Cho đến nay, mặc dù chưa có số liệu thống kê cụ thể về số lao động nông thôn đã "ly hương" tìm việc, nhưng hình ảnh từng đoàn người lao động đón xe đi ra các thành phố lớn vào thời điểm sau Tết Nguyên đán ngày càng nhiều và diễn ra ở hầu khắp các nơi trong tỉnh. Ông Nguyễn Văn Dung, Chủ tịch UBND xã Gia Thịnh (Gia Viễn) cho biết, hiện, toàn xã có 4.825 người trong độ tuổi lao động, nhưng chỉ có 1.932 lao động làm nông nghiệp, số lao động còn lại đi làm ăn xa. Nếu như trước đây, những người đi làm ăn xa chỉ có nam giới thì nay phụ nữ chiếm tỷ lệ không nhỏ. Riêng Hội Phụ nữ xã Gia Thịnh có 918 hội viên thì có tới gần 20% hội viên đi làm ăn xa. Công việc của chị em khá đa dạng như: giúp việc, bán hàng rong, thậm chí họ chấp nhận làm cả những việc vốn chỉ dành cho nam giới như bốc vác, phụ hồ…
Nhằm khắc phục thực trạng này, những năm qua, tỉnh ta đã ban hành nhiều quyết sách nhằm phát triển nghề và làng nghề. Sự hình thành và phát triển các làng nghề đã góp phần quan trọng vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế chung của tỉnh, nhất là khu vực nông thôn, đồng thời tạo ra giá trị sản xuất hàng năm khá lớn, giúp hàng chục nghìn lao động có việc làm ổn định. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 75 làng nghề với trên 14.000 hộ làm nghề truyền thống, thu hút 27.000 lao động tham gia sản xuất.
Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng được tỉnh ta tích cực triển khai. Năm 2012, Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã đổi mới cơ chếphân giao kế hoạch. Theo đó, cấp huyện lập kế hoạch, cấp xã thực hiện công tác dạy nghề. Từ đây, hầu hết các địa phương đều nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác dạy nghề cho lao động nông thôn. Ban chỉ đạo thực hiện Đề án ở mỗi địa phương được thành lập, nắm chắc số lượng và nhu cầu học nghề của người lao động. Tư vấn cho người lao động lựa chọn nghề học phù hợp với năng lực, sở thích và hoàn cảnh của mình, trên cơ sở đó, lên kế hoạch tổ chức đào tạo phù hợp với thời gian biểu của người lao động.
Những đơn vị tham gia dạy nghề cũng được tỉnh rà soát, thẩm định về năng lực dạy nghề, qua thẩm định, số cơ sở đủ điều kiện tham gia dạy nghề giảm từ trên 50 cơ sở, xuống còn 24 cơ sở. Những đơn vị dạy nghề đều có đơn hàng đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động ngay từ khi còn đang học nghề. Bởi thế, các học viên tham gia học nghề đều rất phấn khởi, chăm chỉ và linh hoạt ứng dụng nghề đã được học vào cuộc sống sau khi hoàn thành khóa học.
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, từ năm 2010-2012, toàn tỉnh đã tổ chức được 1.289 lớp dạy nghề như may công nghiệp, đan cói, chẻ tăm hương, đá mỹ nghệ, cơ khí, mộc, xây dựng, đính hạt cườm, đan bèo bồng... Trong đó, dạy nghề theo hình thức dài hạn cho 14.000 người, chiếm trên 29%, dạy nghề ngắn hạn cho 34.815 người, chiếm trên 70%. Riêng năm 2013, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho 17.000 lao động nông thôn.
Thế nhưng, trên thực tế, tỷ lệ lao động duy trì nghề sau đào tạo còn thấp. Ông Nguyễn Văn Dung, Chủ tịch UBND xã Gia Thịnh (huyện Gia Viễn) cho biết, trước đây, lao động của xã được dạy nghề mây tre đan, thêu ren. Tuy nhiên, sau khi làm nghề được một thời gian ngắn, hầu hết lao động địa phương đành để mất nghề. Ông Dung giải thích, thu nhập thấp là nguyên nhân chính khiến nghề không "níu chân" được người lao động. Nếu làm miệt mài, thu nhập của người lao động chỉ đạt 20 nghìn đồng/ngày. Tuy nhiên, do đơn vị nhập sản phẩm ở xa, các lao động trong xã phải trả chi phí thuê xe chở hàng đến tận doanh nghiệp. Đó còn chưa kể, những sản phẩm làm ra còn bị loại do chưa đạt tiêu chuẩn… số tiền còn lại chẳng đáng là bao. Cá biệt, các lao động học nghề điện, hàn dân dụng… thì hầu như không duy trì nghề vì mức lương doanh nghiệp trả cho người lao động mới chỉtừ 1.000.000-1.500.000 đồng/tháng. Trong khi đó, nếu làm việc tự do, thậm chí đơn giản nhất như đi phụ hồ mỗi ngày người lao động cũng kiếm được ít nhất 100.000 đồng, tương đương mức trên 2,5 triệu đồng/tháng.
ở xã Quảng Lạc (Nho Quan) lại có thực tế khác. Ông Bùi Văn Thể, Chủ tịch UBND xã nói: Xã Quảng Lạc đã tổ chức được 14 lớp dạy nghề trồng nấm cho hơn 500 lao động nông thôn. Tuy nhiên, sau đào tạo nghề đến nay, rất ít lao động làm nghề. Nguyên nhân, vì người lao động thiếu vốn để làm nghề. Anh Bắc, một trong những lao động đã qua đào tạo nghề trồng nấm nói: "Tôi có đi tham khảo kinh nghiệm và tham quan một vài mô hình trồng nấm ở trong và ngoài tỉnh. Dự định, sau khi đi thực tế về sẽ xây dựng lán trại để trồng nấm. Tuy nhiên, để làm được tối thiểu tôi phải có vài chục triệu vốn đầu tư ban đầu. Nhưng tôi không thể tìm đâu ra số tiền ấy". "Lực bất tòng tâm", dù không muốn, song vì cuộc sống mưu sinh, anh Bắc đành lên tàu vào Nam kiếm kế sinh nhai.
Việc lao động nông thôn ồ ạt bỏ làng ra các thành phố lớn tìm việc đã gây ra nhiều hệ lụy, trong đó, thấy rõ nhất là thực trạng thiếu trầm trọng lao động trong sản xuất nông nghiệp. Để "níu" chân được người lao động ở lại với làng, với ruộng đồng thì không còn cách nào khác là phải tạo điều kiện để họ có thể sống và nâng cao chất lượng cuộc sống ngay tại quê hương. Muốn vậy, bên cạnh những giải pháp "dài hơi" như: tái cơ cấu nền nông nghiệp, từng bước hướng đến một nền sản xuất nông nghiệp hiện đại; tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp về đầu tư tại quê hương… thì trước mắt, công tác dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn cần phải tiếp tục được đổi mới, nâng cao hiệu quả hơn nữa. Có như vậy, người nông dân vững tâm mới bám ruộng, bám làng thay vì mạo hiểm tìm kiếm tương lai ở những miền đất khác.
Đào Hằng