Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, đến thời điểm này, các hoạt động chăm lo Tết cho người nghèo trên địa bàn tỉnh ta đã được thực hiện như thế nào?
Đ/c Lê Thị Lựu: Theo thống kê, tính đến cuối năm 2020, toàn tỉnh còn gần 6 nghìn hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,87% và trên 9,7 nghìn hộ cận nghèo; trên 22 nghìn người có công hưởng trợ cấp hàng tháng.
Với mục tiêu đảm bảo không để một hộ nghèo nào không có Tết, ngay từ cuối năm 2020, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các địa phương, sở, ban, ngành, đoàn thể tập trung mọi nguồn lực, vận động các doanh nghiệp để cùng chung tay chăm lo Tết cho người nghèo. Đến nay, tỉnh ta đã tiếp nhận quà tặng của Chủ tịch nước với tổng kinh phí trên 8 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương để trao tặng đến tận tay người có công với cách mạng. Ngoài ra, tỉnh ta cũng trích kinh phí gần 7 tỷ đồng hỗ trợ cho người nghèo, cận nghèo đón Tết. Trong đó, 50 hộ nghèo khó khăn đột xuất với mức quà 1,3 triệu đồng/hộ; hỗ trợ hộ nghèo với mức 500 nghìn đồng/hộ và 400 nghìn đồng/hộ cận nghèo. Cùng với đó, tỉnh ta còn dành nguồn kinh phí lớn khác để hỗ trợ các đối tượng như: Trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, giáo viên mầm non ngoài biên chế, gia đình có thân nhân đang làm việc ở biên giới, hải đảo; các tập thể có các thương, bệnh binh đang điều trị, an dưỡng. Cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, các địa phương cũng chủ động thực hiện nhiều hoạt động chăm lo cho người có công, người nghèo.
PV: Đã thành nét đẹp truyền thống, mỗi dịp Tết đến, Xuân về cũng là thời điểm các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân dành nhiều phần quà cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Sự chung tay, góp sức của cộng đồng có ý nghĩa như thế nào, thưa đồng chí?
Đ/c Lê Thị Lựu: Ngoài nguồn hỗ trợ từ ngân sách, các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm cũng tích cực chia sẻ khó khăn, chăm lo Tết cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách.
Cùng với các tổ chức như Hội Chữ thập đỏ, việc chung tay chăm lo Tết cho người nghèo cũng thu hút sự hưởng ứng, tham gia của nhiều tổ chức, doanh nghiệp. Tiêu biểu như Tập đoàn Vinggroup, Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel… đã tặng hàng nghìn suất quà cho hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Có thể thấy, với sự vào cuộc tích cực của các cơ quan, ban, ngành, tổ chức xã hội, những nhà hảo tâm, bằng nhiều hoạt động thiết thực chăm lo Tết cho người nghèo, đối tượng chính sách, tin rằng mọi người, mọi nhà sẽ đón một cái Tết cổ truyền đầm ấm, an vui. Hơn thế, những tình cảm của cộng đồng còn thể hiện niềm tin, nguồn động viên to lớn để người nghèo vươn lên xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.
PV: Để nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội thì cốt lõi vẫn là phải làm tốt công tác giảm nghèo bền vững. Năm 2020 là năm chịu nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, song công tác giảm nghèo ở tỉnh ta vẫn vượt chỉ tiêu kế hoạch được giao. Đồng chí có thể chia sẻ thêm về kết quả này?
Đ/c Lê Thị Lựu: Để mọi người dân đều được hưởng một cuộc sống ấm no, hạnh phúc thì mấu chốt vẫn phải làm tốt công tác giảm nghèo bền vững. Đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm còn 1,87%, vượt chỉ tiêu kế hoạch được giao. Với kết quả này, tỉnh Ninh Bình là một trong những địa phương được đánh giá cao trong cả nước.
Có thể nói, giảm nghèo là một quá trình liên tục, phương pháp giảm nghèo phải luôn đổi mới, sáng tạo để phù hợp với thực tiễn. Những năm qua, để giảm nghèo hiệu quả, với phương châm "cho cần câu hơn xâu cá", các ngành, địa phương trong tỉnh đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho người lao động nông thôn, nhất là lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Đặc biệt, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đã tích cực, chủ động tham mưu với UBND tỉnh ban hành các chính sách đặc thù nhằm giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, hộ có hoàn cảnh khó khăn, hộ thuộc địa bàn 55 xã đặc thù của tỉnh đã được tiếp cận với các chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi đi xuất khẩu lao động, du học nghề nhằm từng bước ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững. Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 106.227 người (bình quân mỗi năm tạo việc làm cho 21.245 lao động, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Sở lần thứ VIII và Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI), trong đó có 5.908 người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Đặc biệt, phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau" bước đầu đã lan tỏa tới các cơ quan, đơn vị và cộng đồng dân cư. Các xã, phường, cộng đồng dân cư thi đua đoàn kết giúp, hỗ trợ người nghèo phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống và cùng nhau vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Đã thực hiện hỗ trợ cho 83.172 lượt học sinh với tổng kinh phí thực hiện trên 97 tỷ đồng. Đã hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh cho 20 nghìn lượt người nghèo, cận nghèo, với tổng kinh phí trên 10 tỷ đồng; hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh cao cho 254 lượt người cận nghèo với tổng kinh phí trên 210 triệu đồng. Tỷ lệ BHYT đạt bao phủ 90,24% dân số, vượt 4,04% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao; có 250.976 lượt hộ nghèo, hộ chính sách xã hội được hỗ trợ tiền điện với tổng kinh phí thực hiện 38,4 tỷ đồng; trên 200 lượt người thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số được trợ giúp pháp lý miễn phí…
Ngoài ra, tỉnh ta cũng đã thực hiện đồng bộ, toàn diện nhiều giải pháp nhằm đảm bảo an sinh xã hội. Điển hình như chăm lo tốt cho đời sống người có công với cách mạng; ban hành chính sách hỗ trợ các đối tượng thuộc hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh và hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện mức hỗ trợ từ 800 nghìn đồng - 1 triệu đồng/người/tháng; công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, nhất là các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được chú trọng.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Đào Hằng (thực hiện)