Trong thời gian gần đây, lực lượng doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh đã phát triển cả về số lượng, chất lượng, quy mô sản xuất, kinh doanh, đã tạo ra động lực quan trọng trong tăng trưởng xuất khẩu của tỉnh. Với trên 40 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu, trong đó có 22 doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp. Để từng bước đầu khẳng định thương hiệu trong nền kinh tế hội nhập, các doanh nghiệp đã bước đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh, cách quản lý.
Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho công nhân, đáp ứng yêu cầu hội nhập. Tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất nhà xưởng, trang thiết bị tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh, đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn của quốc tế, để tạo ra mẫu hàng mới đa dạng, phong phú, có thẩm mỹ cao, phù hợp với thị hiếu của khách hàng. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, từng bước cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, nâng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Chính vì thế mà sản phẩm của các doanh nghiệp đã đứng vững trên thị trường thế giới. Đặc biệt là những tháng đầu năm 2009, do ảnh hưởng của tình hình khủng hoảng tài chính - kinh tế thế giới và trong nước đã làm cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.
Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức triển khai thực hiện chính sách thu hút đầu tư và khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đến năm 2010, nhằm đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, tìm kiếm, khai thác thị trường mới của các doanh nghiệp xuất khẩu; đồng thời triển khai những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội như: đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp xuất khẩu, hỗ trợ cho người trồng cói, đã góp phần thúc đẩy sản xuất, tăng kim ngạch xuất khẩu.
6 tháng đầu năm 2009, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh ước đạt 24,433 triệu USD, đạt 48,9% kế hoạch năm, tăng 51,6%. Trong đó nhóm hàng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệpướcđạt 19,131 triệu USD, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ và chiếm 78,3% tổng giá trị xuất khẩu. Nhóm hàng nông sản, thực phẩmxuất khẩu ước đạt 5,302 triệu USD, giảm 19,6% so với cùng kỳ, chiếm 21,7% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đáng kể là nhóm hàng may mặc, vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng cả về số lượng và giá trị xuất khẩu.
Trong 6 tháng đầu năm, số lượng hàng xuất khẩu, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt 15,179 triệu USD, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ và chiếm 62,1% tổng giá trị xuất khẩu. Các doanh nghiệp có mức tăng khá là Công ty may Vạn Xuân (kim ngạch xuất khẩu đạt 2,831 triệu USD, tăng hơn 2 lần) Công ty may xuất khẩu Ninh Bình (đạt 3,048 triệu USD, tăng 58,8%). Bên cạnh đó là sự đóng góp của một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tuy mới tham gia xuất khẩu hàng may mặc nhưng đã đạt kim ngạch xuất khẩu tương đối cao như: Công ty TNHH Great Global đạt 6,643 triệu USD; Công ty TNHH Shinhan Global, đạt 957 nghìn USD…
Bên cạnh đó vẫn có một số mặt hàng lượng xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước như: Nhóm hàng nông sản có mức giảm thấp nhất là 0,6%. Nhóm hàng thủ công mỹ nghệ, 6 tháng đầu năm kim ngach xuất khẩu ước đạt 3,101 triệu USD, giảm 25% là do tình hình kinh tế thế giới biến động, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì và tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm, dẫn tới các mặt hàng thêu, cói kim ngạch xuất khẩu đều giảm so với cùng kỳ.
Đối với nhóm hàng thực phẩm chế biến, do bị ảnh hưởng dịch bệnh tai xanh, H1N1 ở lợn, làm cho thị trường truyền thống bị thu hẹp, khách hàng thanh toán chậm nên trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất chỉ ước đạt 353,6 nghìn USD, giảm 78,1% so với cùng kỳ. Nhìn chung, một số thị trường xuất khẩu truyền thống ở khu vực châu Âu, chủ yếu là thị trường xuất khẩu hàng dệt may vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng. Đến nay hàng hóa của tỉnh ta đã xuất khẩu sang 22 nước trên thế giới như Mỹ, Đức, Italia, Nhật Bản, Tây Ban Nha… Thị trường có kim ngạch xuất khẩu cao nhất là châu Âu, chiếm 55% tổng kim ngạch xuất khẩu; thị trường Châu á chiếm 27% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu 6 tháng tăng 51,6% so với cùng kỳ năm 2009, nhưng hoạt động xuất khẩu tỉnh ta vẫn còn những hạn chế nhất định. Số lượng hàng làm gia công và xuất khẩu ủy thác vẫn còn lớn, nên giá trị gia tăng trong kim ngạch xuất khẩu thấp; sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu còn hạn chế. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới và trong nước đã làm cho thị trường tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp bị thu hẹp, nhu cầu tiêu dùng trên thế giới giảm, khách hàng ép giá, lấy hàng chậm, thanh toán chậm, giá các mặt hàng xuất khẩu đều giảm. Giá nguyên, vật liệu, phụ liệu đầu vào tăng, có nhiều biến động bất thường ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là phụ liệu của ngành may mặc tăng từ 10% đến 15%. Mặc dù tỉnh đã triển khai mạnh chính sách kích cầu của Chính phủ, nhưng các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc vay vốn do các điều kiện vay vốn còn ràng buộc nhiều thủ tục. Mặt khác, quy mô các doanh nghiệp của tỉnh vẫn chỉ ở quy mô nhỏ và đặc biệt là chưa giải quyết triệt để được nợ vốn của ngân hàng khi chuyển sang cổ phần hóa doanh nghiệp, nên các doanh nghiệp khó tiếp cận được chính sách vay vốn ưu đãi của Chính phủ. Chất lượng hàng xuất khẩu và năng lực cạnh tranh của nhiều sản phẩm chưa cao; tỷ trọng các sản phẩm qua chế biến có hàm lượng kỹ thuật cao còn thấp; mặt hàng xuất khẩu mới còn hạn chế, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng dựa trên nguồn lao động rẻ và tài nguyên sẵn có.
Để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu phát triển với tốc độ tăng trưởng cao và bền vững, các cấp, các ngành và doanh nghiệp nghiên cứu tham mưu cho tỉnh xây dựng chiến lược phát triển xuất khẩu của tỉnh đến năm 2020, trong đó tập trung vào nhóm hàng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp như hàng dệt may, cói, thêu; nhóm hàng nông sản, thực phẩm như thịt lợn, dứa, nấm rơm, rau quả, nhất là sản phẩm vụ đông để các doanh nghiệp và nhà đầu tư có định hướng kinh doanh cho phù hợp.
Tiếp tục có những biện pháp tháo gỡ khó khăn đối với ngành nghề cói, thêu ren, chế tác đá mỹ nghệ, nhằm tăng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến xuất khẩu đổi mới công tác tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, tập trung nguồn vốn xúc tiến thương mại đối với những mặt hàng có sự tăng trưởng, có đóng góp lớn cho kim ngạch xuất khẩu. Xây dựng kế hoạch đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho một số ngành sản xuất, nhất là các chương trình đào tạo nghề, giải quyết nguồn lao động trong một số ngành sản xuất hàng xuất khẩu đang gặp khó khăn về nguồn lao động.
Nâng cao vai trò của Hiệp hội ngành hàng trong việc cung cấp thông tin, triển khai thực hiện các chiến lược phát triển sản xuất, liên kết trong kinh doanh, đàm phán ký kết hợp đồng. Các cơ quan chức năng tiến hành rà soát lại những thủ tục không cần thiết, rút ngắn thời gian làm các thủ tục hành chính, đặc biệt là các thủ tục vay vốn ngân hàng để doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn một cách nhanh nhất nhằm phấn đấu đạt tổng kim ngạch xuất khẩu trên 50 triệu USD năm 2009.
Thanh Chiên