Đồng chí Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Thống kê Ninh Bình cho biết: Những năm trước đây, điều tra doanh nghiệp được thực hiện theo hình thức điều tra gián tiếp hoặc trực tiếp bằng bảng hỏi giấy; điều tra viên liên hệ trực tiếp với doanh nghiệp để thu thập thông tin tại chỗ hoặc gửi bảng hỏi bằng giấy đến để doanh nghiệp trả lời. Nhưng từ năm 2020, phương án điều tra doanh nghiệp đã có sự thay đổi để phù hợp với tình hình mới.
Đó là ứng dụng triệt để công nghệ thông tin vào công tác quản lý, thu thập, xử lý, tổng hợp, phân tích dữ liệu điều tra doanh nghiệp. Theo đó, khâu điều tra thu thập thông tin được thực hiện bằng phương pháp điều tra trực tuyến, có nghĩa là doanh nghiệp sẽ cung cấp thông tin bằng bảng hỏi điều tra trực tuyến (web-form).
Điều này tạo ra một số thuận lợi là doanh nghiệp có thể chủ động cung cấp thông tin bằng hình thức trực tuyến, tiết kiệm nguồn lực, thông tin được cập nhật sẽ nhanh hơn, từ đó ngành Thống kê có thể xử lý, tổng hợp và công bố sớm kết quả điều tra...
Tuy nhiên, điều tra bằng hình thức trực tuyến cũng gặp một số bất cập, đó là: Ngành Thống kê phải xây dựng bài toán kỹ thuật về công nghệ thông tin và tiếp cận doanh nghiệp phức tạp hơn; phải đảm bảo tốc độ đường truyền, tính bảo mật, lưu trữ thông tin, tính khả dụng; đặc biệt là công tác rà soát doanh nghiệp cần được coi trọng...
Trong điều tra doanh nghiệp các năm trước đây, ở rất nhiều địa phương, đặc biệt tại các thành phố lớn, nơi tập trung đông lực lượng doanh nghiệp, các điều tra viên thường phàn nàn là rất khó để tiếp cận doanh nghiệp, đặc biệt là chủ doanh nghiệp (đối tượng cung cấp thông tin theo quy định của phương án điều tra mới). Phương án điều tra năm 2020, các doanh nghiệp sẽ phải tự điền thông tin thống kê trên bảng hỏi trực tuyến.
Vì vậy, việc thu thập đầy đủ về số lượng và chất lượng thông tin từ doanh nghiệp theo nội dung của bảng hỏi trực tuyến là thách thức không nhỏ đối với các điều tra viên của ngành Thống kê. Phương án điều tra doanh nghiệp năm 2020, có 18 loại phiếu điều tra dành cho các loại hình doanh nghiệp khác nhau. Tổng cục Thống kê đã hoàn thiện các khâu trong phương án, triển khai phù hợp với các đối tượng doanh nghiệp theo luật định; bảo đảm tính bảo mật, kết nối thông tin thông suốt.
Thực hiện quy định của phương án điều tra, điều tra viên, giám sát viên sẽ tiếp cận doanh nghiệp để hướng dẫn, hỗ trợ về nghiệp vụ, cấp tên truy cập, mật khẩu để đăng nhập vào trang điều tra trực tuyến và doanh nghiệp tự cung cấp thông tin trực tuyến theo bảng hỏi điện tử (web-form) phù hợp với ngành sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; hoặc doanh nghiệp truy cập vào trang Thống kê doanh nghiệp trực tuyến để tải mẫu phiếu điều tra (Excel-Form) điền thông tin phù hợp với ngành sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và gửi lại cho ngành Thống kê trên trang điều tra trực tuyến.
Để thực hiện tốt việc thu thập thông tin điều tra doanh nghiệp năm 2020, ngoài sự nỗ lực của ngành Thống kê, sự phối hợp của các ngành thì các cấp lãnh đạo, quản lý tại các địa phương đóng vai trò rất quan trọng trong việc phối hợp tổ chức thực hiện, tuyên truyền đến cộng đồng doanh nghiệp về ý thức chấp hành pháp luật trong việc cung cấp thông tin thống kê chính xác, đầy đủ, kịp thời, cũng như nâng cao vai trò quản lý của các cấp trong hoạt động giám sát, kiểm tra, thực thi chế tài xử phạt vi phạm hành chính thực hiện Luật Thống kê. Với hình thức kê khai trực tuyến, ý thức tự giác chấp hành pháp luật, cung cấp thông tin điều tra thống kê của từng doanh nghiệp cần được phát huy.
Thực tế, đa phần các doanh nghiệp nghiêm chỉnh chấp hành Luật Thống kê, thực hiện cung cấp thông tin cho điều tra viên; song cũng không ít doanh nghiệp cố tình trốn tránh, chây ỳ không cung cấp thông tin hoặc cung cấp chiếu lệ, không đầy đủ, không chính xác, kịp thời. Do đó, ngành Thống kê sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm minh những đơn vị không chấp hành Luật Thống kê.
Đồng chí Phó Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh cũng cho rằng: Dữ liệu từ cuộc điều tra này sẽ là căn cứ phục vụ công tác quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển doanh nghiệp cả nước và các địa phương nói riêng.
Đối với tỉnh Ninh Bình, bên cạnh thực hiện nhiệm vụ theo Quyết định 1193/QĐ-TCTK của Tổng cục Thống kê trong điều tra doanh nghiệp năm 2020; Cục Thống kê tỉnh còn thực hiện các công việc được UBND tỉnh giao: Thu thập tổng hợp thông tin cơ bản của người lao động trong các doanh nghiệp và chi nhánh trên địa bàn toàn tỉnh phục vụ công tác thực hiện quy hoạch phát triển nguồn nhân lực tỉnh Ninh Bình; thu thập và xây dựng hệ thống số liệu về thực trạng sử dụng công nghệ trong sản xuất của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Chính vì vậy, sự đồng hành sẵn sàng cung cấp thông tin của mỗi doanh nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến chất lượng thông tin đầu ra và sự thành công của cuộc điều tra doanh nghiệp năm 2020 trên địa bàn tỉnh.
Bài, ảnh: Đinh Chúc