Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao gắn với tiêu thụ sản phẩm
Chúng tôi cùng các kỹ sư Trung tâm Khuyến nông tỉnh đến thăm mô hình sản xuất rau an toàn tại xã Gia Phương (Gia Viễn). Đây là mô hình được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ kỹ thuật phương pháp trồng rau an toàn trong nhà lưới và trồng ngoài ruộng. Anh Lê Văn Tiên - chủ nhân mô hình chia sẻ: Năm 2017, gia đình tôi được các kỹ sư của Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn kỹ thuật trồng rau trong nhà lưới, kỹ thuật thiết kế khung, hỗ trợ vật tư phân bón vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật nguồn gốc sinh học cho mô hình. Được sự hỗ trợ của Trung tâm, tôi rất vui, yên tâm hơn trong sản xuất và tự tin để đầu tư mở rộng mô hình.
Cũng theo anh Lê Văn Tiên, sự gặp gỡ giữa anh và các cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh là một duyên may mắn. Anh Tiên cho biết: Tôi từng không thành công trong nghề kỹ sư xây dựng nên khi triển khai mô hình nông nghiệp tôi cũng rất thận trọng. Qua sách báo, tôi nắm được sơ bộ kỹ thuật trồng rau trong nhà lưới và đến cuối năm 2015 tôi chính thức bắt tay thực hiện mô hình. Do chưa nắm chắc kỹ thuật nên tôi đã thất bại khi đưa cây cà chua vào trồng. Với sự hỗ trợ của các cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh, tôi đã làm chủ được kỹ thuật và đưa các loại cây trồng vào sản xuất. Hiện nay tôi đang trồng một số loại cây như: Dưa chuột, su hào, cà chua và một số loại rau ăn lá...
Kỹ sư Bùi Hữu Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Để có được thành công trên, các kỹ sư của Trung tâm đã bám sát mô hình, theo dõi tình hình sinh trưởng để cây trồng được trồng, chăm sóc đúng quy trình trồng rau an toàn, hạn chế sâu bệnh, đảm bảo về năng suất và chất lượng. Do vậy, giá bán các loại nông sản từ mô hình thường cao hơn so với rau đại trà 20%, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường và được người tiêu dùng tin tưởng. Nếu giá cả thị trường ổn định, trừ chi phí đầu tư, chăm sóc, lợi nhuận một sào rau có thể cho thu từ 4 - 16 triệu đồng. Với phương châm xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ cao gắn với thị trường tiêu thụ, hiện nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã và đang hỗ trợ mô hình của anh Lê Văn Tiên để thiết kế bao bì, túi đựng sản phẩm, chứng minh nguồn gốc, chất lượng sản phẩm. Từ sự trợ giúp tích cực của các kỹ sư nông nghiệp, anh Tiên mạnh dạn đầu tư thuê đất của các hộ không có nhu cầu sản xuất để mở rộng diện tích. Anh cũng đã thành lập HTX dịch vụ thương mại và sản xuất nông sản an toàn Đại Hoàng nhằm đưa các sản phẩm nông nghiệp sạch đến với các thị trường rộng lớn hơn như siêu thị, nhà hàng, các bếp ăn tập thể.
Cùng với mô hình trên, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã thực hiện hỗ trợ mô hình trình diễn các giống lúa mới được triển khai tại các HTX Bình Minh (Yên Mô), Đồng Xuân Tiến, (Yên Khánh); Gia Vượng, thị trấn Me (Gia Viễn) với tổng diện tích 17 ha. Qua triển khai mô hình đã giúp chọn lọc được một số giống có tiềm năng, năng suất như NSC 01, Lam Sơn 10. Trung tâm Khuyến nông tỉnh cũng đã triển khai mô hình gieo thẳng lúa, tổng quy mô 60 ha. Thực tế cho thấy lúa gieo thẳng sinh trưởng, phát triển tốt hơn và cho năng suất trung bình cao hơn đối chứng 1,6 tạ/ha (tương đương 2,7%). Đây cũng là mô hình đã được người dân đánh giá cao, tiếp nhận tích cực và nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, Trung tâm Khuyến nông tỉnh còn triển khai xây dựng nhiều mô hình về chăn nuôi như: ứng dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo giống bò BBB trên nền bò cái laisind để nâng cao năng suất, chất lượng trong chăn nuôi bò thịt tại Ninh Bình; nuôi cá đối mục thương phẩm; mô hình sử dụng dê đực giống lai Boer để phát triển đàn dê theo hướng thịt; mô hình sử dụng bò đực giống cải tạo đàn bò theo hướng chuyên thịt...
Đồng chí Phạm Văn Trung, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết thêm: Với mục tiêu xây dựng thành công các mô hình khuyến nông ứng dụng công nghệ cao để nhân ra diện rộng, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã chủ động phối hợp với Phòng Nông nghiệp & PTNT, Phòng Kinh tế các huyện, thành phố thống nhất cách thức và địa điểm, quy mô, số lượng các hộ triển khai trên địa bàn. Trạm Khuyến nông cấp huyện đã tổ chức họp giao ban hàng tháng, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tổ chức họp giao ban hàng quý đều đặn với khuyến nông viên cấp xã, qua đó tạo sự gắn kết giữa mạng lưới khuyến nông viên cơ sở với khuyến nông cấp huyện, tỉnh. Đặc biệt, quá trình triển khai, Trung tâm chú trọng xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ gắn với đầu ra của sản phẩm. Nghĩa là các chương trình khuyến nông được thực hiện trước hết là tập trung vào các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, các tiểu vùng có nhiều tiềm năng phát triển, xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp. Đến nay bước đầu đã xây dựng được các mô hình theo chuỗi giá trị, gắn trồng trọt với chăn nuôi, qua đó phát huy tiềm năng, thế mạnh, lợi thế sản phẩm của từng địa phương.
Vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập
Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phạm Văn Trung, quá trình triển khai thực hiện mô hình khuyến nông ứng dụng công nghệ cao, Trung tâm cũng gặp không ít khó khăn, đó là: Mặc dù các mô hình, chương trình triển khai đã bám sát định hướng của ngành, Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh và nhu cầu của người dân nhưng nhìn chung các mô hình mới đang tập trung vào các lĩnh vực chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đơn lẻ trong sản xuất nông nghiệp, nhất là trong trồng trọt. Một số mô hình thử nghiệm có hiệu quả nhưng khó nhân ra diện rộng do tính chất đặc thù cây trồng, con nuôi và thị trường. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ khuyến nông chuyên trách và khuyến nông viên cơ sở mặc dù đã cơ bản đủ về số lượng nhưng số có chuyên môn phù hợp còn thiếu, gây khó khăn cho công tác thực hiện nhiệm vụ. Những bất cập này đang được Trung tâm Khuyến nông tỉnh tập trung khắc phục để mang lại hiệu quả cao cho các mô hình trong thời gian tới.
Một khó khăn nữa trong quá trình triển khai thực hiện các mô hình, đó là một số chính sách tín dụng hỗ trợ phát triển nông nghiệp của ngân hàng còn vướng mắc về quy trình, thủ tục, triển khai chậm, do vậy nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp chưa nắm bắt, chưa tiếp cận đầy đủ các cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp. Anh Lê Văn Tiên, Giám đốc HTX Dịch vụ thương mại và sản xuất nông sản an toàn Đại Hoàng cho biết: Hiện tại, mở rộng mô hình sản xuất rau an toàn trong nhà lưới, HTX cần rất nhiều vốn. Song HTX chưa thể tiếp cận chính sách "hỗ trợ lãi suất vay vốn thương mại để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa" theo tinh thần Nghị quyết 37 của HĐND tỉnh về "Phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình", vì phía Ngân hàng cho biết vẫn chưa có quy trình hướng dẫn thực hiện vấn đề này. Do vậy, tôi mong sớm được các cấp, các ngành xem xét, hỗ trợ để có thêm động lực mở rộng mô hình"- anh Lê Văn Tiên nói.
Khó khăn của HTX Dịch vụ thương mại và sản xuất nông sản an toàn Đại Hoàng cũng là khó khăn chung của nhiều mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Chia sẻ về vấn đề này, đồng chí Phạm Văn Trung, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho rằng, quy định "hỗ trợ lãi suất vay vốn thương mại để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa" theo tinh thần Nghị quyết 37 của HĐND tỉnh là thực sự cần thiết bởi các mô hình ứng dụng công nghệ cao thường mất nhiều chi phí. Đấy là chưa kể việc đầu tư vào nông nghiệp thường chịu rủi ro rất cao. Nắm bắt được khó khăn về vốn của nông dân, thời gian qua, Trung tâm tích cực tham mưu với Sở Nông nghiệp và PTNT để sớm giải quyết vướng mắc trên. Đồng thời quá trình tổ chức triển khai mô hình khuyến nông ứng dụng công nghệ cao, Trung tâm chú trọng định hướng để nông dân- người chủ của mô hình phải luôn xác định, ngoài việc tinh thông về kỹ thuật, am hiểu về thị trường thì cũng cần chủ động hơn về nguồn vốn, có như vậy mô hình mới thực sự phát triển bền vững. Việc hỗ trợ về mặt kỹ thuật từ các cán bộ, kỹ sư của Trung tâm Khuyến nông tỉnh được xem là yếu tố kích cầu để những người nông dân đam mê, dấn thân đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. "Tôi tin chắc rằng, cùng với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao và hình thức sản xuất tiên tiến, những người nông dân sẽ thành công, làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương"- đồng chí Phạm Văn Trung nói.
Đinh Ngọc