Một trong những hoạt động nổi bật của Đoàn ĐBQH tỉnh trong nhiệm kỳ qua đó là công tác xây dựng pháp luật. Quốc hội khóa XIV là nhiệm kỳ có số lượng luật được ban hành tương đối lớn. Vì vậy, việc tham gia ý kiến của Đoàn đối với các dự án luật, dự thảo Nghị quyết không chỉ đòi hỏi cao về chất lượng mà còn đòi hỏi cao về công sức và yêu cầu khẩn trương về thời gian. Do đó, hàng năm, căn cứ vào chương trình công tác xây dựng luật của Quốc hội, trên cơ sở chuyên môn được đào tạo của các đại biểu, Đoàn đã phân công cụ thể để đại biểu có sự chủ động trong công tác nghiên cứu thực tiễn, thu thập ý kiến của cử tri, các cơ quan chuyên môn, chuyên gia và các cộng tác viên để chuẩn bị ý kiến tham gia vào các dự án luật. Với mỗi dự án luật, Đoàn đều tổ chức lấy ý kiến các ĐBQH, các sở, ban, ngành, địa phương và các chuyên gia bằng nhiều hình thức như: Tổ chức hội nghị để các đại biểu trực tiếp đóng góp ý kiến; lấy ý kiến của các cơ quan có liên quan đến phạm vi điều chỉnh của luật bằng hình thức gửi văn bản; qua tiếp xúc cử tri gợi mở các vấn đề cử tri quan tâm, các vấn đề còn ý kiến khác nhau trong thảo luận để cử tri góp ý; tổ chức khảo sát thực tiễn thi hành luật, tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi để có cơ sở cho việc tham gia góp ý sửa đổi, bổ sung phù hợp... Trên cơ sở đa dạng các hình thức thu thập thông tin, Đoàn đã tổng hợp làm tư liệu nghiên cứu cho các đại biểu tại kỳ họp. Vì vậy, tại các kỳ họp Quốc hội khóa XIV, nhiều ý kiến tham gia đóng góp xây dựng pháp luật của Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình với những lập luận sắc sảo, có cơ sở lý luận, khoa học và thực tiễn, nhiều ý kiến được Quốc hội, các cơ quan soạn thảo tiếp thu, ghi nhận, đánh giá cao.
Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình tiếp tục để lại những dấu ấn tốt đẹp trong cử tri và Quốc hội với những hoạt động đầy trách nhiệm, tâm huyết của các đại biểu tại nghị trường. Với tinh thần trách nhiệm cao, tâm huyết và bản lĩnh, các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình đã tích cực, sôi nổi thảo luận, tranh luận, chất vấn thể hiện quan điểm, chính kiến, tham gia góp ý kiến vào hầu hết các nội dung tại các kỳ họp, góp phần cùng với Quốc hội hoàn thành tốt nội dung, chương trình của mỗi kỳ họp. Trong nhiệm kỳ, đã có 285 ý kiến phát biểu tham gia thảo luận, trong đó, có 86 lượt ý kiến phát biểu, tranh luận tại hội trường và 176 ý kiến phát biểu tại tổ, 23 ý kiến gửi đến Tổng thư ký Quốc hội. Nhiều ý kiến tham gia chất lượng, phù hợp thực tiễn và tâm tư, nguyện vọng của cử tri, được Chính phủ, các Bộ, ngành nghiêm túc tiếp thu, giải trình như: đã điều chỉnh một số giải pháp phát triển kinh tế, xã hội; điều chỉnh một số chính sách trong phát triển các dự án, chủ trương lớn như: chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020; dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành...
Nhiệm kỳ qua cũng đánh dấu những thành công của Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình trong hoạt động giám sát, khảo sát. Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức 12 cuộc giám sát chuyên đề; phối hợp tham gia 2 cuộc giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội tại địa phương; phối hợp tham gia cùng Thường trực HĐND tỉnh 5 cuộc giám sát. Phương thức tổ chức hoạt động giám sát có nhiều đổi mới theo hướng ngày càng đi vào chiều sâu, nâng cao chất lượng, phát huy trí tuệ của các vị đại biểu Quốc hội trong Đoàn. Qua giám sát, Đoàn đã tổng hợp 75 nhóm ý kiến, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương; đồng thời, gửi tới các cơ quan chức năng của tỉnh 40 ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền. Đoàn đã có kiến nghị, đề xuất với Quốc hội những vấn đề về chính sách, cơ chế để thực hiện tốt những nội dung đã giám sát; kiến nghị với các cơ quan quản lý, rút kinh nghiệm, khắc phục những mặt tồn tại, hạn chế. Do vậy, nhiều kiến nghị đề xuất của Đoàn đã được Quốc hội, Chính phủ tiếp thu giải quyết, góp phần tích cực phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng ở địa phương.
Với phương châm gần dân, sát dân, các đại biểu Quốc hội trong phạm vi, khả năng của mình đã tăng cường đi cơ sở, tìm hiểu, nắm bắt tình hình thực tế để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, những kiến nghị, đề xuất của cử tri; quan tâm thực hiện tốt công tác dân nguyện. Công tác tiếp xúc cử tri được Đoàn duy trì, có nhiều đổi mới với việc tổ chức tiếp xúc sâu, sát đến cơ sở, đa dạng đối tượng, địa bàn, lĩnh vực tiếp xúc. Các buổi tiếp xúc đều được thông báo rộng rãi, công khai và tạo điều kiện thuận lợi để mọi cử tri có thể dự các cuộc tiếp xúc với đại biểu Quốc hội, bảo đảm để đại biểu Quốc hội lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp cử tri, với rất nhiều ý kiến tâm huyết đầy trách nhiệm, không ít cử tri còn hiến kế cho Đảng, Nhà nước đối với những vấn đề trọng đại của quốc gia, những vấn đề mà nhân dân đặc biệt quan tâm. Đặc biệt với vai trò là cầu nối giữa cử tri với Quốc hội, các ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được Đoàn chuyển đến các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết và thông báo kết quả giải quyết đến cử tri thông qua các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương và thông qua các buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn. Cũng trong nhiệm kỳ, Đoàn đã thực hiện tiếp 340 lượt công dân tại Trụ sở tiếp công dân của tỉnh; tiếp nhận 546 đơn, thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị, tất cả đều được phân loại và chuyển các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết theo thẩm quyền. Nhiều vụ việc kéo dài đã được Đoàn quan tâm đối thoại với người khiếu nại, tố cáo, tổ chức làm việc với cơ quan liên quan, xem xét thực tế... đã chấm dứt được việc khiếu nại, tố cáo kéo dài, qua đó tạo niềm tin trong nhân dân, khẳng định vai trò, vị thế của Đoàn ĐBQH tỉnh.
Những hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh trong nhiệm kỳ 2016-2021 đã góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội trên nhiều lĩnh vực, thể hiện được vai trò là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, thực sự là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, giữa Quốc hội và cử tri, xứng đáng với niềm tin của cử tri trong tỉnh.
Đinh Ngọc