Nhân Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, phóng viên Báo Ninh Bình có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Văn hóa thể thao về công tác gia đình của tỉnh hiện nay. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn.
Để ngọn lửa yêu thương sưởi ấm mỗi gia đình
Phóng viên:Xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật của công tác gia đình ở tỉnh ta những năm qua?
Đ/c Nguyễn Mạnh Cường: Quán triệt sâu sắc quan điểm "Xây dựng gia đình là vấn đề lớn, hết sức hệ trọng của dân tộc và của cả thời đại" và "Đầu tư cho gia đình là đầu tư cho sự phát triển bền vững", những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành trong tỉnh ưu tiên đầu tư, bảo đảm nguồn lực, đồng thời huy động sự đóng góp của toàn xã hội cho công tác gia đình.
Cùng với triển khai các cuộc vận động, phong trào thi đua gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh..., cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp, đặc biệt các xã, phường, các làng, bản, tổ dân phố đã phát động và ký cam kết "Xây dựng gia đình văn hóa", trong đó nhấn mạnh vai trò chủ thể của từng cá nhân, gia đình.
Các cơ quan, đoàn thể đã tích cực tham gia công tác gia đình và xây dựng gia đình văn hóa, thông qua các hoạt động phối hợp, ký kết liên ngành. Nhờ đó, số lượng và chất lượng gia đình văn hóa ngày càng được nâng lên. Các mục tiêu của Chiến lược phát triển gia đình đã được triển khai và thực hiện có hiệu quả.
Đặc biệt, các chỉ tiêu phấn đấu: Phát triển giáo dục, giảm hộ nghèo, công tác dân số/ kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được cải thiện… có bước chuyển biến rõ nét, tạo động lực quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, công tác gia đình hiện vẫn còn bộc lộ một số tồn tại như: Việc quán triệt thực hiện Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, các chính sách đối với gia đình và công tác gia đình có nơi chưa được thường xuyên. Mặt trái của nền kinh tế thị trường và lối sống thực dụng ích kỷ, đề cao tự do cá nhân… đã tác động tiêu cực đến giá trị truyền thống và lối sống tốt đẹp trong đời sống gia đình. Đặc biệt, là tình trạng bạo lực gia đình vẫn còn xảy ra…
Phóng viên: Để góp phần hạn chế bạo lực gia đình, Ngành Văn hóa đã quan tâm và thực hiện các giải pháp gì, thưa đồng chí?
Đ/c Nguyễn Mạnh Cường: Hiện chúng ta đã có nhiều bộ Luật được ban hành nhằm bảo vệ phụ nữ và trẻ em như: Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình… Tuy nhiên, để mọi đối tượng biết và hiểu được nội dung của các bộ Luật này thì chúng ta phải tăng cường công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức thiết thực và hiệu quả. Cùng với đó, tiếp tục duy trì có hiệu quả mô hình phòng chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) tại 143/143 xã, phường, thị trấn.
Các Ban chỉ đạo mô hình PCBLGĐ được lồng ghép vào Ban chỉ đạo công tác gia đình cấp xã. Đến nay, tại mỗi thôn, xóm, bản, phố đều thành lập một CLB "Gia đình phát triển bền vững", một nhóm PCBLGĐ hoặc một "Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng". Các CLB, nhóm PCBLGĐ và địa chỉ tin cậy đều tổ chức hoạt động thường xuyên và có hiệu quả, giúp thay đổi nhận thức, hành vi của các thành viên trong gia đình, dần hóa giải những bất hòa, rạn nứt hôn nhân, đẩy lùi những xung đột, bạo lực trong từng gia đình.
Giao lưu "Cùng xây tổ ấm" tại xã Ninh Vân (Hoa Lư) nhân Ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2020). Ảnh tư liệu: Minh Quang
Một số mô hình PCBLGĐ hoạt động tích cực, hiệu quả, tiêu biểu có thể kể đến, như mô hình PCBLGĐ tại xã Ân Hòa, Như Hòa, Thượng Kiệm (huyện Kim Sơn); xã Khánh Nhạc (huyện Yên Khánh); xã Mai Sơn (huyện Yên Mô)… Công tác phòng ngừa, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình đã được chính quyền, đoàn thể và người dân quan tâm hơn.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 1.551 nhóm PCBLGĐ; 1.410 CLB xây dựng gia đình phát triển bền vững; 170 cơ sở y tế khám, chữa bệnh và tạm lánh cho nạn nhân bạo lực gia đình. Cùng với đó, tại các xã, phường, thị trấn thành lập 143 đường dây nóng, 1.169 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng, sẵn sàng tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân khi xảy ra BLGĐ; thường xuyên bám sát tình hình dân cư, phát hiện, hòa giải kịp thời các vụ xung đột, mâu thuẫn trong gia đình...
Việc thực hiện các bước trong quy trình hỗ trợ, can thiệp, xử lý đối với các trường hợp bạo lực gia đình nhìn chung đảm bảo tính nhanh chóng, phù hợp, tuân thủ quy định của pháp luật. Việc bố trí nơi tạm lánh, hỗ trợ tư vấn và khám, chữa bệnh cho nạn nhân bạo lực gia đình được thực hiện tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn, giúp cho công tác hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình được kịp thời.
Trong năm 2021, trên địa bàn tỉnh đã có 37 vụ bạo lực gia đình được xử lý. Trong số 37 nạn nhân của BLGĐ, đã có 33 người được tư vấn (tâm lý, tinh thần, pháp luật..), 6 người được tư vấn và chăm sóc, hỗ trợ sau khi bị bạo lực và có 2 người được tư vấn và đào tạo nghề, giới thiệu việc làm.
Phóng viên: Ngày Gia đình Việt Nam năm 2022 có chủ đề "Gia đình bình an - xã hội hạnh phúc" chủ đề này có ý nghĩa như thế nào, thưa đồng chí?
Đ/c Nguyễn Mạnh Cường: Mỗi năm, Ngành Văn hóa thường chọn một chủ đề, thông điệp ẩn chứa những ý nghĩa nhân văn, giáo dục để hướng đến mục tiêu chung là xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Chủ đề năm nay là "Gia đình bình an - xã hội hạnh phúc" nhằm khơi dậy những giá trị tốt đẹp của mỗi gia đình. "Mỗi gia đình là một tế bào của xã hội", vì vậy, mỗi "tế bào" khỏe mạnh sẽ góp phần tạo nên một cộng đồng xã hội khỏe mạnh, bình an và hạnh phúc.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có nhiều phong trào được triển khai, nhiều mô hình được thực hiện, góp phần tích cực vào việc giáo dục đời sống gia đình như: Mô hình "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc" và các phong trào xây dựng "Gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc và văn minh", "Gia đình 5 không, 3 sạch", "Góc tư vấn về giáo dục đời sống gia đình, giáo dục trước hôn nhân, tư vấn tiền hôn nhân" của Hội Phụ nữ; mô hình "Dòng họ tự quản", "Xóm, phố bình yên, gia đình hạnh phúc" của Công an tỉnh; phong trào xây dựng "Gia đình nông dân hạnh phúc" của Hội Nông dân; phong trào "Ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo" của Hội Người Cao tuổi; công tác phối hợp, quản lý, giáo dục thanh, thiếu niên hư, chậm tiến có nguy cơ vi phạm pháp luật tại các địa phương trong tỉnh… đã khơi dậy truyền thống tốt đẹp trong gia đình, tạo nên nền nếp, gia phong, tôn ti trật tự, sự êm ấm của gia đình.
Hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam năm 2022, Ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, coi đây là giải pháp chính để tăng cường công tác giáo dục đời sống gia đình, góp phần cung cấp tới từng gia đình các kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc, kỹ năng làm cha mẹ, kỹ năng ứng xử giữa các thành viên trong gia đình với nhau và với cộng đồng.
Giáo dục và vận động mọi gia đình tự nguyện, tự giác, tích cực thực hiện nếp sống văn hóa văn minh, kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam gắn với xây dựng những giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển, tích cực xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.