Đã lâu lắm rồi tôi mới có dịp về thăm bản Mường vào những ngày giáp Tết Trung thu, lời bài hát "tùng rinh rinh" của đám trẻ vọng lại đã cuốn tôi theo không khí chuẩn bị nhộn nhịp vui vẻ đó. Năm nào cũng vậy, đúng đêm Trung thu (15/ 8 âm lịch) trẻ em ở tất cả các thôn, bản của các xã đều tụ tập ở một địa điểm trung tâm của thôn để các bác cán bộ xã, thôn, các anh, chị phụ trách Đoàn thanh niên phát quà. Các em ở gần trung tâm xã sẽ rước đèn ông sao ra sân của nhà văn hóa, hoặc sân vận động để sinh hoạt văn nghệ, còn trẻ em ở xa trung tâm cũng được tổ chức đón tết trung thu ở tại thôn, bản của mình. Sau khi xem các bạn biểu diễn văn nghệ, các em sẽ được phá cỗ cùng chị Hằng, chú Cuội. Mâm cỗ ở vùng cao tuy không được đầy đủ như thành thị nhưng cũng đủ, bưởi, chuối, hồng, na, bánh dẻo, bánh nướng…
Tết Trung thu năm nay, Huyện đoàn phối hợp với Phòng Giáo dục, Phòng Lao động - thương binh và xã hội Nho Quan chỉ đạo tổ chức cho các cháu đón Trung thu tại địa phương. 18/27 xã, thị trấn tổ chức cắm trại tập trung, còn lại các xã tổ chức cắm trại theo lũy tre làng. Ngày 13-8 (âm lịch), lãnh đạo huyện sẽ tổ chức các đoàn đi thăm và tặng quà các cháu thiếu niên, nhi đồng của 27 xã, thị trấn.
Trung thu của trẻ em vùng nông thôn thật giản dị. Ảnh: P.V
Theo chân các anh chị trong Chi đoàn xã Cúc Phương vào thăm các em thiếu nhi các thôn đang chuẩn bị dựng trại. Chỉ mấy ngày nữa sẽ diễn ra hội trại Trung thu của thiếu nhi các thôn, bản trong xã. Các anh chị đoàn viên thanh niên của thôn đang giúp các em thiếu niên, nhi đồng hoàn thành cổng trại, cọc trại, đèn lồng trang trí, tập lại các điệu múa... Một cán bộ Đoàn xã cho biết: "Trung thu ở Cúc Phương đến sớm hơn nơi khác. Từ đầu tháng 9, chúng tôi đã tổ chức cho các em luyện tập, thi đấu các môn thể thao và chọn các tiết mục xuất sắc tham gia hội thi. Ngoài ra, BCH Đoàn xã đã tham mưu với Thường trực Đảng ủy, UBND xã đề ra kế hoạch hoạt động cụ thể, đặc biệt là việc vận động các tổ chức và cá nhân quyên góp kinh phí để tổ chức Trung thu cho các em.
Ở xã Kỳ Phú các bậc phụ huynh cũng tíu tít lo vật liệu giúp các em dựng trại. Những buổi các em tập văn nghệ, bao giờ cũng có người lớn ra xem và động viên. Người già thì làm cho các em những chiếc đèn lồng, đèn ông sao, đèn con cá. Đêm rằm cả xã từ người lớn đến trẻ em đều háo hức chào đón chị Hằng và chú Cuội cùng phá cỗ. Đêm Trung thu cũng là một dịp để các già làng kể cho con cháu nghe về truyền thống của quê hương, những tập tục của người bản địa.
Năm nay, Tết Trung thu ở Phú Long được tổ chức công phu hơn. Các trò chơi chủ yếu là trò chơi dân gian như đi cà kheo, đẩy gậy, kéo co, nấu cơm, ném còn… là những trò chơi đậm nét phong tục của người Mường. Trại cũng được bài trí theo kiểu hoa văn nhà sàn, không có một quy định chung về mẫu trại. Các em có hoàn cảnh khó khăn sẽ được BCH Đoàn xã giúp đỡ về kinh phí để đảm bảo tất cả đều được đón Tết trung thu vui vẻ. Năm nay, xã còn tổ chức trao quà cho một số trẻ em nghèo học giỏi.
Tết Trung thu ở thành thị đang dần bị thương mại hóa. Trẻ em cũng như người lớn không còn ai nghĩ đến việc làm đèn ông sao, đèn lồng..., tất cả đều được mua sẵn từ cửa hàng với những đồ chơi hiện đại, xa rời truyền thống. Còn Trung thu ở vùng cao vẫn giữ được nhiều nét đẹp truyền thống không chỉ là ngày để trẻ em được vui chơi mà còn là dịp toàn xã hội thể hiện tình yêu thương của mình với con trẻ và cũng là dịp tốt giáo dục cho các em về truyền thống văn hóa của dân tộc, của địa phương để các em thêm yêu quê hương, đất nước.
Nguyễn Thơm