Trong những năm gần đây, công tác nghiên cứu điều tra khoáng sản và môi trường, trong đó có tài nguyên nước đã được tỉnh quan tâm thực hiện bằng nguồn vốn của địa phương với nhiều dự án, đề tài khác nhau. Sản phẩm của các đề tài là nguồn thông tin rất quan trọng để định hướng cho sự phát triển của địa phương.
Ngay từ năm 1982-1997, ngành địa chất đã tiến hành thăm dò và đánh giá tài nguyên nước cho vùng Rịa, Đồng Giao, Tam Điệp và nước khoáng Thường Sung. Theo nhận định của các nhà khoa học, tài nguyên nước dưới đất ở Ninh Bình rất đa dạng về loại hình nguồn gốc, gồm: Nước lỗ hổng trong các thành tạo Đệ tứ; nước khe nứt, lỗ hổng trong các thành tạo đá gốc và nước khe nứt Carst. Tuy nhiên, đến nay, công tác nghiên cứu địa chất các nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt và phát triển sản xuất trên địa bàn tỉnh mới được thực hiện lẻ tẻ, mang tính cục bộ; Các đề tài khoa học công nghệ cấp tỉnh cũng chỉ mới tập trung cho vùng ven biển, đồng bằng và ở tầng chứa nước bở rời Đệ tứ. Nguồn nước ngầm trong các tầng đá gốc chưa được quan tâm nghiên cứu. Sự phát triển về kinh tế - xã hội làm cho nhu cầu về nước ngọt phục vụ cho ăn uống, sinh hoạt và sản xuất ngày càng tăng, nhưng cũng kéo theo quá trình ô nhiễm môi trường, nhất là việc ô nhiễm nguồn nước mặt và nước ngầm. Một số nguồn nước nằm gần các điểm khoáng sản chứa Hg, As, Fe làm tăng hiện tượng ô nhiễm kim loại nặng. Chất lượng nước ngầm phục vụ cho sinh hoạt ở nhiều vùng chưa được xác định. Công tác đánh giá tài nguyên nước ngầm còn ít, chưa nghiên cứu mối quan hệ giữa nước mặt và nước ngầm cũng như mối quan hệ giữa tài nguyên nước và các tài nguyên khác…
Ra quân hưởng ứng ngày nước tại Kim Sơn. Ảnh: Đức Lam
Để từng bước có cơ sở giải quyết các vấn đề trên, trong năm 2009, nhóm tác giả thực hiện đề tài về điều tra nguồn tài nguyên nước đã tiến hành các công việc: thu thập các tài liệu hiện có về địa chất thủy văn ở Ninh Bình; tiến hành công tác thành lập bản đồ địa chất thủy văn 1: 50.000 với diện tích 800 km2 thuộc huyện Nho Quan, Gia Viễn, Yên Khánh, thành phố Ninh Bình; tiến hành công tác địa vật lý đo sâu điện nhằm lựa chọn hố khoan quan trắc, xác định ranh giới mặn- nhạt của nước dưới đất; tìm kiếm lập các điểm quan trắc và tiến hành quan trắc mực nước thường xuyên trên các hố khoan đã có từ trước; phân tích mẫu nước xác định thành phần hóa học, thành phần nguyên tố kim loại và vi sinh vật có trong các mẫu nước. Năm 2010 tiếp tục thành lập bản đồ tỷ lệ 1:50.000 với diện tích 500 km2 cho các huyện Kim Sơn, Yên Mô, Hoa Lư, thị xã Tam Điệp. Tiếp tục công tác địa vật lý đo sâu điện nhằm lựa chọn hố khoan quan trắc, xác định ranh giới mặn-nhạt của nước dưới đất phục vụ cho công tác điều tra chi tiết, lập sơ đồ địa chất thủy văn tỷ lệ 1:10.000 cho các vùng trọng điểm. Điều tra chi tiết địa chất thủy văn cho 3 khu vực trọng điểm là: trung tâm huyện Yên Khánh, phố Ngọc, huyện Nho Quan và xã Liên Sơn, huyện Gia Viễn. Khoan thăm dò từ 2-3 hố với tổng chiều sâu khoảng 240m, kết hợp với bơm hút thí nghiệm, phân tích, phục vụ nghiên cứu địa chất thủy văn ở 3 khu vực trên. Tiếp tục quan trắc động thái nước, mực nước dưới đất trong các hố khoan trước đó và hố mới khoan.. Phân tích mẫu nước xác định thành phần hóa học, thành phần nguyên tố kim loại, vi lượng và vi sinh vật có trong các mẫu nước khoan.
Kết quả thực hiện, bước đầu cho thấy: Tại xóm 8, Phú Long (Nho Quan), nhóm thực hiện đề tài đã khoan hố sâu 50 m, tìm thấy nguồn nước ngầm ổn định với dung lượng 3 m3/h, đảm bảo cung cấp nước cho khoảng 500 người. Qua phân tích, chất lượng nước đảm bảo cho nhân dân sử dụng. Trước nhu cầu sử dụng của nhân dân trong vùng, nhất là trong thời gian qua hạn hán diễn ra gay gắt, nhóm thực hiện đề tài đã lắp đặt hệ thống máy bơm phục vụ cho nhân dân trong vùng đang trong tình trạng "khát nước". Tương tự như vậy, hố khoan tại nhà trẻ Liên Sơn (Gia Viễn) cũng đã có nước liên tục và đủ cung cấp nước cho khoảng 500 người. Người dân ở xã Phú long (Nho Quan) cho biết: trước đây, vùng này thiếu nước trầm trọng cho sinh hoạt, chứ chưa nói gì tới sản xuất. Chúng tôi phải đi xa hàng chục km để lấy nước về phục vụ cho sinh hoạt của gia đình và bản thân. Nay nhờ có nguồn nước của giếng khoan này người dân chúng tôi không còn khổ nữa. Mong rằng sẽ có nhiều điểm giếng khoan như vậy cho người dân vùng cao chúng tôi.
Trường Sinh