Đặc biệt, công tác cán bộ đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, toàn diện, đồng bộ, tiếp tục có nhiều đổi mới theo tinh thần Nghị quyết, đảm bảo nguyên tắc tập trung, dân chủ, khách quan, công khai, từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý vừa có đức, vừa có tài, xứng đáng là công bộc của nhân dân.
Hiện nay, số lượng cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý có 333 đồng chí, trong đó có 13% cán bộ nữ.
Về trình độ chuyên môn: 25% có trình độ thạc sỹ, tiến sỹ; 75% có trình độ đại học. Về trình độ lý luận chính trị, 95% có trình độ cao cấp và cử nhân chính trị. Về độ tuổi: Dưới 40 tuổi có 6%; từ 41 đến 45 có 9%; từ 46 đến 50 có 17%; từ 51 đến 55 có 38%; từ 56 tuổi trở lên có 30%.
Nhìn chung, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh được rèn luyện, thử thách qua thực tiễn, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ và năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển chung của tỉnh.
Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ ở tỉnh ta vẫn còn một số tồn tại, khó khăn: Nhiệm kỳ tới (2015-2020), cán bộ đủ tuổi tiếp tục tái cử Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực ở cấp huyện, cấp tỉnh còn ít.
Ở cấp huyện và tương đương: Ban Chấp hành có 76%, Ban Thường vụ có 51%, Thường trực có 40% (trong đó có 3 đơn vị thường trực cấp ủy không còn đồng chí nào đủ tuổi tiếp tục tái cử). Ở cấp tỉnh, cán bộ đủ tuổi tái cử Ban Chấp hành có 58%, Ban Thường vụ có 47%, Thường trực có 66%.
Bên cạnh đó, một số cán bộ năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành còn yếu, chưa năng động, sáng tạo, thiếu tính quyết đoán, khả năng quy tụ còn hạn chế.
Trong công tác cán bộ, nhất là việc đánh giá cán bộ còn có biểu hiện nể nang, chưa chính xác; việc bố trí, sắp xếp cán bộ một số nơi chưa hợp lý, chưa đúng với năng lực, sở trường và chuyên môn đào tạo, còn nặng về cơ cấu; chưa kiên quyết, kịp thời thay thế những cán bộ trì trệ, tín nhiệm thấp, phẩm chất, năng lực yếu không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ...
Để kịp thời khắc phục những hạn chế, yếu kém về công tác cán bộ và từng bước chuẩn bị đội ngũ cán bộ của tỉnh cho nhiệm kỳ tới, thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo toàn diện, đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ về công tác tổ chức xây dựng Đảng gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về công tác tổ chức, cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI).
Trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác đánh giá, quy hoạch, đào tạo, luân chuyển cán bộ kết hợp với thực hiện chủ trương bố trí một số chức danh cán bộ chủ chốt cấp huyện (bí thư, chủ tịch) không phải là người địa phương theo Kết luận số 24 của Bộ Chính trị.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định phải làm tốt công tác đánh giá cán bộ để bố trí, sử dụng đúng người, đúng việc, để cán bộ phát huy được năng lực, sở trường.
Ngoài việc đánh giá cán bộ theo định kỳ, khi triển khai Nghị quyết Trung ương 4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tiến hành chỉ đạo, rà soát, đánh giá lại toàn bộ đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý ở các cấp, các ngành.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã trực tiếp đến một số cơ quan, đơn vị nghe đồng chí cấp trưởng báo cáo tình hình về đội ngũ cán bộ và nhận xét, đánh giá từng cán bộ trong cơ quan, đơn vị về phẩm chất, trình độ, năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành, uy tín, sức khỏe, tuổi tác...
Đặc biệt, quan tâm nắm chắc nguồn cán bộ trẻ được đào tạo cơ bản, có triển vọng phát triển, cán bộ nữ để có kế hoạch giới thiệu vào nguồn quy hoạch, cử đi đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sắp xếp lại cho phù hợp với năng lực, sở trường của cán bộ...
Trên cơ sở khảo sát, đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ thuộc diện quản lý, ngay sau kiểm điểm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã sắp xếp, bố trí lại 11 trường hợp cán bộ ở cấp huyện và sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, trong đó: có một số trường hợp do năng lực lãnh đạo, quản lý điều hành yếu, mức độ hoàn thành nhiệm vụ, tín nhiệm thấp, nội bộ cơ quan, đơn vị mất đoàn kết kéo dài; một số cán bộ bố trí, sắp xếp lại cho phù hợp với năng lực, sở trường, chuyên môn đào tạo.
Thực hiện Kết luận số 24 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có chủ trương và tiến hành luân chuyển 5 cán bộ đang công tác tại khối Đảng, đoàn thể sang làm công tác quản lý khối chính quyền và ngược lại nhằm đào tạo, bồi dưỡng, thử thách cán bộ toàn diện hơn trên tất cả các lĩnh vực và chuẩn bị trước một bước cho nguồn nhân sự Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các chức danh chủ chốt cấp tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020….
Đồng thời trong luân chuyển đã kết hợp với việc thực hiện chủ trương bố trí cán bộ chủ chốt cấp huyện không phải là người địa phương (sau luân chuyển đến nay có 3/8 đồng chí bí thư, 2/8 đồng chí chủ tịch UBND huyện, thành phố, thị xã không phải là người địa phương).
Cùng với đó, công tác quy hoạch cán bộ được Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo triển khai đồng bộ, chặt chẽ từ tỉnh đến cơ sở, đã hoàn thành việc rà soát, bổ sung quy hoạch cấp ủy, các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2010-2015 và xây dựng quy hoạch cán bộ giai đoạn 2015-2020 bảo đảm theo đúng các yêu cầu về nội dung, phương pháp, quy trình các bước xây dựng quy hoạch.
Cán bộ được quy hoạch các cấp ủy đều đạt tỷ lệ từ 1,5 đến 2 lần so với cấp ủy đương nhiệm và đảm bảo cơ cấu 3 độ tuổi, cơ cấu nữ theo quy định; các chức danh lãnh đạo chủ chốt ở các cấp hầu hết đều quy hoạch được từ 2 đến 3 người cho một chức danh, có người quy hoạch tối đa 4 chức danh; chất lượng cán bộ đưa vào quy hoạch hầu hết đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định.
Trên cơ sở quy hoạch cán bộ, các cấp, các ngành đã xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ trong quy hoạch đã duyệt. Từ năm 2010 đến nay, tỉnh đã cử 55 cán bộ đi đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ và 282 cán bộ đi đào tạo cao cấp lý luận chính trị.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã kịp thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chấn chỉnh việc cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng cả về lý luận chính trị và chuyên môn, nghiệp vụ. Thống nhất chủ trương cử cán bộ đi đào tạo sau đại học phải đảm bảo đúng chuyên ngành được đào tạo ở bậc đại học hoặc lĩnh vực đang công tác, ưu tiên đào tạo những ngành, lĩnh vực mà tỉnh đang cần như du lịch, quy hoạch, xây dựng đô thị, giao thông, công nghiệp, khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao...
Quan tâm cử cán bộ nữ, cán bộ trẻ có triển vọng phát triển, đồng thời có chính sách thỏa đáng để khuyến khích, động viên cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn giỏi, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong mỗi giai đoạn.
Thực hiện chủ trương thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã giao cho Ban Tổ chức Tỉnh ủy nghiên cứu, triển khai xây dựng Đề án và ban hành Quy chế thực hiện thí điểm thi tuyển cán bộ lãnh đạo quản lý cấp phòng và tương đương ở các cơ quan Đảng, đoàn thể, Nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh nhằm từng bước đổi mới công tác cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI).
Đây là cơ sở để nghiên cứu, rút kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện việc thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương trong các đơn vị sự nghiệp công lập, tiến tới thi tuyển cán bộ lãnh đạo cấp sở, ngành và tương đương của tỉnh trong những năm tới.
Các cấp ủy, tập thể lãnh đạo các cơ quan, đơn vị cũng đã tiến hành rà soát, bổ sung, sửa đổi quy chế làm việc, nội quy, quy định của cơ quan, đơn vị theo đúng chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền; phân công rõ trách nhiệm, quyền hạn của tập thể, từng cá nhân, nhất là người đứng đầu và mối quan hệ công tác trong thực hiện nhiệm vụ; bố trí, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ trong cơ quan, đơn vị để phát huy tốt năng lực, sở trường công tác của từng cán bộ.
Theo đồng chí Trương Đức Lộc, TVTU, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, thời gian tới để đổi mới toàn diện công tác cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) cần tập trung triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp.
Cụ thể: Tiếp tục đổi mới đồng bộ các khâu trong công tác cán bộ, trước hết là đổi mới công tác đánh giá cán bộ, coi trọng đánh giá của cấp trưởng đối với cấp phó, đánh giá của người đứng đầu tổ chức đối với lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc; gắn đánh giá cán bộ theo định kỳ với việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4; khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, cục bộ, bè phái...
Thực hiện nề nếp công tác rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ hằng năm, đảm bảo phương châm "động" và "mở"; thông qua thực tiễn kịp thời phát hiện, bổ sung những cán bộ nữ, cán bộ trẻ được đào tạo cơ bản, có triển vọng phát triển đưa vào quy hoạch.
Đẩy mạnh công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý để đào tạo, thử thách; tiếp tục thực hiện chủ trương luân chuyển, bố trí một số chức danh cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương.
Tiếp tục thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong quy hoạch, gắn lý thuyết với thực hành, kỹ năng xử lý thực tiễn; chú trọng đào tạo cán bộ sau đại học, cán bộ nữ, cán bộ trẻ...
Quỳnh Thu