Phóng viên (P.V): Là địa phương thu hút hàng nghìn lượt khách du lịch đến lễ phật và tham quan mỗi ngày, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm được triển khai chỉ đạo như thế nào, thưa ông?
Ông Ngô Văn Hà: Xã Gia Sinh có 1.901 hộ với 7.238 khẩu. Mỗi ngày, địa phương đón hàng nghìn lượt khách du lịch về tham quan chiêm bái Chùa Bái Đính. Hiện nay, để phục vụ nhân dân trong xã và khách du lịch, toàn xã có 48 nhà hàng, hộ kinh doanh ăn uống và hàng chục cơ sở sản xuất thực phẩm, phục vụ ăn uống nhỏ lẻ như giò chả, bánh bún, giết mổ gia súc, gia cầm, quán ăn…
Những năm qua, cùng với việc phát triển du lịch theo hướng văn minh, chuyên nghiệp thì công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm phục vụ khách du lịch được địa phương xác định là nhiệm vụ trọng tâm nhằm quảng bá hình ảnh đất và người Gia Sinh. Theo đó, trước những ngày lễ, Tết, lễ hội, địa phương đều xây dựng kế hoạch và triển khai công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, tập huấn kiến thức, kiểm tra kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm được tăng cường. Chú trọng đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức, kiến thức thực hành an toàn thực phẩm phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể; làm rõ vai trò của người sản xuất, kinh doanh dịch vụ thực phẩm trong việc đảm bảo chất lượng theo quy định của pháp luật; thông tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông các cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, các sản phẩm độc hại, không đảm bảo chất lượng để người tiêu dùng biết và phòng tránh…
Đặc biệt, hàng tháng địa phương đều tổ chức đoàn đi kiểm tra công tác an toàn thực phẩm đối với các đơn vị kinh doanh ăn uống. Chất lượng các cuộc kiểm tra ngày được nâng lên với việc tham gia của các đơn vị như y tế, các tổ chức đoàn thể. Công tác kiểm tra được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các mặt hàng được sử dụng nhiều và các cơ sở không đạt yêu cầu trong những lần kiểm tra trước, cũng như các cơ sở có dấu hiệu vi phạm an toàn thực phẩm. Trong quá tình kiểm tra, xã kết hợp tuyên truyền, giáo dục kiến thức, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng trong công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện các cơ sở vi phạm sẽ kiên quyết xử lý theo đúng các quy định của pháp luật và tuyệt đối không để các sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm lưu thông trên thị trường, gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng. Với những nỗ lực đó, từ nhiều năm nay Gia Sinh không để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào.
P.V: Từ thực tiễn địa phương, ông có thể chia sẻ một số kinh nghiệm để làm tốt công tác đảm bảo an toàn thực phẩm?
Ông Ngô Văn Hà: Đến thời điểm này, Gia Sinh vẫn chưa để xảy ra vụ ngộ độc nào cho cả du khách lẫn người dân địa phương, đó là thành công bước đầu. Làm nên thành công ấy, quan trọng nhất phải kể đến là đã huy động được sự tham gia nhiệt tình của mọi người dân. Người dân vừa là người tiêu dùng, vừa là người giám sát tốt nhất việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm.
Trước đây người dân trong xã tiêu dùng chủ yếu dựa vào thói quen. Họ chỉ sử dụng và mua những thực phẩm ở chỗ quen mà không quan tâm nhiều đến vấn đề an toàn của những thực phẩm ấy. Còn đối với những hộ kinh doanh mặt hàng ăn uống thì thường trốn tránh mỗi khi có đoàn kiểm tra của xã tới làm việc... Trước thực trạng đó, xã xác định muốn thu hút được sự quan tâm của người dân đối với công tác an toàn vệ sinh thực phẩm thì công tác tuyên truyền phải được thực hiện đồng bộ, có hiệu quả. Theo đó, xã tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách để lựa chọn những thực phẩm an toàn. Muốn biết được sản phẩm an toàn thì phải biết rõ nguồn gốc xuất xứ; đối với người bán, khi nhập sản phẩm phải có nhãn mác, xuất xứ, ngày sản xuất rõ ràng thì mới nhập về để bán. Đối với người tiêu dùng, khi mua phải biết rõ sản phẩm này là của cơ sở nào, hãng nào sản xuất và chất lượng các sản phẩm này như thế nào… Còn đối với những cơ sở kinh doanh ăn uống, xã tuyên truyền để họ hiểu sức khỏe người tiêu dùng sẽ làm nên thương hiệu của mỗi nhà hàng, cơ sở phục vụ ăn uống. Và thông qua việc kiểm tra, chúng tôi sẽ giúp họ chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế để hoàn thiện hơn quy trình lựa chọn, chế biến, phục vụ khách hàng một cách an toàn, khoa học. Thấy rõ lợi ích đó, dần dần người dân và những cơ sở kinh doanh mặt hàng ăn uống đã quan tâm nhiều hơn đến công tác an toàn vệ sinh thực phẩm. Thậm chí, có những nhà hàng chủ động đề nghị đoàn tới kiểm tra, tư vấn để làm tốt hơn nữa công tác an toàn vệ sinh thực phẩm.
P.V: Tháng hành động vì an toàn vệ sinh thực phẩm năm 2015 có chủ đề là "Sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn". Đến thời điểm này, Gia Sinh đã triển khai như thế nào thưa ông?
Ông Ngô Văn Hà: Theo kế hoạch, Tháng hành động vì an toàn vệ sinh thực phẩm năm 2015 với chủ đề "sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn" sẽ được phát động từ ngày 15-4 đến 15-5-2015. Thực hiện kế hoạch của Ban chỉ đạo liên ngành các cấp về triển khai Tháng hành động phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên; Các đơn vị thành viên Ban chỉ đạo cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai. Nội dung chính trong Tháng hành động chủ yếu tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, kiến thức, thái độ, thực hành về vệ sinh an toàn thực phẩm cho đối tượng sản xuất, sơ chế, giết mổ, chế biến, kinh doanh rau, thịt tại các chợ… Bên cạnh công tác tuyên truyền nhiệm vụ chính mà xã triển khai trong Tháng hành động chính là tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện các điều kiện đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; tổ chức nói chuyện chuyên đề, tập huấn, hội thảo, phát thanh trên loa phát thanh của xã, băng zôn, tờ rơi, băng đĩa… để mỗi người dân đều có ý thức, kiến thức nhất định để lựa chọn cho mình và gia đình những thực phẩm sạch.
Ngoài các hoạt động thường xuyên đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, xã xác định Tháng hành động còn là điểm nhấn trong năm phát động chiến dịch truyền thông đẩy mạnh các hoạt động vì chất lượng vệ sinh thực phẩm và chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể và các bệnh truyền qua thực phẩm do sử dụng thực phẩm nói chung và rau thịt nói riêng. Đây là dịp để nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể chính trị xã hội và trách nhiệm của cộng đồng, trong đó có người tiêu dùng đối với công tác đảm bảo an toàn thực phẩm.
P.V: Xin cảm ơn đồng ông!
Đào Hằng (thực hiện)