Dấn thân Năm 1990, chàng trai trẻ Vũ Văn Nga xuất ngũ được chuyển ngành về một cơ quan Nhà nước, trong mắt anh cuộc sống lúc đó là "thiên đường". Nhưng cái vỏ bọc "công việc ổn định ở cơ quan Nhà nước" nhanh chóng bị sụp đổ khi anh lấy vợ mà đồng lương chỉ vẻn vẹn 200.000đồng/tháng, không đủ lo cơm 3 bữa cho vợ con.
Cuộc sống khó khăn khi đó phân hóa rõ ràng 2 luồng tư tưởng, một là nhóm tư tưởng kiên định với con đường bám trụ vào cơ quan Nhà nước và một luồng tư tưởng mới là quyết tâm thử sức trong thương trường. Vũ Văn Nga đã chọn con đường khó khăn là xin nghỉ việc tự túc tại Công ty Vật tư nông nghiệp huyện Gia Viễn, tự mình bươn chải cuộc sống mặc cho sự phản đối quyết liệt của cả gia đình.
Bước chân vào thương trường, anh lăn lộn đủ nghề từ kinh doanh, sản xuất phân bón, vật liệu xây dựng, đồ nhựa… bất kỳ mặt hàng nào có lãi anh đều làm. Trải qua rất nhiều nghề, nhưng cuối cùng anh tự nhận thấy "mình con nhà nông, kinh doanh những sản phẩm nông nghiệp là phù hợp nhất vì vừa có kinh nghiệm, lại có niềm đam mê". Mặc dù sản phẩm nông nghiệp lãi thì ít, vất vả thì nhiều nhưng ngay từ khi đó anh Nga đã xác định được con đường mà mình sẽ "dấn thân".
Năm 2002, đang lúc con đường kinh doanh dần định hình thì bố anh về hưu và mong muốn của ông là anh tiếp tục nối bước con đường ông đã chọn. Thời điểm đó, cơ chế thị trường bắt đầu bung ra, nhiều công ty Nhà nước làm ăn thua lỗ. Nhà nước cũng bắt đầu có chủ trương cổ phần hóa các doanh nghiệp nên anh quyết định quay lại công ty. Nhưng đến năm 2008, Công ty mới cổ phần 100% cho cổ đông. Khi đó doanh thu của Công ty mỗi năm chỉ đạt vài tỷ đồng, bản thân lương Phó giám đốc Công ty như anh được 1,2 triệu đồng/tháng.
Sức trẻ cộng với kinh nghiệm tích lũy trong hơn 10 năm lập nghiệp nên suy nghĩ của anh thực sự đổi mới. Anh Nga tâm sự: Khi tiếp quản Công ty, việc đầu tiên tôi làm là xây dựng ngay một Trung tâm nghiên cứu giống AIQ với slogan "sản phẩm nông nghiệp thông minh". Trung tâm đã tuyển những kỹ sư chất lượng cao về làm việc với nhiều ưu đãi. Sau 3 năm hoạt động, Trung tâm đã nghiên cứu thành công hàng chục bộ giống lúa, ngô mới chất lượng, năng suất cao.
Bên cạnh đó, những dòng lúa đặc sản nổi tiếng của miền Bắc ngày xưa như Tám, Dự, Nếp cái Hoa vàng đã được phục tráng. Nhiều dòng lúa Nhật Japonica được nhập về để nghiên cứu. Anh Nga cho biết: "Bước đi đầu tiên của Công ty là sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP tiến tới sản xuất các dòng gạo thảo dược, gạo hữu cơ với hàm lượng Omega 3,6,9, sắt cùng các vi chất dinh dưỡng rất cao, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng".
Cũng thời điểm này, anh mua lại hàng loạt các công ty Nhà nước như: Xí nghiệp in Ninh Bình, Trại lợn Đồng Giao, Công ty may 27-7, Công ty xuất khẩu Ninh Bình… Thời điểm đó, phần lớn các công ty đều làm ăn thua lỗ, cơ sở hạ tầng xuống cấp nên nhiều người rất sợ ôm vào. Bằng chiến lược và cách đi của mình, anh đã đưa các công ty dần ổn định và phát triển vững vàng trong cơ chế thị trường, tất cả các công ty đều hồi sinh, mọi người có việc làm ổn định.
Anh Nga cho biết: "Bản thân tôi gần như chưa nhận được một đồng cổ tức nào, nhưng điều tôi vui nhất là khi mọi người có việc làm và đảm bảo mọi quyền lợi như Bảo hiểm xã hội và các quyền lợi khác".
Năm 2011, anh chính thức hợp nhất các công ty xí nghiệp trên thành Công ty cổ phần, Tổng công ty Giống cây trồng và con nuôi Ninh Bình và Tổng giám đốc chính là Chủ tịch Hội đồng quản trị của 5 công ty thành viên. Hiện sản phẩm của Công ty có mặt ở 50 tỉnh, thành phố trong cả nước, được xếp trong top 10 của các công ty giống trên toàn quốc.
Khi lời hứa thành hiện thực
Anh Nga kể lại: Vài năm trước khi nghe anh ấp ủ về câu chuyện xây dựng cánh đồng khép kín mà ở đó nông dân được doanh nghiệp đầu tư giống, phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, tư vấn kỹ thuật, được thu mua sản phẩm, trả tiền tươi ngay tại bờ ruộng, nhiều người đã không tin, cho rằng anh chỉ "nói cho vui". Họ nghi ngờ là có cơ sở bởi nhiều cánh đồng lớn trong nước đã thất bại hoàn toàn ở khâu bao tiêu sản phẩm, thì làm sao mà một công ty vừa mới "thoát xác" khỏi cơ chế bao cấp có thể đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nông sản cỡ lớn.
Giờ thì mọi thứ đã hiện ra như một minh chứng: Vũ Văn Nga không nói cho vui. Để bao tiêu đầu ra cho sản phẩm, một nhà máy chế biến nông sản hiện đại với tổng vốn đầu tư 87 tỷ đồng đã được xây dựng tại xã Khánh An, Yên Khánh. Công nghệ của nhà máy này được các chuyên gia đánh giá là đứng đầu miền Bắc với công suất lên đến 35.000 tấn/năm. Nhà máy được ứng dụng hệ thống quản lý chuẩn ISO 22.000:2005 tiến tới là chuẩn châu Âu.
Nhà máy chế biến nông sản của Công ty cổ phần, Tổng công ty Giống cây trồng và con nuôi Ninh Bình với tổng vốn đầu tư 87 tỷ đồng đã được xây dựng tại xã Khánh An, Yên Khánh.
Khi Nhà máy chế biến nông sản lớn nhất miền Bắc đi vào hoạt động, con đường mà anh Nga lựa chọn mới dần sáng tỏ, người nông dân bắt đầu tin tưởng, chuỗi giá trị dần định hình mỗi lúc một chi tiết với đầu vào là cung ứng giống, phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học, còn đầu ra là tổ chức sấy, chế biến, bảo quản, tìm đối tác trong và ngoài nước để bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân. Mặc dù mới chỉ là bước đầu, sản phẩm của anh xuất đi thị trường chỉ chiếm một thị phần khiêm tốn. Nhưng đây chính là chuỗi giá trị sản phẩm là chiến lược mà doanh nhân Vũ Văn Nga hằng đeo đuổi.
Bước vào thời kỳ tăng tốc
Anh Vũ Văn Nga phân tích: "Trước đây hạt gạo miền Bắc bị ảnh hưởng nhiều bởi thị trường Trung Quốc. Nếu cứ mãi phụ thuộc vào thị trường này thì người ta "hắt hơi" là mình sẽ "ốm nặng". Hạt gạo phải tìm đến những thị trường xa hơn, lớn hơn, mạnh hơn Trung Quốc.
Chính vì thế mà chúng tôi hướng đến thị trường xuất khẩu cao cấp như Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc… và tiêu thụ ở các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước. Hiện doanh nghiệp đã xây dựng 2 chi nhánh ở nước ngoài, mỗi tháng chi phí cho chi nhánh hoạt động lên đến 10.000 USD. Theo anh thì sản xuất ứng dụng công nghệ cao và tìm kiếm thị trường phù hợp là 2 mũi tên để anh tiến sâu vào hội nhập.
Quan điểm của anh khi tham gia hội nhập, ngoài xây dựng được mặt hàng chiến lược thì trên thương trường phải giành thế chủ động. Anh Nga chia sẻ: Nhiều doanh nghiệp khi nghĩ đến hội nhập là rất sợ, đây thực sự là cuộc chiến với các "ông lớn". Nhưng nếu mình biết kết hợp với nhau, chủ động hội nhập thì sẽ không sợ thất bại.
Chính vì vậy, tôi không ngồi nhà đợi khách hàng tìm đến mà tôi sẽ mang sản phẩm của mình đến từng "ngõ ngách" của thị trường thế giới. Tôi tin sẽ tìm được một chỗ đứng phù hợp cho "Sản phẩm nông nghiệp thông minh" của mình.
Theo anh, trong sân chơi hội nhập quốc tế, vai trò của người "thuyền trưởng" mới thực sự được khẳng định. Nếu người thuyền trưởng không đủ dũng khí và tài năng thì con thuyền sẽ chệch hướng và lật đổ. Nhưng một người thuyền trưởng có tầm phải biết đứng lên từ những thất bại, chấp nhận làm lại từ đầu.
Giám đốc Vũ Văn Nga khẳng định: Chặng đường gần 10 năm qua chỉ là bước chuẩn bị. Năm 2016 sẽ là năm Công ty bước vào thời kỳ tăng tốc. "Tôi hy vọng dòng máu nóng đang chảy trong tôi có thể truyền đến được với các con, với toàn thể cán bộ, công nhân trong Công ty để mọi người sát cánh bên tôi, cùng tôi đưa sự nghiệp của Công ty lên tầm cao mới".
Bài, ảnh: Nguyễn Thơm