Đối với con người, đất đai càng không thể thiếu được trong cuộc sống vì mọi hoạt động, làm việc và môi trường sống của chúng ta đều gắn với đất đai. Do vị trí, tầm quan trọng đặc biệt của đất đai nên từ xưa đến nay, chế độ xã hội nào cũng rất coi trọng công tác quản lý đất đai.
Đối với tỉnh Ninh Bình, trong những năm qua, thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về đất đai, công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh ta đã được cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và đạt được những kết quả tích cực, từng bước đi vào nền nếp. Nguồn lực đất đai được phát huy ngày càng hiệu quả, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Tuy vậy, do đất đai là tài nguyên rất có giá trị đối với con người, "tấc đất, tấc vàng" và không tái tạo, nên dẫn đến tình trạng lấn chiếm, chuyển nhượng đất đai trái phép vẫn diễn ra ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh ta. Việc sử dụng đất còn lãng phí, kém hiệu quả nhất là ở một số công trình, dự án thu hồi đất xong chậm đưa vào sử dụng, để đất bỏ hoang, cỏ mọc gây lãng phí nguồn lực về kinh tế rất lớn cho địa phương.
Tình trạng tranh chấp đất đai diễn ra ở nhiều nơi, là nguyên nhân của hơn 70% các vụ việc khiếu kiện của công dân, mối quan hệ giữa những người thân trong gia đình, tình làng, nghĩa xóm bị sứt mẻ… cũng chỉ vì đất; thậm chí tranh chấp đất đai còn trực tiếp dẫn đến các vụ phạm pháp hình sự đau lòng, gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…
Nguyên nhân của tình trạng trên là do công tác quản lý đất đai của cấp ủy, chính quyền ở không ít địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu về quản lý tài nguyên đất đai còn hạn chế. Hệ thống pháp luật về đất đai cũng bộc lộ bất cập, còn kẽ hở; cơ sở dữ liệu về đất đai chưa đầy đủ và khoa học. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để phục vụ công tác quản lý đất đai còn chưa kịp thời.
Công tác kiểm tra, giám sát, xử lý các trường hợp giao đất, cho thuê đất, những vi phạm về sử dụng đất không đúng mục đích, chậm tiến độ chưa tiến hành thường xuyên…
Trước những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh ta trong thời gian qua, ngày 31/7/2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 23-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, nhằm làm cho công tác quản lý đất đai ngày càng đi vào nền nếp, phát huy hiệu quả của nguồn lực đất đai trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, hạn chế đến mức thấp nhất các tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến đất đai, góp phần ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Để thực hiện nghiêm Chỉ thị số 23-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đòi hỏi cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội các cấp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đất đai và kinh doanh bất động sản đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên.
Tăng cường công tác quản lý và thực hiện nghiêm các chính sách liên quan đến đất đai, xây dựng và thực hiện nghiêm công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thực hiện đúng quy trình thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, đấu giá giá trị quyền sử dụng đất; đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất.
Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, công bố công khai các thông tin về đất đai theo quy định, thực hiện liên thông các thủ tục liên quan đến đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao dịch đất đai, từng bước ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đất đai, đảm bảo khoa học, chính xác.
Tăng cường công tác điều tra, khảo sát, đo đạc lập bản đồ, hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai. Tập trung giải quyết cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, nhất là ở các địa phương sau dồn điền, đổi thửa. Nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác thẩm định các dự án đầu tư có sử dụng đất. Làm tốt việc xác định giá đất làm cơ sở cho đấu giá quyền sử dụng đất, cho thuê đất, nhất là đất ở các vị trí khu trung tâm, khu đất có giá trị thương mại, dịch vụ cao.
Thực hiện nghiêm các quy định về thu hồi đất đối với các dự án triển khai chậm tiến độ, sử dụng đất không đúng mục đích, vi phạm pháp luật về đất đai. Kiên quyết thu hồi đất của tổ chức, cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp trong quá trình rà soát, sắp xếp tài sản công, ngăn chặn thất thoát vốn, tài sản Nhà nước.
Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các tập thể, cá nhân vi phạm pháp luật về đất đai. Tiếp tục kiện toàn bộ máy, nhân lực quản lý nhà nước về đất đai, thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn cho cán bộ, công chức ngành quản lý đất đai đồng thời đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, đáp ứng yêu cầu quản lý đất đai.
Phát huy vai trò và tạo mọi điều kiện để MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội và người dân trong việc tham gia giám sát việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đất đai.
Nguyễn Đông