Đổi mới công nghệ: Bước đi "sống còn" của ngành dệt may
Thứ Năm, 15/04/2021, 07:27
Zalo
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta có gần 40 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động. Vốn là lĩnh vực có sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường, nên việc đổi mới, đưa công nghệ tiên tiến vào sản xuất được coi là bước đi quan trọng nhằm tăng sức cạnh tranh của sản phẩm và giảm lệ thuộc vào sự biến động của lực lượng lao động.
Đổi mới công nghệ: Bước đi "sống còn" của ngành dệt may
Công ty TNHH Great Global Internatinonal là một trong những công ty hoạt động trong lĩnh vực may mặc lớn nhất của tỉnh. Mỗi tháng, công ty xuất khẩu 1,2 triệu sản phẩm sang thị trường nước ngoài, trong đó chủ yếu là Mỹ.
Để đảm bảo được các đơn hàng đúng thời hạn, Công ty liên tục đăng tuyển lao động. Yêu cầu đối với lao động cũng khá đơn giản, người chưa biết việc sẽ được trực tiếp đào tạo nghề theo diện cầm tay chỉ việc. Tuy chủ động xây dựng chiến lược tuyển dụng liên tục để bổ sung nguồn lao động thiếu hụt, song cũng như nhiều doanh nghiệp khác, Công ty luôn đứng trước bài toán nan giải, đó là thiếu lao động, nhất là vào thời điểm đầu năm.
Ông Đinh Quốc Tuấn, Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Great Global Internatinonal chia sẻ, đặc thù trong ngành may mặc là tình trạng biến động lao động, nhất là vào dịp sau nghỉ Tết Nguyên đán. Hiện nay, công ty đang có gần 2.000 lao động. Để bù đắp lượng công nhân thiếu hụt sau khi nghỉ Tết, đồng thời đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất, công ty có nhu cầu tuyển dụng thêm hàng trăm lao động, trong đó chủ yếu là lao động phổ thông.
Tuy vậy, việc tuyển dụng lao động cũng chưa có nhiều khả quan. Theo lý giải của đại diện doanh nghiệp, hiện nay, người lao động có khá nhiều sự lựa chọn do có gần 40 doanh nghiệp lớn, nhỏ hoạt động trong lĩnh vực may mặc. Bởi vậy, để chủ động thực hiện các đơn hàng lớn, đảm bảo đúng thời hạn và chất lượng theo yêu cầu, một giải pháp được xem là "sống còn" của các doanh nghiệp may mặc, đó chính là đưa công nghệ hiện đại vào sản xuất, thay thế sức lao động của con người.
Dẫn chúng tôi đi thăm quan bộ phận máy tra vải, cắt vải tự động rất hiện đại, ông Đinh Quốc Tuấn, Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Great Global Internatinonal cho biết thêm: Đơn giản nhất như ở khâu tra vải này, trước đây, khi chưa có máy trải vải, các xưởng phải bố trí ít nhất 2 lao động để làm các thao tác trải vải. Nhưng hiện chỉ cần 1 người và năng suất gấp nhiều lần so với làm thủ công. Hay như máy cắt vải này, năng suất gấp hàng chục lần so với làm bắng sức lao động. Thêm vào đó, độ chuẩn xác trong cắt vải bằng máy rất cao, đáp ứng yêu cầu của bạn hàng. Ngoài ra, từ vài năm trở lại đây, công ty đã sử dụng máy thêu vi tính, đáp ứng được nhiều mẫu mã đa dạng của đơn hàng...
Ứng dụng công nghệ trong hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp may mặc. Ảnh: Minh Quang
Năm 2020, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19, song thu nhập của người lao động tại Công ty TNHH Nam @Co, CCN Đồng Hướng (huyện Kim Sơn) lại tăng chứ không giảm. Theo ông Lê Trí Hoạt, Giám đốc Công ty, những năm qua, thị trường tiêu thụ thu hẹp và "khó tính" hơn, ngành may mặc đứng trước sự cạnh tranh mang tính đào thải rất lớn.
Vì vậy, mỗi doanh nghiệp đòi hỏi phải có bước đi thận trọng để nâng cao uy tín, thương hiệu trên thị trường. Nếu như trước đây, 1.000 sản phẩm thì có quỹ thời gian là 10 ngày sản xuất, thì nay, thời gian rút ngắn lại còn 7-8 ngày. Thực tế này đòi hỏi doanh nghiệp phải có những thay đổi đột phá, nhất là việc ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Công ty đã đầu tư mua máy tra vai, máy cắt vải, máy trải vải, máy lập trình… đồng thời mời chuyên gia về tập huấn cho người lao động.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Hậu, Giám đốc Công ty TNHH May Vương Anh (huyện Nho Quan) khẳng định, trong lĩnh vực dệt may luôn có sự cạnh tranh lớn giữa các doanh nghiệp. Đăc biệt, khi các doanh nghiệp hướng tới xuất khẩu thì cuộc cạnh tranh không chỉ diễn ra giữa các doanh nghiệp trong nước mà còn giữa các doanh nghiệp Việt Nam với thế giới. Muốn tồn tại được, chúng tôi phải đổi mới công nghệ, tự động hóa các khâu, từ bổ túi, tra tay, vào cổ… nhằm giảm lao động trong các dây chuyền này. Việc ứng dụng công nghệ vừa giúp tăng năng suất lao động, rút ngắn thời gian giao hàng và ổn định mức lương cho người lao động.
Trong tổng số gần 40 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực may mặc ở tỉnh ta, đa số là các doanh nghiệp có quy mô vừa, hoạt động chủ yếu là gia công sản phẩm.
"Nếu đầu tư vào máy móc, thiết bị hiện đại cần số vốn lớn, đầu tư cao. Tuy nhiên, muốn giữ chân được người lao động thì phải đảm bảo được thu nhập, chế độ đãi ngộ tốt. Làm được những điều ấy thì giá thành sản phẩm phải nâng cao, doanh nghiệp sẽ gặp khó trong cạnh tranh trên thương trường. Vì thế, bắt buộc các doanh nghiệp phải đầu tư công nghệ để đạt lợi ích lâu dài"- ông Nguyễn Văn Hậu cho biết thêm.
Thực tế cho thấy, dệt may vẫn là ngành kinh tế mang lại nhiều triển vọng trong phát triển công nghiệp, giải quyết việc làm cho lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Theo ý kiến của nhiều chủ doanh nghiệp may mặc, ngoài tiếp tục đầu tư trang thiết bị, giải pháp đổi mới sản xuất trong thời gian tới là nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý kỹ thuật, công nghệ; tạo liên kết với các cơ sở nghề trên địa bàn nhằm đào tạo được đội ngũ nhân lực có tay nghề, đáp ứng yêu cầu đổi mới công nghệ trong ngành dệt may.