Tại huyện Gia Viễn, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh và Đoàn đã đến khảo sát vùng chuyển đổi đất cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản thuộc xóm Núi, xã Gia Phương. Đây là vùng đất chua trũng có khoảng 30 ha đã được các hộ dân tự chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản bằng các loại cá truyền thống. Đã có nhiều hộ cho kết quả cao như ông Đinh Văn Bốn với 2 ao nuôi thâm canh (diện tích 7000 m2) trong năm 2014 doanh thu đạt 650 triệu đồng. Các hộ gia đình ở vùng xóm Núi đề nghị được tiếp cận thuận lợi với nguồn vốn vay của ngân hàng, cũng như nâng cấp chất lượng nguồn điện để phục vụ tốt hơn cho sản xuất.
Trang trại của ông Trần Văn Lưu ở xã Gia Hòa lại là mô hình trồng cây và chăn nuôi gia súc. Trong diện tích 4,8 ha đồi núi được trồng chủ yếu keo kết hợp với nuôi 100 thùng ong, 20 con lợn rừng, 20 con dê, 7 con bò. Chỉ tính riêng với việc nuôi ong trong vụ hoa nhãn vừa qua đã cho thu hoạch trên 500 lít mật và dự kiến tới đây cũng sẽ thu được với lượng mật hoa rừng tương tự như vậy. Chỉ tính giá mật ong ở khoảng 200.000 đồng/lít thì cũng đã cho doanh thu 200 triệu đồng; ngoài ra còn có thể bán giống với giá từ 300.000-500.000 đồng/cầu. Trang trại cũng mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của nhà nước cũng như mong muốn được hỗ trợ giúp đỡ của ngành chuyên môn chuyển đổi rừng keo sang trồng cây ăn quả.
Trang trại của ông Lê Văn Sơn ở xã Phú Long (Nho Quan) có diện tích hơn 16 ha, được trồng chủ yếu bằng các loại cây ăn quả: Chuối tiêu hồng 10 ha; mít, ổi, bưởi, nhãn, táo 5 ha và 1ha nuôi thủy sản. Hàng năm trang trại nuôi và xuất bán 100 con lợn; 6 con bò; thu 5 tấn cá; cây ăn quả thu 2 tỷ đồng/năm và lợi nhuận đạt khoảng 900 triệu đồng. Trang trại còn tạo việc làm thường xuyên cho 16 lao động cùng 20-30 lao động thời vụ. Ngoài việc phát triển kinh tế trong trang trại của mình, ông Sơn còn hỗ trợ và giúp đỡ về giống, vốn, bao tiêu sản phẩm và chuyển giao kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất cho nhân dân trong vùng. Khó khăn vẫn là vốn để mở rộng và phát triển sản xuất.
Tại vùng kinh tế trang trại của xã Văn Hải (Kim Sơn), đây là vùng đất trũng, xa dân cư, thuộc đất 5% công ích của xã đã cho 11 hộ gia đình thuê phát triển kinh tế trang trại theo hình thức nuôi thả cá, chăn nuôi gia súc và trồng cây màu đã gần 10 năm nay. Nguyện vọng của các hộ, gia đình ở đây là được thuê thêm diện tích để mở rộng trang trại, được thuê đất lâu dài để tiếp cận được với nguồn vốn của ngân hàng và được đầu tư xây dựng đường giao thông cũng như đường điện.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh và Đoàn cũng đã đến khảo sát trang trại nuôi tôm công nghiệp (Kim Trung-Kim sơn) và trại giống thủy sản Hải Tuấn, nghe báo cáo về tình hình sản xuất, kinh doanh; chiều hướng phát triển và những khó khăn thách thức của các đơn vị này...
Trao đổi với các nơi mà Đoàn đến khảo sát, đồng chí Đinh Chung Phụng, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận và biểu dương những hộ gia đình, cá nhân, đơn vị đã dám nghĩ, dám làm đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế cho gia đình và cho xã hội. Đồng chí cho biết: Đây là đợt tham quan, khảo sát của tỉnh về kinh tế trang trại nhằm nắm được những khó khăn, vướng mắc của mô hình phát triển kinh tế này, trên cơ sở đó có những biện pháp, giải pháp để tháo gỡ. Những ý kiến, kiến nghị của các chủ trang trại, Đoàn ghi nhận và đã có những kiến nghị, đề nghị được đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng các thành viên trong Đoàn cho hướng giải quyết cụ thể.
Đinh Chúc-Đức Lam