"Trở về" sau hơn 40 năm
Trung tuần tháng bảy, trời mưa như trút nước, nhưng vẫn rất đông người đến đón hài cốt liệt sỹ Nguyễn Đình Quảng tại Nghĩa trang liệt sỹ phường Ninh Khánh. Không chỉ là người thân, hàng xóm, cấp ủy, chính quyền địa phương mà còn là những người đồng đội năm nào… Bởi lẽ, cuộc hội ngộ này đã được chờ đợi hơn 40 năm qua.
Trước anh linh liệt sỹ Nguyễn Đình Quảng, em trai ông- đại tá Nguyễn Đình Khánh (nguyên Trưởng khoa Hàng hải - Học viện Hải quân) òa khóc như một đứa trẻ. Nén xúc động, ông Khánh bảo cha của ông đã chờ đợi liệt sỹ Quảng cả một cuộc đời. Trước phút lâm chung, cha ông chỉ có một mong mỏi duy nhất là tìm thấy hài cốt của người con trai cả, hay đơn giản hơn là chỉ cần biết được con trai ông đang nằm lại ở mảnh đất nào. "Mẹ tôi mất sớm, một mình bố tôi nuôi anh, em tôi khôn lớn. Ngày tiễn anh tôi vào chiến trường, cha lặng lẽ chuẩn bị cho con trai những thức ăn của nhà quê để anh ăn dọc đường và một lá thư viết vội. Ông bảo, lúc rảnh rỗi thì con mang thư ra đọc. Những gì cần dặn dò, bố dặn cả ở trong đấy rồi. Anh Quảng là con trai trưởng trong gia đình, vì vậy, trong những cánh thư gửi về, anh đều dặn chúng tôi cố gắng học tập để phát huy truyền thống gia đình. Năm 1971, gia đình tôi nhận tờ giấy báo tử anh hy sinh ở chiến trường của nước bạn Lào"- ông Khánh xúc động kể.
Đất nước độc lập, hàng vạn người con ưu tú trở về trong vòng tay chờ đợi của gia đình. Nhưng liệt sĩ Nguyễn Đình Quảng thì vẫn nằm lại đâu đó với đồng đội. Đến năm 2014, khi về nghỉ hưu, đại tá Nguyễn Đình Khánh dành toàn bộ thời gian để đi tìm đồng đội, đơn vị cũ của anh trai mình. Và nỗ lực của ông đã được đền đáp, cuối cùng, đơn vị cũ đã cung cấp cho ông thông tin về sơ đồ mộ liệt sĩ Quảng và cho biết, trong ngôi mộ có một viên gạch có khắc tên liệt sĩ. Có được thông tin chính xác, ông Khánh nhờ Đội Quy tập hài cốt liệt sĩ tỉnh Nghệ An tìm kiếm. Với sự hướng dẫn nhiệt tình của người dân bản địa, cuối cùng Đội quy tập và gia đình cũng đã xác định được chính xác ngôi mộ của liệt sĩ Quảng và đưa liệt sĩ trở về với đất mẹ Ninh Khánh.
Chị Nguyễn Thị Nhung- con gái duy nhất của liệt sĩ Nguyễn Đình Quảng chia sẻ: Năm 1971, khi có giấy báo tử của bố thì tôi mới chỉ là một bào thai trong bụng mẹ. Kỷ vật ý nghĩa nhất mà ông nội trao cho tôi trước khi mất là bức thư cuối cùng của bố. Những lời răn dạy của bố đối với các em và niềm hạnh phúc của bố khi biết tin đã có tôi trên đời... là động lực, là niềm an ủi cho tôi trong cuộc sống. Hôm nay, được tận tay chạm vào bố, được đưa bố an nghỉ bên đồng đội ở mảnh đất quê nhà, đó là điều tôi mong chờ từ rất lâu rồi.
Thắp thêm niềm hy vọng
Trong các cuộc kháng chiến dành độc lập, tự do cho dân tộc, tỉnh Ninh Bình có khoảng 16 nghìn liệt sỹ, trong đó có gần 10 nghìn liệt sỹ chưa tìm thấy hài cốt. Để có thêm nhiều cuộc "trở về" như liệt sĩ Nguyễn Đình Quảng, đồng thời thực hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", trong những năm qua, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ luôn được Đảng, Nhà nước ta xác định là một trong những chủ trương lớn. Đặc biệt, ngày 27/7/2013, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1237 phê duyệt Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Thực hiện Quyết định 1237 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh ta đã tổ chức triển khai thống nhất, đồng bộ từ tỉnh xuống cơ sở, bước đầu đạt hiệu quả theo đúng tiến độ quy định. Cùng với công tác tập huấn được tổ chức đến tận các cơ sở thì công tác tuyên truyền cũng được chú trọng, qua đó cung cấp được nhiều thông tin về liệt sỹ, mộ liệt sỹ tới nhân dân.
Cùng với nỗ lực của các cấp, các ngành, những năm qua, bằng trái tim, trách nhiệm của những người may mắn được trở về sau cuộc chiến và bằng những mảnh ghép còn lại của ký ức chiến tranh, đã có nhiều tập thể, cá nhân đi tìm kiếm mộ liệt sỹ với mong muốn tột cùng là tìm lại tên cho đồng đội, đưa các anh về với gia đình. Một trong những tổ chức hoạt động tích cực trong công tác tìm kiếm liệt sĩ, đó chính là Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Ninh Bình. Trong 5 năm qua, Hội đã tiếp nhận hơn 2.300 thông tin về liệt sỹ và mộ liệt sỹ. Qua nghiên cứu, đối chiếu với hồ sơ quản lý, đã thông báo cho trên 1.850 trường hợp đầy đủ thông tin tới gia đình liệt sỹ. Từ những thông tin do Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ tỉnh cung cấp, nhiều gia đình lần đầu tiên biết được nơi an táng, nơi hy sinh của người thân để tới thăm, viếng, đưa hài cốt liệt sỹ về quê an táng.
Đặc biệt, thực hiện chủ trương của Chính phủ, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã xây dựng cổng thông tin điện tử chính thống tra cứu thông tin liệt sỹ, mộ liệt sỹ và nghĩa trang liệt sĩ trên phạm vi cả nước. Hiện nay, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và Bưu điện tỉnh đang dốc toàn lực để triển khai công tác này nhằm giúp thân nhân liệt sĩ được tiếp cận thông tin nhanh nhất, giảm bớt khó khăn trong quá trình tìm mộ người thân. Ngay khi có Đề án cổng thông tin điện tử tra cứu liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ, Bưu điện tỉnh đã thu thập, rà soát thông tin liệt sĩ, mộ liệt sĩ để báo cáo Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cập nhật và hoàn thiện hệ thống. Theo quy trình, sau khi bưu điện các tỉnh, thành phố thu thập thông tin liệt sĩ, mộ, nghĩa trang liệt sĩ, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam sẽ cập nhật vào hệ thống theo từng địa phương, tỉnh, thành phố. Gia đình, thân nhân liệt sĩ trên cả nước có thể truy cập vào hệ thống này để tra cứu thông tin, mộ người thân của mình đang được quy tập, an táng tại đâu…
Đào Hằng