Đồng chí Đinh Quốc Trị, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở: NN&PTNT, Tài Chính, Khoa học và công nghệ… tiếp và làm việc với Đoàn. Đồng chí Trần Văn Bách, Giám đốc sở NN&PTNT báo cáo với đoàn về tình hình ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng rộng Ninh Bình cũng như việc đưa các giống lúa có năng suất, chất lượng cao vào gieo cấy trên địa bàn.
Báo cáo nêu rõ: diện tích lúa hàng năm của tỉnh đạt 79.000ha, năng suất bình quân đạt 57 tạ/ha. Vụ đông xuân khoảng 40.000 ha với 95% là trà xuân muộn, 60-65% là giống lúa lai; vụ mùa cấy khoảng 38.000 ha với 50-55% diện tích là giống lúa lai, chủ yếu thuộc trà mùa sớm và mùa trung.
Trong những năm qua, Ninh Bình đã tiếp nhận và đưa vào sử dụng một số loại giống cây trồng không chỉ nhập ngoại mà cả sản xuất ở các cơ sở trong nước như TH3-3, HYT-100; giống lúa thuần có các giống ĐB6, SH2,LT2…. Giống ngô có LVN10, LVN4, nếp VN2. Giống lạc có L14, L15, L18. Giống đậu tương có DT4, DT12. Cây rau màu, thực phẩm có Bí xanh , Dưa chuột, ớt cay, cà chua…
Do giá giống không ổn định, địa hình sinh thái lại rất khác nhau, nên tỉnh mong muốn các nhà khoa học nghiên cứu chọn tạo những giống cây trồng mới có năng suất cao chất lượng tốt cho sản xuất phù hợp với đồng ruộng Ninh Bình; tăng cường sự hợp tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền và giúp Ninh Bình xây dựng các đề án: phát triển vùng lúa chất lượng cao, vùng sản xuất cây xuất khẩu, nhất là cây vụ đông.
Hội nghị cũng đã nghe ý kiến của các nhà khoa học thuộc các viện khác nhau. Các ý kiến đã giới thiệu những giống cây trồng mới có khả năng ứng dụng trên địa bàn tỉnh: giống lúa X26,SH14, SL12, HYT102, HYT103, DT45; giống ngô LCH9, LVN61, LVN145, LVN184, LVN14;giống đậu tương Đ8, DT02, DT2008; giống lạc L23; giống nấm Đùi gà, Chân trâu, Kim châm; giống dứa H180, Cayen MD2; Các loại hoa, loại rau…
Các nhà khoa học cũng đưa ra các khuyến cáo về kỹ thuật trồng trọt, gieo cấy, kỹ thuật thâm canh tăng năng suất; hướng tiếp cận các giống và những giải pháp để thực hiện.
Giáo sư Nguyễn Văn Bộ thì cho rằng: với đặc thù của Ninh Bình thì cần phát triển nông nghiệp gắn với đảm bảo an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp gắn với du lịch. Do vậy ưu tiên phát triển lúa lai, nhưng là giống có năng suất cao, chất lượng tốt. Đẩy mạnh phát triển nấm, tạo thành nơi cung cấp giống cho cả vùng. Vùng trũng nên cấy 1 vụ lúa, nuôi cá và thâm canh lúa tái sinh. Tiến bộ khoa học cũng như giống cây trồng mới mang tính đặc thù, nên cần phải có sự khảo nghiệm mở rộng dần… diện tích phối hợp với Viện thực hiện khảo nghiệm giống cây trồng mới, trên cơ sở đó mà tỉnh quyết định có mở rộng diện tích ở các nơi khác hay không?.
Phát biểu ý kiến tại hội nghị đồng chí Đinh Quốc Trị, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ: Ninh Bình đã và đang triển khai nhiều chương trình dự án cho nông nghiệp, nông thôn: xóa đói giảm nghèo; sản xuất vụ đông; dự án lúa cao sản; phát triển đàn dê nội địa… Thay mặt Tỉnh ủy, UBND tỉnh cám ơn các nhà khoa học về thăm và có ý kiến đóng góp với tỉnh về các giống cây trồng mới, áp dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất nông nghiệp.
Tại hội nghị hôm nay, Tỉnh và Viện thống nhất ký biên bản ghi nhớ trên tinh thần Viện giúp Ninh Bình tìm ra những giống cây trồng mới có năng suất chất lượng cao đưa vào áp dụng trên đồng ruộng. Tỉnh cũng mong muốn các cơ quan của Bộ tạo điều kiện, hỗ trợ giúp đỡ Viện và Tỉnh hợp tác có kết quả.
Đinh Chúc