Thu ngân sách gặp khó khăn
Ông Phạm Đức Vượng, Giám đốc Sở Tài chính phân tích: Đối với thu nội địa không gồm thu tiền sử dụng đất mặc dù có tiến độ thu ngân sách theo dự toán HĐND tỉnh giao đạt thấp (60,9%), nhưng so với cùng kỳ năm trước tăng 19,1%. Thực hiện 9 tháng đầu năm, theo sắc thuế có 7/13 khoản thu đảm bảo tiến độ thu dự toán HĐND tỉnh giao, trong đó có những khoản đạt cao là thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 139,7%, thuế thu nhập cá nhân 106,5%, thu tiền thuê đất 96,4%. Tuy nhiên, có 4 khoản thu chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số thu lại có tiến độ thu ngân sách đạt thấp dẫn đến thu nội địa không gồm tiền sử dụng đất chưa đảm bảo tiến độ theo dự toán đó là thu DNNN Trung ương 50,4%, lệ phí trước bạ 55,2%, thu DNNN địa phương 39,9%, thuế công thương nghiệp dịch vụ ngoài quốc doanh (chiếm 63% tổng số thu nội địa không gồm thu tiền sử dụng đất) đến nay mới đạt 55,9%.
Nguyên nhân là do ảnh hưởng của lạm phát, tăng giá và chính sách thắt chặt tiền tệ tín dụng nên hầu hết các doanh nghiệp thuộc các ngành nghề đều gặp khó khăn, nguồn thu giảm hơn năm trước như: ngành ngân hàng, bảo hiểm, xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng.
Hầu hết các doanh nghiệp lớn đều không tăng trưởng so với cùng kỳ như nhiệt điện, phân lân, viễn thông... Thu tiền sử dụng đất trong 9 tháng, có 6/8 huyện hoàn thành dự toán HĐND tỉnh giao nhưng đơn vị có số dự toán giao thu lớn là thành phố Ninh Bình (chiếm tỷ trọng 86% dự toán thu tiền sử dụng đất toàn tỉnh) mới đạt 27,6% dự toán.Thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu, do hầu hết các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành việc nhập khẩu máy móc, thiết bị và đi vào hoạt động, chỉ có một số ít dự án triển khai trong năm 2012 chưa phát sinh thuế nhập khẩu, hoặc số thuế phát sinh thấp…
Dự báo 3 tháng cuối năm, công tác thu ngân sách còn gặp nhiều khó khăn do tiếp tục bị ảnh hưởng của suy giảm kinh tế, của việc thực hiện các chính sách thuế theo Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ và việc cắt giảm đầu tư ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh và nguồn thu ngân sách, nhất là đối với tỉnh ta là địa phương có nguồn thu phát sinh lớn từ hoạt động XDCB và sản xuất vật liệu xây dựng, là những sản phẩm thế mạnh đóng góp nguồn thu chủ yếu trên địa bàn như xi măng, khai thác đá, gạch ngói... Như vậy, tình hình thực tiễn thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2012 là hết sức khó khăn.
Tích cực thu ngân sách, chi đúng nguyên tắc theo thứ tự ưu tiên
Quán triệt tinh thần chỉ đạo về điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính, ngân sách những tháng cuối năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 5-9-2012, để phấn đấu hoàn thành mức cao nhất và bảo đảm sự chủ động trong điều hành nhiệm vụ thu, chi NSNN năm 2012 theo dự toán đã được HĐND tỉnh phê duyệt, các sở, ban, ngành; các huyện, thành phố, thị xã cần thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết của HĐND tỉnh, nhất là việc thực hiện những giải pháp UBND tỉnh đã đề ra trong báo cáo thu, chi NSNN 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Kế hoạch số 24/KH-UBND ngày 14-6-2012 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10-5-2012 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường.
Đối với thu ngân sách Nhà nước, rà soát, nắm chắc các nguồn thu và đối tượng thu nộp ngân sách trên địa bàn, phấn đấu thu ở các lĩnh vực, ngành nghề có điều kiện để bù đắp các phần giảm thu do thực hiện chính sách miễn, giảm, giãn thời hạn nộp thuế. Kiểm tra, kiểm soát việc kê khai thuế, quyết toán thuế của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào ngân sách Nhà nước. Đôn đốc thu đối với số thuế được gia hạn đến hạn phải nộp vào ngân sách. Quản lý chặt chẽ công tác hoàn thuế, bảo đảm đúng đối tượng và theo đúng chế độ quy định. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra thuế và phối hợp quản lý thu, chống thất thu và xử lý nợ đọng; phòng, chống gian lận thương mại, chuyển giá, gian lận giá nhập khẩu và buôn lậu qua biên giới, nhất là các mặt hàng xăng, dầu, thuốc lá, khoáng sản… Đồng thời triển khai thực hiện có hiệu quả đề án chống thất thu ngân sách trong lĩnh vực xây dựng cơ bản và khai thác tài nguyên khoáng sản.
Căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015) tỉnh Ninh Bình đã được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 57/NQ-CP ngày 17-9-2012, tổ chức đấu giá ngay đối với các dự án đã đủ điều kiện đấu giá, trong đó tập trung chủ yếu ở khu vực đất có giá trị cao, nhu cầu đấu giá lớn như địa bàn thành phố Ninh Bình, huyện Hoa Lư, thị xã Tam Điệp; cho phép đấu giá đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất đối với đất không phải là đất lúa, đất thùng đào, thùng đấu ở tất cả các huyện còn lại; đấu giá tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất đối với các công trình hiện không có nhu cầu sử dụng để hoàn thành chỉ tiêu thu tiền sử dụng đất. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan đến sản xuất, kinh doanh, đầu tư, rút ngắn thời gian kê khai hải quan, thông quan hàng hóa... tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, sớm nhập khẩu máy móc, thiết bị, tăng nguồn thu ngân sách; thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp kê khai hải quan và nộp thuế tại tỉnh để nâng cao nguồn thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu.
Đối với nhiệm vụ chi ngân sách, trong trường hợp thu ngân sách đạt thấp, căn cứ nhiệm vụ chi NSNN năm 2012 được giao và yêu cầu nhiệm vụ, các đơn vị dự toán thực hiện sắp xếp và phân loại các nhiệm vụ chi theo thứ tự ưu tiên và thực hiện chi trong phạm vi nguồn thu được hưởng theo phân cấp và dự toán được giao. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra các khoản chi ngân sách đúng tiêu chuẩn, chế độ, định mức chi tiêu đã quy định, bảo đảm tiết kiệm, chặt chẽ và hiệu quả. Nghiêm túc thực hiện chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi thường xuyên; rà soát, sắp xếp lại, cắt giảm hoặc lùi thời gian thực hiện các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết; tiết giảm tối đa chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm…
Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chi ngân sách nhà nước, đảm bảo chi ngân sách đúng chế độ. UBND các huyện, thành phố, thị xã cần chủ động sử dụng các nguồn lực tài chính của cấp huyện để bảo đảm cân đối ngân sách; tiếp tục rà soát, cắt giảm hoặc lùi thời gian thực hiện các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết; xem xét việc thực hiện tiết kiệm thêm chi thường xuyên của các đơn vị sử dụng ngân sách trong những tháng cuối năm…
Nguyễn Thơm