Sau khoảng thời gian phục vụ trong quân ngũ, anh Hợp mong muốn có được một công việc gì đó để không những tạo việc làm cho mình mà còn tạo công việc, thu nhập cho cả gia đình và đóng góp trực tiếp vào quá trình phát triển kinh tế của địa phương. Thậm chí anh mơ ước sau này nếu phát triển được sẽ giúp đỡ các bạn đoàn viên thanh niên trên địa bàn. Thấy được tiềm năng phát triển nông nghiệp của quê hương cộng với những kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp của gia đình và những kiến thức tìm tòi, học hỏi qua sách báo, phương tiện thông tin đại chúng, anh đã quyết định lựa chọn mô hình sản xuất nông sản sạch với sản phẩm là rau, củ quả và cá sạch. Để tạo dựng mô hình, anh gặp khó khăn về nguồn vốn, quỹ đất canh tác.
Anh chủ động đăng ký tham gia tổ hợp tác sản xuất nông sản của xã, được UBND xã cấp phép sử dụng diện tích đất trồng lúa với 0,7ha và được quỹ tín dụng nhân dân xã cho vay 160 triệu đồng, Tỉnh đoàn cho vay 50 triệu đồng, được tư vấn, hướng dẫn trồng rau quả sạch theo tiêu chuẩn VietGap. Khi có đất, có vốn anh tiến hành đào ao nuôi cá và trồng các loại rau, quả sạch như mướp nhật, bí xanh, bí đỏ, rau cải các loại…
Bắt tay vào triển khai mô hình, anh tiếp tục phải giải quyết rất nhiều khó khăn, nhất là việc nắm bắt tiêu chuẩn chất lượng của nông sản cũng như thị trường tiêu thụ. Anh cho rằng với những trở ngại này ngoài sự năng động của bản thân thì rất khó có thể trông chờ vào những hỗ trợ từ bên ngoài. Do vậy anh chủ động liên hệ với các đầu mối thu mua nông sản và trực tiếp bán sản phẩm cho bà con địa phương.
Hiện nay, anh tiến hành trồng cây theo mùa vụ với những cây trồng chủ yếu theo từng mùa: Từ tháng 2 đến tháng 5 trồng cây mướp nhật xen canh cùng với rau cải; Tháng 7, trồng mướp và bí xanh; Tháng 11, trồng bí cô tiên… Bên cạnh đó, anh cũng cho đào ao để thả các loại cá như trắm, chép, trôi và nuôi ếch...
Với việc mạnh dạn đổi mới, ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất, anh Hợp đã xây dựng được mô hình trồng trọt, chăn nuôi có năng suất cao, chất lượng luôn được đảm bảo, từng bước tạo dựng niềm tin trong bà con nhân dân.
Hàng năm mô hình đã đem lại thu nhập trên 300 triệu đồng, tạo việc làm cho từ 3 đến 5 đoàn viên thanh niên tại xã với thu nhập bình quân từ 2-3 triệu đồng/người/tháng.
Dù đó mới chỉ là những kết quả bước đầu, song anh Hợp đã phần nào hiện thực hóa được ước mơ của mình là giúp tạo việc làm cho những thanh niên khó khăn ở địa phương. Trong thời gian tới, anh đang có dự định đầu tư thêm nguồn vốn, mở rộng thêm diện tích canh tác và đa dạng hóa các loại rau quả sạch.
Bên cạnh đó, với kiến thức thực tế của mình, anh luôn vận động các thanh niên khác và bà con trong xã cùng vươn lên làm giàu và nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm để giúp mọi người cùng phát triển chăn nuôi mang lại hiểu quả kinh tế cao cho gia đình và đóng góp cho sự phát triển chung của địa phương.
Được biết, không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Hợp còn tích cực tham gia vào các hoạt động tình nguyện do Đoàn, Hội LHTN phát động, được đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tín nhiệm.
Đào Duy