Cùng dự một buổi tập luyện của Đội múa lân thôn Bộ Đầu mới thấy, với niềm yêu thích, sự đam mê, ý thức trách nhiệm và mong muốn được duy trì nét văn hóa truyền thống của quê hương mà những ông già, bà lão, những cậu thanh niên trai tráng mới vừa mười tám, đôi mươi tưởng như chỉ thích mạng internet với "thế giới ảo", các chương trình game online lại có thể say sưa hòa quyện với nhau, đồng điệu tâm hồn giữa hai thế hệ thể hiện vào những điệu múa, miếng nhảy và tiếng trống, tiếng la xập xình, rôm rả ấy.
Ông Phạm Đình Thìn, Đội trưởng Đội múa lân thôn Bộ Đầu, khuôn mặt lấm tấm mồ hôi nhưng không giấu được niềm tự hào cho biết, tuy Đội múa lân mới được khôi phục lại nhưng đã rất nhanh chóng khẳng định rằng, những nét đẹp văn hóa truyền thống tuy bị mai một, từng có thời gian mất đi, nhưng khi được khôi phục lại như được tiếp thêm sức mạnh để bứt phá, có sức sống hơn. Bằng chứng là, chỉ mới đang ở thời kỳ tập luyện để phục vụ cho Lễ hội Hoa Lư thôi, nhưng buổi tối ngày nào cũng chật kín người dân trong thôn tới Nhà văn hóa xem và cổ vũ, tạo cho Đội múa lân của thôn một khí thế và động lực lớn để tích cực luyện tập, biểu diễn hết mình, vì "màu cờ sắc áo" của thôn.
Anh Tạ Tuấn Lâm, Bí thư chi đoàn thôn Bộ Đầu cho biết, là một võ sư giảng dạy bộ môn võ tại Trung tâm Thanh, thiếu nhi tỉnh, dù công việc rất bận, nhưng khi nắm bắt được nguyện vọng của Chi hội người cao tuổi trong thôn về việc khôi phục lại nét đẹp văn hóa múa lân từ thời xa xưa của làng bằng việc thành lập một Đội múa lân của thôn, anh đã dành thời gian tìm hiểu thêm về môn nghệ thuật truyền thống dân gian này, hướng dẫn những người yêu thích múa lân trong thôn tập luyện.
Phát huy thế mạnh là võ sư, từng được học bộ môn múa lân trong trường đại học TDTT, lại được nhiều lần tham sự giải Lân sư rồng toàn quốc… anh tích cực tham khảo, học hỏi ở những địa phương - nơi có phong trào múa Lân phát triển, nhất là ở một số tỉnh miền Nam, truyền dạy lại cho đội Lân trong thôn. Bản thân anh và 3 thanh niên trong thôn được tuyển chọn hóa thân vào 2 con Lân đực - cái phải phối hợp tập luyện rất nhiều, không chỉ cách nhảy, múa mà còn là các động tác nâng đỡ, níu giữ nhau để hai con Lân luôn biểu diễn đồng điệu, nhịp nhàng, hòa quyện.
Mặc dù mới được thành lập và đi vào tập luyện từ cuối năm 2017, nhưng 13 thành viên thường xuyên, là những người cao tuổi và đoàn viên thanh niên trong Đội luôn tranh thủ thời gian để tập luyện nhuần nhuyễn những điệu múa của Lân. Ròng rã 3 tháng gần đây, khi được biết Đội sẽ tham gia tại Lễ rước nước trong Lễ hội Hoa Lư 2018, mỗi tuần 3 buổi tối (thứ 3, thứ 5 và chủ nhật), Đội tổ chức tập luyện tại Nhà văn hóa thôn. Chỉ là tập luyện thôi nhưng ngày nào cũng chật kín người dân trong thôn đến xem, cổ vũ và góp ý. Cùng với tích cực tập luyện, Chi hội người cao tuổi thôn cũng kêu gọi người dân trong thôn, con em làm ăn xa đóng góp, ủng hộ kinh phí mua sắm quần áo, đồ dùng, phương tiện biểu diễn…
Chị Bùi Thị Thanh Nhàn, công chức văn hóa thông tin và tuyên truyền xã Ninh An cho biết: Theo những người cao tuổi xã Ninh An, nghệ thuật múa Lân được hình thành trên địa bàn xã từ những năm 1950, nhưng theo thời gian, do chiến tranh nên dần bị mai một. Đến năm 2008, người dân thôn Gòi khôi phục đội múa Lân do chị em phụ nữ trong thôn thực hiện.
Đội múa lân này cũng đã có nhiều năm đi biểu diễn tại Lễ hội Hoa Lư, tại lễ mừng thọ, hội làng, có mặt ở nhiều sự kiện văn hóa - thể thao của làng, của xã và một số lễ hội ở các vùng lân cận trong huyện, trong tỉnh. Đến năm 2017, Đội múa lân thôn Bộ Đầu tiếp tục được hình thành, bước đầu phát huy được những nét đẹp rất riêng của loại hình nghệ thuật dân gian này.
Múa Lân được coi là một nét đẹp văn hóa truyền thống mang đậm chất nghệ thuật dân gian của người á Đông. Mỗi khi Tết đến Xuân về hay vào những ngày hội làng…, cứ nghe tiếng trống thùng thùng, tiếng thanh la xập xình, cảnh con Lân múa may, uốn lượn, kèm theo cảnh ông Địa mặt tươi cười cầm quạt vỗ phì phạch vào cái bụng to đùng thì cả trẻ con và người lớn đều cảm thấy vui tươi, thích thú.
Tất cả như hòa vào niềm vui, sự hứng khởi để quên đi những vất vả, lo toan, nhọc nhằn trong cuộc sống, cùng hướng đến những ngày mới tương lai thanh bình, hạnh phúc. Vì vậy, trong mọi giai đoạn, múa Lân luôn tượng trưng cho sự đủ đầy, hạnh phúc, sức khỏe và yên bình. Với ý nghĩa tốt đẹp đó, xã Ninh An đã khôi phục và duy trì được 2 đội múa Lân, khẳng định, những nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt không thể mất đi mà luôn được con cháu đời sau khôi phục và gìn giữ.
Bài, ảnh: Hạnh Chi