Các cấp hội trong tỉnh coi nhiệm vụ xây dựng, củng cố tổ chức Hội vững mạnh là điều kiện đầu tiên có ảnh hưởng và quyết định tới việc hoàn thành các nhiệm vụ khác. Vì vậy, phát huy kết quả đạt được trong nhiệm kỳ trước, ngay từ đầu nhiệm kỳ II, Hội đã tập trung vào việc xây dựng và củng cố tổ chức Hội bằng những việc cụ thể như: Phát triển hội viên, chú trọng kết nạp những nạn nhân có đủ điều kiện (về trí tuệ và sức khỏe) vào Hội, đồng thời vận động kết nạp những hội viên danh dự, những mạnh thường quân vào Hội.
Trong nhiệm kỳ đã phát triển được 1.760 hội viên, nâng tổng số hội viên đến tháng 7/2018 là 6.572 hội viên (trong đó, nạn nhân là 5.082 người: nạn nhân trực tiếp là 3.191 người; nạn nhân gián tiếp là 1.891 người). Kiện toàn, bổ sung 66 trường hợp là ủy viên Ban Chấp hành Hội các cấp. Tư vấn giúp đỡ người tham gia kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc da cam hoàn chỉnh hồ sơ để đề nghị và được ngành Lao động, Thương binh và Xã hội ra Quyết định hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng cho 464 trường hợp; phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức 2 lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ Hội từ cơ sở đến tỉnh; mỗi lớp 1 ngày có trên 200 người tham dự).
Nội dung chủ yếu tập trung quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị 17-CT/TW của Bộ Chính trị "Về tiếp tục đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội quần chúng"; Chỉ thị 43-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thông tri số 25-TT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả của chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam", những nội dung cơ bản của Nghị định 31/2013/NĐ-CP của Chính phủ "Quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành của một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng" và một số vấn đề về nghiệp vụ công tác Hội.
Trong nhiệm kỳ qua, công tác tuyên truyền được chú trọng, phong trào thi đua phát triển rộng khắp và đạt được hiệu quả tích cực. Hội các cấp đã thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng, các đoàn thể liên quan, cơ quan báo chí địa phương và Trung ương đứng chân trên địa bàn tỉnh, tuyên truyền hậu quả của thảm họa da cam ở Việt Nam, tuyên truyền về hoạt động của các cấp Hội, gương các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân ủng hộ giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, gương vượt khó vươn lên của nạn nhân, cung cấp các hoàn cảnh nạn nhân chất độc da cam cần sự giúp đỡ…
- Đặc biệt trong nhiệm kỳ, Tỉnh hội đã phối hợp với ủy ban MTTQ tỉnh, Sở Văn hóa và Thể thao, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tổ chức 2 lần chương trình truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình tỉnh với các chủ đề "Tri ân những tấm lòng nhân ái"; "Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam" (vào các năm 2012 và 2016 nhân kỷ niệm 50 năm và 55 năm thảm họa da cam ở Việt Nam) nhằm tuyên truyền tới mọi tầng lớp nhân dân hiểu sâu sắc hơn về hậu quả thảm họa da cam do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam; chính sách của Đảng, Nhà nước, của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với đối tượng người có công, trong đó có nạn nhân chất độc da cam; kết quả hoạt động của Hội và sự ủng hộ giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân… "Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam", thông qua đó tiếp tục kêu gọi sự ủng hộ, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam. Tại các chương trình truyền hình trực tiếp, Hội đã nhận được sự ủng hộ trên 4,5 tỷ đồng để có nguồn kinh phí chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam.
Phong trào thi đua "Vì nạn nhân chất độc da cam" của Hội luôn được phát động thực hiện hàng năm gắn với các phong trào thi đua "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư"; "Xây dựng nông thôn mới"; "Dân vận khéo" đạt hiệu quả. Kỷ niệm 10 năm thành lập Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh, 55 năm thảm họa da cam ở Việt Nam, Ban Chấp hành Tỉnh hội đã tổ chức hội nghị thi đua lần thứ II, sơ kết 5 năm thực hiện phong trào thi đua giai đoạn (2011-2016), biểu dương khen thưởng các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, gương vượt khó vươn lên của các gia đình nạn nhân, tặng bằng tri ân những tổ chức, cá nhân, những nhà hảo tâm đã giúp đỡ, ủng hộ nạn nhân chất độc da cam. Tại hội nghị, Hội Nạn nhân chất độc da cam/đioxin tỉnh đã đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba.
Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, các cấp hội đã phát huy tốt chức năng tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương thông qua việc nắm chắc tình hình nạn nhân để tham mưu đúng và trúng việc chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng. Nhân ngày lễ, tết, ngày 10/8- Ngày vì nạn nhân chất độc da cam hàng năm, Hội đã tham mưu và được lãnh đạo tỉnh chấp thuận tổ chức các đoàn do lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, ủy ban MTTQ tỉnh làm trưởng đoàn đi thăm và tặng quà cho các gia đình nạn nhân đặc biệt khó khăn. Các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm cùng lãnh đạo Tỉnh hội, huyện hội đi thăm, tặng quà các gia đình nạn nhân còn lại. Những năm gần đây, Hội đã phấn đấu bảo đảm 100% các gia đình nạn nhân (cả trực tiếp và gián tiếp) đều được thăm hỏi và tặng quà.
Trong nhiệm kỳ II, toàn tỉnh tiếp nhận được 32.693.660.000 đồng; có 100.646 lượt nạn nhân được thăm hỏi, tặng quà với số tiền 29.078.000.000 đồng. Trong đó, thăm và tặng quà dịp lễ, tết, ngày 10/8 và trợ cấp đột xuất: 98.582 suất quà, trị giá 20.260.000.000 đồng; làm mới và sửa chữa nhà cho 110 hộ với số tiền 7.506.000.000 đồng; hỗ trợ vốn sản xuất: 78 hộ với số tiền 624.000.000 đồng; cấp tặng xe lăn: 135 chiếc với số tiền 117.000.000 đồng; khám bệnh, tư vấn, cấp thuốc miễn phí: 1.576 suất với số tiền 368.000.000 đồng; hỗ trợ học bổng cho con, cháu nạn nhân: 165 suất với số tiền 174.600.000 đồng. Ngoài số tiền thăm hỏi, tặng quà trên, còn vận động xây dựng quỹ hội toàn tỉnh hiện còn dư đến cuối nhiệm kỳ là 3,6 tỷ đồng, trong đó cấp tỉnh còn gần 1 tỷ đồng, cấp huyện và cơ sở còn hơn 2,6 tỷ đồng.
Có thể nói nhiệm kỳ qua, các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin tỉnh Ninh Bình đã nỗ lực phấn đấu, triển khai hoạt động toàn diện, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, vận động chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân. Đạt được những kết quả trên là do, Hội đã tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo và quan tâm tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương Hội nạn nhân chất độc da cam/điôxin Việt Nam. Ban Chấp hành và đội ngũ cán bộ Hội các cấp đã phát huy được vai trò chủ động tham mưu, đề xuất và có sự đoàn kết, thống nhất của tập thể, biết chỉ đạo tập trung thực hiện các nội dung cụ thể phù hợp với từng giai đoạn và thời điểm thích hợp.
Đội ngũ cán bộ hội chuyên trách hầu hết là cán bộ đã nghỉ hưu, đã tham gia công tác ở Hội CCB nên có kinh nghiệm trong công tác vận động quần chúng, có phẩm chất đạo đức, nhiệt tình và trách nhiệm. Trong những năm gần đây, Đảng, Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách quan tâm chăm lo đến người có công, trong đó có nạn nhân chất độc da cam, thông qua công tác tuyên truyền, vận động, cộng đồng xã hội đã có nhận thức và hành động "Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam" tốt hơn, vì vậy đã động viên, tạo niềm phấn khởi, khắc phục khó khăn của nạn nhân chất độc da cam để vươn lên trong cuộc sống và các gia đình nạn nhân không mặc cảm với số phận để hòa nhập cộng đồng, tích cực tham gia các hoạt động của Hội và tham gia các phong trào, các cuộc vận động ở địa phương.
Với kết quả hoạt động trên, năm 2016 Tỉnh hội đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; 1 tập thể và 1 cá nhân được Chính phủ tặng Bằng khen; nhiều tập thể, cá nhân được ủy ban MTTQ Việt Nam, UBND tỉnh, Trung ương Hội tặng Bằng khen.
Nhiệm kỳ III (2018-2023) sẽ còn nhiều khó khăn, thử thách mới, các cấp Hội nạn nhân chất độc da cam/điôxin tỉnh Ninh Bình quyết tâm xây dựng Hội vững mạnh, phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu Đại hội đề ra, xứng đáng với niềm tin cậy của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Với phương châm hoạt động "Đoàn kết- Nghĩa tình- Trách nhiệm- Vì nạn nhân chất độc da cam", để Hội thực sự là mái nhà chung cho nạn nhân chất độc da cam.
Tạ Quang Chính
UVT.Ư Hội, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Ninh Bình