Vào một ngày cuối năm, chúng tôi đến xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp - một vùng đất đồi núi khô cằn, sản xuất nông nghiệp gặp vô vàn khó khăn. Tuy nhiên, những nông sản tại đây đang được người tiêu dùng ưa chuộng bởi chúng đa phần được nuôi trồng tự nhiên, không chất kích thích, không có dư lượng hóa chất độc hại, chất bảo quản...
Từ nhu cầu của thị trường, qua các năm, các hộ nông dân ngày càng chủ động kế hoạch sản xuất hàng hóa cho dịp cuối năm. Càng gần Tết, không khí càng nhộn nhịp, mặc dù vất vả thức đêm chăm bón cho vườn cây hay chăm sóc đàn dê, gà, ao cá… bán Tết nhưng ai cũng vui vẻ khi có thêm thu nhập để ngày Tết đầm ấm, vui tươi.
Anh Trịnh Văn Đàm, Chủ tịch HĐQT HTX sản xuất hương xuất khẩu và dịch vụ thương mại Đàm Thiếp bật mí: Năm nay, 18 thành viên của HTX đã chuẩn bị khoảng 5 nghìn con gà giống đặc biệt, đó là gà mía Đường Lâm. Giống gà này có đầu nhỏ, mình vuông. Thịt gà Mía thơm, có vị ngọt, đậm, không mềm, nhũn như thịt gà công nghiệp nhưng cũng không dai quá như gà ta. Da gà ăn rất giòn, nhất là gà trống thiến.
Đặc biệt, gà được chúng tôi nuôi thả vườn, thời gian nuôi hơn 9 tháng (gấp đôi, gấp ba thời gian nuôi gà bình thường) lại cho ăn cả thức ăn xanh (rau, củ, quả…), thóc, cám gạo, ngô nghiền, các loại khoáng, vitamin… nên sẽ bảo đảm khỏe mạnh và ngon. Ngoài gà, HTX có các sản phẩm truyền thống như thịt dê núi, hươu, lợn rừng, nhím, cá trắm đen, toàn bộ được nuôi bằng thức ăn có sẵn trong tự nhiên, không cám công nghiệp.
Cũng ở Đông Sơn, gia đình bà Phạm Thị Nứa, thôn 12 đang "ém" một vườn bưởi hơn 500 gốc với hàng vạn quả đang kỳ vào "mã đẹp". Bà Nứa cho biết: 2 ha bưởi nhà bà đều trồng bằng các giống bưởi ngon như da xanh, đỏ Tân Lạc, Diễn. Tuy mới trồng được 3-4 năm nhưng do chăm sóc đúng cách nên các cây đều sai quả, quả to, mã đẹp. Đặc biệt, có lẽ do chất đất, khí hậu, đủ nắng, đủ gió… nên chất lượng bưởi rất tốt, tép bưởi giòn, ngọt, đậm đà và rất thơm.
Được biết, đây là năm đầu tiên gia đình bà Nứa có bưởi với số lượng lớn xuất bán. Tuy nhiên, khoảng hơn 1 tháng nay, đã có rất nhiều thương lái tìm đến đặt vấn đề mua. Với mức giá bình quân 20 nghìn đồng/1 quả, dự tính Tết này gia đình sẽ có một cái Tết "to".
Tranh thủ thời tiết thuận lợi, hiện bà con nông dân các xã trọng điểm trồng rau của huyện Yên Khánh cũng đang tập trung chuẩn bị nguồn hàng dồi dào cung ứng cho thị trường Tết...
Ông Nguyễn Văn Hội, hộ trồng rau HTX Yên Lạc, xã Khánh Hồng chia sẻ: đối với những người chuyên trồng rau màu thì vụ rau phục vụ Tết Nguyên đán rất quan trọng, bởi giá bán thường cao hơn ngày thường từ 30 đến 40% và dễ tiêu thụ. Vì thế, người dân chuẩn bị rất chu đáo.
Để su hào có thể thu hoạch đúng dịp Tết, từ đầu tháng 11 (âm lịch) gia đình ông đã xuống giống; còn như bắp cải, cà rốt phải trồng trước Tết từ 3-4 tháng; xà lách, rau thơm thì giờ mới bắt đầu trồng. Thời tiết những ngày qua rét đậm, rét hại, lại có mưa lớn làm các loại rau bị chững lại, nhất là những loại rau ăn lá.
Anh Tống Mạnh Hiền, Chủ tịch HĐQT HTX Yên Lạc, xã Khánh Hồng cho biết: ở vùng này, bà con trồng rau quanh năm, mùa nào thức nấy. Tuy nhiên vào dịp Tết, nhu cầu tiêu thụ cao nên bà con trồng nhiều loại rau hơn, ưu tiên những loại rau củ được tiêu thụ mạnh như súp lơ, cà rốt, su hào, xà lách, dưa leo, các loại rau gia vị…
Hiện, HTX vẫn đang chỉ đạo hướng dẫn bà con sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, số lượng, chất lượng cung ứng ra thị trường.
Một loại thực phẩm khác không thể không có trong mâm cơm của mỗi gia đình người Việt đó là thịt lợn. Thời gian qua, giá thịt lợn giảm sâu, khó tiêu thụ khiến người chăn nuôi bị thua lỗ nặng. Nhiều hộ đã phải loại thải đàn, treo chuồng hoặc chuyển sang chăn nuôi các đối tượng khác.
Tuy nhiên, từ đầu tháng 4, giá lợn hơi đã tăng làm cho chăn nuôi phục hồi tích cực, người dân đưa nhiều giống mới có năng suất cao, chất lượng thịt tốt vào chăn nuôi, cho nên sản lượng thịt vẫn tăng.
Đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, để chuẩn bị nguồn nông sản phục vụ Tết, Sở đã phối hợp các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn nông dân gieo trồng đúng lịch thời vụ; tập trung chăm sóc để cây trồng sinh trưởng, phát triển nhanh, tăng sức chống chịu sâu bệnh và điều kiện thời tiết không thuận lợi; chủ động các phương án phòng, chống sâu bệnh trên cây trồng; phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.
Nhờ đó, nguồn nông sản khá dồi dào. Thời gian này, đơn vị đang tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành nghiêm túc các quy định trong sản xuất nông sản, thực phẩm sạch, an toàn.
Hà Phương