề án tinh giản biên chế theo quy định tại Nghị định số 108 của Chính phủ theo hướng từ nay đến năm 2020 tinh giản ít nhất 10% tổng biên chế được Chính phủ giao năm 2015; tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, đưa thêm một số nội dung vào bộ phận một cửa theo hướng liên thông từ cấp xã, cấp huyện, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; cải cách chế độ công vụ công chức, đặc biệt là thái độ phục vụ tổ chức và công dân của đội ngũ công chức, viên chức nhà nước, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức tinh thông về nghề nghiệp, tận tụy phục vụ tổ chức và công dân, góp phần quan trọng vào việc xây dựng quê hương Ninh Bình giàu và đẹp.
Ngô Văn Nguyên
TUV, Giám đốc Sở Nội vụ