Năm 2013, Nhà nước đã có hàng loạt các chính sách để "cứu nguy" cho doanh nghiệp như: gia hạn nộp thuế, hỗ trợ thị trường giải quyết hàng tồn kho, giảm lãi suất tín dụng ngân hàng, đặc biệt ưu đãi tín dụng đối với các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực: xuất khẩu, nông nghiệp-nông thôn, công nghiệp phụ trợ… Những chính sách này đã có hiệu ứng, doanh nghiệp đã dần ổn định về tài chính. Song đây chưa phải là yếu tố then chốt để doanh nghiệp có thể phục hồi trở lại.
Ông Nguyễn Mạnh Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Thiên Trường An cho biết: Trước sự ngưng trệ của thị trường, giải pháp của nhiều doanh nghiệp là co hẹp sản xuất, kinh doanh, thắt lưng buộc bụng, tiết kiệm mọi chi phí. Công ty Thiên Trường An cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó. Tuy nhiên giải pháp của chúng tôi đó là mở rộng các lĩnh vực kinh doanh: Mở cửa hàng kinh doanh xăng dầu và sản xuất cột bê tông. Đây là hai lĩnh vực kinh doanh gần với ngành kinh doanh chính là cung cấp bê tông tươi của Thiên Trường An. Cửa hàng kinh doanh xăng dầu đi vào hoạt động thì mỗi tháng công ty sẽ tiết kiệm được chi phí đáng kể nguyên liệu xăng dầu cho vận hành máy móc và vận tải.
Bên cạnh đó, với uy tín của công ty chuyên cung cấp bê tông cho các công trình lớn của Quốc gia thì sản phẩm cọc bê tông đưa ra thị trường sẽ sớm được khách hàng chấp nhận. Cùng với đó, Công ty vẫn tiếp tục theo đuổi chiến lược kinh doanh là: hỗ trợ khách hàng, chia sẻ thành công và xây dựng thương hiệu bằng cạnh tranh chất lượng. Cơ hội sẽ luôn tìm đến với những doanh nhân không ngừng học hỏi, tìm tòi, thử nghiệm. Khả năng thành công sẽ được nhân lên nhiều lần nếu các doanh nhân tích hợp được sự mới lạ trong tư duy, phương pháp và mô hình kinh doanh.
Ông Đinh Quốc Chiến, Giám đốc công ty giấy Tiến Dũng cho biết: Công ty tiếp tục duy trì và tập trung vào thị trường nội địa đa dạng hóa các sản phẩm. Công ty không ngừng nghiên cứu những dòng sản phẩm đáp ứng cho thị trường cao cấp, song vẫn duy trì dòng sản phẩm tốt, đáp ứng cho đối tượng người tiêu dùng thu nhập trung bình - thấp. Để thực hiện chiến lược kinh doanh, Công ty đã tiết giảm tối đa các chi phí và cải tiến công nghệ để tránh lãng phí, tiết kiệm nguyên nhiên liệu, chấn chỉnh, kiểm soát các khâu sản xuất để đảm bảo chất lượng sản phẩm, mục tiêu là hạ giá thành sản phẩm đến mức thấp nhất và tiêu thụ được nhiều sản phẩm nhất.
Mục tiêu kinh doanh của Công ty luôn song hành với trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp thông qua việc áp dụng quy trình công nghệ sản xuất vừa an toàn cho công nhân, vừa an toàn cho người tiêu dùng, vừa không ô nhiễm môi trường. Hiện Công ty đang tạo việc làm cho gần 100 lao động với mức lương trung bình khoảng 4 triệu đồng/người. Công ty sẽ nỗ lực để công nhân có thu nhập ổn định cuộc sống gia đình, gắn bó lâu dài với Công ty. Bên cạnh đó, Công ty vẫn duy trì tốt hoạt động của tổ chức công đoàn, các hoạt động phúc lợi xã hội và đóng bảo hiểm đầy đủ cho công nhân. Công tác bảo vệ môi trường, bảo đảm đời sống cho người lao động được Công ty hết sức chú trọng và cũng chính là việc làm quan trọng để dẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tạo nên "sức sống" cho mỗi sản phẩm giấy mang thương hiệu giấy Tiến Dũng.
Đinh Chúc