Từ nay đến cuối năm là thời điểm cơ sở thêu Minh Trang bận bịu. Cũng vì các gói hợp đồng, nhất là hàng thủ công, quần áo thời trang, chăn tơ tằm vào dịp tiết trời lạnh hơn, mặt hàng được dùng trong dịp Tết truyền thống của một số nước Châu á. Các kiện hàng nguyên liệu được tập kết, chất ngất ngưởng đến chấm mái kho, xếp kín cả lối đi lại trong khu xưởng, ai cũng ngầm hiểu được một khối lượng lớn công việc đang chờ người làm…
Hiện cơ sở Minh Trang có hơn chục cơ sở vệ tinh ở 10 xã lân cận và thành phố Ninh Bình. Anh Nguyễn Hữu Vĩnh, người vừa giao hàng ở xã Ninh Giang (Hoa Lư) về cho biết: Hợp đồng chăn xuất đi châu Âu cần khoảng 300-350 nhân công làm đều trong 2 tháng (cần khoảng 18 đến 20 nghìn ngày công thợ), còn hợp đồng gần 3.000 sản phẩm áo thời trang xuất đi Nhật Bản phải cần 100 tay kim giỏi cũng làm trong khoảng gần 6 tháng (khoảng 18 nghìn ngày công thợ).
Anh Vũ Văn Tòa, tổ vẽ và thiết kế mẫu chia sẻ: Đối với mẫu hàng quần áo thời trang Nhật Bản, cùng với nguyên liệu, gồm: chỉ thêu, vải nguyên liệu, phụ kiện,… họ còn gửi bản vẽ cụ thể cho từng mốt (model). Mọi người trong tổ, tập trung đọc bản vẽ tổng thể, bản vẽ chi tiết: Ví dụ, một cánh hoa, phiến lá phải đủ bao nhiêu mũi kim, chỉ màu gì…
Tìm hiểu, chúng tôi được biết: Cũng là hàng thêu, nhưng cơ sở của chị Yến là hàng thêu-rua… mặt hàng đòi hỏi tính kỹ thuật cao. Từ mảnh vải, người thợ dùng những chiếc kéo nhỏ, chiếc dao nhỏ xíu nhẹ nhàng, khéo léo chích, rút từng sợi vải…, sau đó dùng chỉ đan thành những bông hoa, những cánh lá theo yêu cầu bản vẽ của những sản phẩm đơn chiếc quần, áo, khăn… Giới trong nghề gọi là hen-mết (handmade - tiếng Anh) được hiểu là nhóm sản phẩm chỉ có thể làm bằng tay. Điều này cũng cho thấy độ khó về kỹ, mỹ thuật, sự tỷ mỷ, chính xác mà chưa có máy móc nào có thể làm thay được.
Với trên 20 tay kim lành nghề, cơ sở của chị Yến là địa chỉ luôn làm hài lòng khách hàng khó tính đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc. Sự uy tín về kỹ, mỹ thuật và tiến độ giao hàng tạo cho khách hàng yên tâm đặt cọc trước từ 30 đến 50% giá trị thanh toán mà không cần sang Ninh Bình (Việt Nam) kiểm đếm, nhận hàng…
Trao đổi với chị Hòa, tổ may chăn tơ tằm xuất khẩu, được biết: Mỗi ngày, công thợ thu nhập trên 100 nghìn đồng, bình quân hàng tháng cũng thu nhập 3-3,2 triệu đồng. Những ngày làm tăng ca, các thợ nhà xa, cơ sở chị Hồng Yến sẽ hỗ trợ 2 bữa (trưa, tối), nhà ở gần 1 bữa. Nếu khoán sản phẩm, có tay kim giỏi có thể thu nhập ngày công đạt gần 200 nghìn đồng.
Chị Hồng Yến cho biết thêm: Cơ sở có các tổ vẽ và thiết kế mẫu, tổ may, tổ kho và thu hóa… ở các khâu vận hành khá nhịp nhàng bởi thành viên trong mỗi tổ có ý thức tự giác làm việc và khá đoàn kết... Từ nhiều năm nay, cơ sở tạo việc làm thường xuyên cho 40 nhân công làm việc trực tiếp, hàng tháng thu nhập bình quân mỗi nhân công đạt trên 3 triệu đồng.
Doanh thu 9 tháng qua, cơ sở đã đạt 5 tỷ đồng (năm 2013 đạt 6,1 tỷ đồng). Nếu tính cả các hợp đồng đang thực hiện, hết năm nay, Minh Trang cũng đạt ước tính trên 15 tỷ đồng. Đợt này, cơ sở đang thực hiện các hợp đồng chăn tơ tằm và quần áo thời trang… nên huy động tới các cơ sở vệ tinh ở nhiều địa phương lân cận, tạo được việc làm cho gần 300 nhân công từ 2 đến 6 tháng….
Nghề thêu tay truyền thống đang trong giai đoạn trầm lắng, có phần giảm sút do có sự cạnh tranh của mặt hàng sản xuất hàng loạt bằng máy móc, thì ở Ninh Hải vẫn còn những người yêu nghề, tìm mọi cách để truyền nghề, giữ nghề thêu truyền thống đã có từ hàng trăm năm qua, như chị Hồng Yến là rất quý. Chị đã được tặng nhiều danh hiệu: "Nghệ nhân nghề thêu truyền thống", "Bàn tay vàng…", chị còn là đại biểu HĐND huyện Hoa Lư. Nay giới làm nghề thêu nhiều người còn gọi chị là "doanh nhân làng nghề thêu" .
Bài, ảnh: Minh Đường