LÀNG NGHỀ ĐỐI MẶT NHIỀU THÁCH THỨC
Tính đến hết năm 2016, trên địa bàn tỉnh đã có 81 làng nghề được UBND tỉnh công nhận, trong đó có 5 làng nghề chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; 64 làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ (11 làng nghề chế tác đá, 4 làng nghề thêu ren, 39 làng nghề cói, 7 làng nghề mây tre đan, tăm hương, 2 làng nghề mộc, 1 làng nghề gốm sứ); 11 làng nghề gây trồng kinh doanh sinh vật cảnh và 1 làng nghề nề xây dựng.
Phần lớn các làng nghề có hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định, tạo việc làm thu nhập cho lao động nông thôn. Tuy nhiên qua khảo sát của Sở Công thương, hiện nay nhiều làng nghề hoạt động cầm chừng, thậm chí có 6 làng nghề không đáp ứng được tiêu chí làng nghề đã ngừng hoạt động từ nhiều năm nay.
5 năm về trước, làng nghề chẻ tăm hương Văn Hà, xã Gia Phương, huyện Gia Viễn hoạt động rất sôi động. Bà Trần Thị Vinh, nguyên Chủ tịch Hội phụ nữ xã Gia Phương nhớ lại: Năm 2005, khi thấy nghề chẻ tăm hương ở các xã lân cận phát triển rầm rộ, bà Vinh đã cùng một số chị em hội viên trong xã sang hàng xóm "học mót" nghề. Khi đã thạo nghề, bà phải lặn lội sang tận xã Gia Trung để lấy nguyên liệu đem về cho chị em làm.
Nhận thấy đây là một nghề phù hợp cho lúc nông nhàn có thể tận dụng lao động nông thôn mọi lúc, mọi nơi lại cho thu nhập ổn định nên với sự năng động của Chủ tịch Hội phụ nữ xã, bà Vinh đã liên hệ với doanh nghiệp thu mua tăm hương ở Hà Tây về phát triển nghề ở làng.
Sau khi nghề về, cấp ủy, chính quyền, nhân dân đều đồng tình hưởng ứng, tỷ lệ người tham gia làm nghề đạt cao. Doanh nghiệp thu mua sản phẩm ổn định nên địa phương đã đề nghị Sở Công thương xem xét công nhận làng nghề truyền thống Văn Hà vào năm 2008. Những tưởng nghề chẻ tăm hương đã trở thành một nghề trụ vững tại đây thì đến năm 2012, doanh nghiệp đột ngột ngừng thu mua mà không có bất kỳ một lý do gì giải thích cho người dân.
Nhiều người sau khi nhập sản phẩm lần cuối đã mất trắng cả vài triệu đồng. Số tiền có thể không lớn nhưng với giá nhân công vài chục nghìn/ngày của người nông dân thì đây là sự rủi ro đáng tiếc. Theo thống kê không đầy đủ thì hiện doanh nghiệp đang nợ hàng chục triệu đồng ngày công lao động của người dân.
Cũng nằm trong tình trạng làng nghề được công nhận nhưng chỉ sau một thời gian ngắn đã bị xóa sổ đó là làng nghề chẻ tăm hương Thần Lũy 2, xã Đức Long, huyện Nho Quan. Làng nghề cũng được công nhận năm 2008 và chỉ sau 4 năm hoạt động, làng nghề đã biến mất cùng với sự rút lui của doanh nghiệp.
Theo phản ánh của người dân thì hiện doanh nghiệp còn nợ các hộ gần 100 triệu đồng. Một số cá nhân là đầu mối thu mua sản phẩm của người dân đã đến tận công ty thu mua tại Hà Tây để tìm hiểu nguyên nhân thì được biết doanh nghiệp này cũng thu mua và bán sang Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện nay thị trường Trung Quốc cũng ngừng thu mua sản phẩm nên công ty không tiếp tục nhập hàng.
Lý giải về việc các làng nghề ở nông thôn ngừng hoạt động trong thời gian qua, đại diện Sở Công thương cho biết: Theo kết quả điều tra, khảo sát hiện có 6 làng nghề dừng hoạt động, không đáp ứng tiêu chí làng nghề là Làng nghề sản xuất cốt chăn bông Nhân Lý, xã Ninh Mỹ (huyện Hoa Lư). Làng nghề chẻ tăm hương Thần Lũy 2, xã Đức Long (huyện Nho Quan).
Làng nghề chẻ tăm hương Văn Hà, xã Gia Phương (huyện Gia Viễn). Làng nghề cói xóm 7, xã Yên Lộc (huyện Kim Sơn). Làng nghề cói xóm 10, xã Khánh Nhạc. Làng nghề mây tre đan Đông Thịnh - La Bình, xã Khánh Vân (huyện Yên Khánh).
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các làng nghề dừng hoạt động là do trên địa bàn làng nghề không có doanh nghiệp, cơ sở đầu mối thực hiện cung cấp nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm, chủ yếu hiện nay là mô hình các tổ hợp có quy mô nhỏ, không đủ khả năng tìm kiếm nguồn hàng và tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm làng nghề.
Bên cạnh đó, một số sản phẩm của làng nghề như cốt chăn bông Lý Nhân (xã Ninh Mỹ- Hoa Lư), mây tre đan Đông Thịnh, La Bình (xã Khánh Vân, Yên Khánh)… mẫu mã sản phẩm đơn giản, chưa thỏa mãn được thị hiếu ngày càng cao của khách hàng hiện nay. Sản phẩm của các làng nghề chưa mang tính cạnh tranh so với sản phẩm cùng loại trên thị trường nên buộc phải dừng sản xuất.
Bên cạnh những làng nghề chính thức bị xóa sổ thì hiện nay Ninh Bình có tới 17 làng nghề hoạt động cầm chừng, hiệu quả kém, chủ yếu ở các lĩnh vực như cói, mây tre đan, thêu ren. Quy mô hoạt động của làng nghề này còn khá nhỏ lẻ và manh mún, hoạt động không thường xuyên, đa số chỉ sản xuất vào các thời điểm nông nhàn nhưng chỉ ở mức độ duy trì, lao động làm nghề chủ yếu là lao động ngoài độ tuổi, tuy nhiên việc đáp ứng tiêu chí công nhận làng nghề theo quy định cơ bản vẫn đảm bảo.
Nguyên nhân việc giảm sút về quy mô hoạt động của các làng nghề là do chịu sự tác động của quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn nên các nghề truyền thống với thu nhập không cao không còn là sự lựa chọn của phần lớn người dân nông thôn trong độ tuổi lao động.
Đánh giá về những khó khăn mà làng nghề truyền thống đang đối mặt, đồng chí Trần Duy Tuấn, Phó Giám đốc Sở Công thương nhận định: Hoạt động làng nghề trên địa bàn tỉnh chủ yếu mang tính tự phát, chưa hình thành được các Hiệp hội, Hội nghề nghiệp hoặc mô hình Ban quản lý, tổ tự quản trong làng nghề để giúp đỡ, hỗ trợ các hộ sản xuất trong làng nghề tiếp cận với các chính sách của Nhà nước…
Qua đó kịp thời đưa ra các kiến nghị góp phần hỗ trợ làng nghề phát triển ổn định, bền vững. Theo số liệu thống kê các làng nghề và kết quả điều tra, khảo sát trên phạm vi toàn tỉnh cho thấy mới chỉ có 23/81 làng nghề đã thành lập được Ban quản lý. Tuy nhiên, vai trò của Ban quản lý vẫn chưa được phát huy để khuyến khích các thành viên trong làng nghề phát triển, mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Mặc dù làng nghề truyền thống đang đối mặt với nhiều thách thức, song phải khẳng định làng nghề là một nhân tố quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đóng góp tích cực vào việc xây dựng nông thôn mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội khu vực nông thôn. Chính vì thế, để làng nghề có thể khẳng định được chỗ đứng trong thời kỳ hội nhập, đòi hỏi cần thực hiện tái cơ cấu lại các làng nghề.
PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ PHẢI PHÙ HỢP YÊU CẦU CỦA NÔNG THÔN MỚI
Trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang bùng nổ, sản phẩm của các làng nghề truyền thống đứng trước những thách thức mới của cơ chế thị trường. Tuy vậy, sản phẩm do một số làng nghề truyền thống làm ra vẫn được thị trường chấp nhận. Vì vậy, việc tìm giải pháp để phát triển bền vững các làng nghề truyền thống là cần thiết…
Sản phẩm của làng nghề gốm xã Gia Thủy (Nho Quan). Ảnh: Xuân Tứ
Bên cạnh những làng nghề đang có nguy cơ mai một, thì nhiều làng nghề trong tỉnh trở thành nhân tố tích cực trong phát triển kinh tế, xã hội khu vực nông thôn. Theo số liệu của Phòng Công thương huyện Nho Quan, hiện nay riêng xã Gia Thủy có 2 làng nghề hoạt động kinh doanh ổn định và có xu hướng phát triển tốt đó là làng nghề gốm sứ và làng nghề thêu ren xã Gia Thủy.Hiện nay số lao động hoạt động nghề gốm sứ là 100 người, sản xuất các mặt hàng như chum, vại…, thu nhập bình quân từ 4,5-5 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu của làng nghề năm 2015 đạt 3,1 tỷ đồng. Cùng với đó, làng nghề thêu ren có số lao động 152 người, sản xuất các mặt hàng như đính hạt cườm, thêu tranh lụa…, thu nhập bình quân đạt 2 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu năm 2015 đạt 2,1 tỷ đồng.
Ông Trần Văn Mạnh, Phó phòng Công thương huyện Nho Quan cho biết: Trong cả 2 làng nghề hầu như không có lao động nông nhàn, nhiều hộ từ hoạt động của làng nghề đã vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của các làng nghề hiện nay chính là mặt bằng sản xuất, đất chật người đông, làng nghề và các hộ làm nghề hầu hết là nằm đan xen trong khu dân cư nên mặt bằng sản xuất chật hẹp, không có điểm tập kết nguyên vật liệu phục vụ sản xuất.
Vì vậy, chính quyền cũng như người dân xã Gia Thủy đều mong muốn được quy hoạch và xây dựng riêng cho các hộ làm nghề sản xuất hàng hóa, tạo thuận lợi cho công tác quản lý, xử lý ô nhiễm môi trường cũng như giao dịch thương mại sản phẩm hàng hóa.
Vừa qua, Sở Công thương đã tiến hành rà soát lại các làng nghề trên địa bàn tỉnh. Qua điều tra cho thấy, hiện toàn tỉnh có 58/81 làng nghề đang hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định và có hướng phát triển tốt.
Nhìn chung, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các làng nghề sau khi công nhận vẫn tiếp tục phát triển, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lực lượng lao động khu vực nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới. Một số làng nghề đã xây dựng được thương hiệu có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường, góp phần duy trì, bảo tồn di sản văn hóa truyền thống dân tộc, tạo ra các sản phẩm đặc sản của địa phương để phục vụ phát triển du lịch.
Người dân ở những nơi có làng nghề vẫn "sống khỏe" nhờ nghề truyền thống, nguyên nhân là do các làng nghề trên địa bàn có từ 1-2 doanh nghiệp đầu mối hoạt động hiệu quả trong việc cung cấp đơn hàng và thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định, các sản phẩm làng nghề không chỉ phục vụ trong nước mà còn xuất khẩu. Chính vì thế, số lao động trong làng nghề tiếp tục được duy trì.
Theo thống kê, số hộ tham gia vào hoạt động nghề là 11.477 hộ với 21.148 lao động, tổng số doanh thu của các làng nghề đạt 668,1 tỷ đồng, thu nhập của người lao động ổn định mức 2,6 triệu đồng/người/tháng. Một số nghề như mộc mỹ nghệ, nề xây dựng, ẩm thực bún, bánh có mức thu nhập khá cao, từ 4-5 triệu đồng/người/tháng.
Phát triển làng nghề nông thôn là một trong những nội dung lớn của tỉnh nói chung và của các huyện, thành phố nói riêng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhằm giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho lao động nông thôn, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng CNH, HĐH gắn với xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Hoan, Trưởng phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công thương: Việc duy trì phát triển các làng nghề vẫn còn gặp rất nhiều tồn tại và khó khăn: Sản xuất làng nghề còn mang tính tự phát, phân tán, thiếu tính bền vững, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, vốn ít, chủ yếu là hộ gia đình nên việc đầu tư, cải tiến và áp dụng công nghệ còn hạn chế, chất lượng sản phẩm và trình độ thẩm mỹ chưa cao, khả năng cạnh tranh thấp so với các mặt hàng khác.
Bên cạnh đó, do sự phát triển của các ngành công nghiệp và dịch vụ có thu nhập cao nên có sự dịch chuyển đáng kể lao động từ các làng nghề chuyển sang các lĩnh vực khác làm cho lực lượng lao động của làng nghề bị giảm sút, quy mô bị thu hẹp.
Về phía các cơ quan quản lý Nhà nước cũng chưa có cơ chế, chính sách thỏa đáng để khuyến khích phát triển nghề, làng nghề nên chưa thu hút được các nguồn lực đầu tư phát triển ngành nghề nông thôn ở các địa phương. Nguồn vốn đầu tư cho phát triển nghề, làng nghề còn hạn chế. Các nội dung hỗ trợ từ hoạt động khuyến công và xúc tiến thương mại mới đáp ứng được một phần nhu cầu phát triển nghề và làng nghề.
Ông Trần Duy Tuấn, Phó Giám đốc Sở Công thương nhấn mạnh: Tuy quan điểm chung là phải bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống nhưng đối với làng nghề sản xuất các mặt hàng mà hiện nay thị trường không có nhu cầu thì cần phải mạnh dạn xóa bỏ. Đối với những ngành nghề có tiềm năng phát triển, đang mở rộng thị trường cũng cần có hướng đầu tư phù hợp để nâng cao vị thế và sức cạnh tranh.
Để làm được điều này cần xây dựng vùng nguyên liệu ổn định; có hướng đi phù hợp giải quyết vấn đề đầu ra cho sản phẩm làng nghề truyền thống.
Cùng với đó thì việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm làng nghề là rất quan trọng để tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Và quan trọng nhất là cần có quy hoạch xây dựng nguồn nhân lực cho các làng nghề đủ về số lượng, mạnh về chất lượng để có hướng lâu dài thu hút nhiều lao động trẻ, có tài năng gắn bó với nghề.
Qua khảo sát thực trạng của các làng nghề trong tỉnh, vừa qua Sở Công thương đã đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo ban hành chính sách khuyến khích hỗ trợ làng nghề trên địa bàn tỉnh để góp phần duy trì hoạt động, giữ gìn và phát huy nghề truyền thống của địa phương.
Trong đó, quan tâm đến các chính sách ưu đãi, hỗ trợ về kinh phí cho hoạt động của các làng nghề. Tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong quản lý hoạt động của các làng nghề sau khi được công nhận, ban hành chính sách đặc thù để hỗ trợ cho các làng nghề duy trì hoạt động ổn định, giữ gìn và phát huy nghề truyền thống của địa phương.
Đẩy mạnh hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công, xúc tiến thương mại đến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tại làng nghề. Khuyến khích các hoạt động phát triển nghề, đẩy mạnh hoạt động đào tạo nghề, truyền nghề, đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm cộng đồng về công tác bảo vệ môi trường để duy trì sự phát triển bền vững của các làng nghề.
Để làng nghề sau khi được công nhận danh hiệu vẫn tiếp tục duy trì ổn định và ngày một phát triển, giữ gìn những giá trị truyền thống của nghề, ngoài sự quan tâm, khuyến khích, hỗ trợ của các cấp chính quyền, đặc biệt là chính quyền cơ sở, quan trọng nhất vẫn là sự phát huy nội lực từ chính các làng nghề.
Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ sản xuất trong làng nghề cần phải chủ động nghiên cứu đổi mới mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, có giải pháp tìm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm làng nghề để duy trì ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động trong làng nghề, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Nguyễn Thơm