Theo kết quả điều tra rà soát, năm 2010 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 12,39%, năm 2013 giảm xuống còn 5,44%. Đơn vị có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất là huyện Kim Sơn (9,99%), đơn vị có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất là thành phố Ninh Bình (0,87%), xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất là xã Thạch Bình, Nho Quan (18,25%), có 3 đơn vị hành chính cấp xã không còn hộ nghèo là phường Vân Giang, phường Thanh Bình và phường Đông Thành (thành phố Ninh Bình). Cũng có tình trạng chung như các địa phương khác trong cả nước, nguyên nhân dẫn đến nghèo ở tỉnh ta chủ yếu do thiếu vốn sản xuất, thiếu đất canh tác, thiếu phương tiện sản xuất, thiếu lao động, do đông người ăn theo, do không có việc làm, do không biết cách làm ăn, do ốm đau bệnh tật và do chây lười lao động...
Để giúp các hộ dân thoát nghèo, những năm qua Trung ương và tỉnh đã có hàng loạt các chủ trương, chính sách ưu đãi dành cho hộ nghèo và cận nghèo, trong đó tỉnh ta đã có Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 15-10-2007 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIX) "Về tăng cường lãnh đạo đối với công tác giảm nghèo đến năm 2010"; Đề án số 15/ĐA-UBND của UBND tỉnh về công tác giảm nghèo đến năm 2010; Đề án số 02/ĐA-TTHĐ và Đề án số 06/ĐA-TTHĐ của HĐND tỉnh về hỗ trợ xây mới, cải tạo, sửa chữa nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ chính sách có khó khăn về nhà ở; chính sách hỗ trợ đảm bảo 100% kinh phí mua thẻ BHYT cho người dân thuộc hộ cận nghèo... và các chủ trương, chính sách ưu đãi được cụ thể hóa bằng việc dành vốn tín dụng cho vay ưu đãi hộ nghèo, vay tín dụng học sinh, sinh viên hộ nghèo, hộ nghèo vay xuất khẩu lao động; hộ nghèo vay làm nhà ở, vay làm công trình nước sạch và vệ sinh môi trường; có chính sách khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; hỗ trợ đào tạo nghề; hỗ trợ về giáo dục-đào tạo; hỗ trợ về nhà ở và nước sinh hoạt; hỗ trợ về y tế; hỗ trợ trợ giúp pháp lý và các hỗ trợ khác... Nguồn vốn thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn tỉnh chỉ tính trong 2 năm (2012-2013) đã là 23 tỷ 600 triệu đồng, trong đó từ ngân sách Trung ương là 20 tỷ 184 triệu đồng; nguồn vốn từ ngân sách địa phương là 3 tỷ 416 triệu đồng. Ngoài ra tỉnh ta cũng vận động các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia đóng góp vào chương trình giảm nghèo, từ năm 2011 đến 2013 đã huy động được trên 52,5 tỷ đồng. Sự nỗ lực của Trung ương, của tỉnh và của nhân dân đã góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo ở Ninh Bình, mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm từ 2% đến 2,5%.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giảm nghèo ở tỉnh ta cũng bộc lộ không ít những khó khăn, hạn chế. Theo đánh giá của UBND tỉnh, kết quả giảm nghèo ở tỉnh ta là chưa thực sự bền vững, số hộ tái nghèo vẫn còn, tỷ lệ hộ cận nghèo còn cao; mức chênh lệch giữa hộ giàu-hộ nghèo, giữa các vùng, các nhóm dân cư chưa được thu hẹp. Toàn tỉnh hiện có tới 10,74% số khẩu nghèo và số hộ nghèo là người cao tuổi cô đơn, ốm đau, bệnh hiểm nghèo... khó có khả năng thoát nghèo. Một bộ phận người dân còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào các chính sách của Nhà nước, thiếu quyết tâm vươn lên thoát nghèo. Hiện tượng tách hộ cho những người già yếu, người khuyết tật để được bình xét vào hộ nghèo vẫn còn diễn ra ở cơ sở. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm đúng đến công tác giảm nghèo, việc phân loại nguyên nhân nghèo, xác định đối tượng nghèo chưa chính xác, gây thắc mắc, mâu thuẫn giữa các hộ dân. Có nơi việc bình xét hộ nghèo được tiến hành một cách đơn giản, cào bằng, nămnay hộ này năm sau hộ khác; bình xét theo cảm tình cá nhân, ưu tiên anh em, dòng họ hoặc có tình trạng nhà nào sắp có con em đi học đại học, cao đẳng, trung học thì được ưu tiên xét hộ nghèo để được vay vốn ưu đãi sinh viên...
Để khắc phục những khó khăn, hạn chế, để chính sách ưu đãi hộ nghèo đạt hiệu quả thiết thực, bên cạnh việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với việc thực hiện chương trình giảm nghèo, cần tiết tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức và hiểu biết của người dân về cơ chế, chính sách giảm nghèo; nâng cao nhận thức, trách nhiệm giảm nghèo của các cấp, các ngành và sự chia sẻ của cả cộng đồng, doanh nghiệp.
Thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo như tín dụng ưu đãi, nhà ở, dạy nghề miễn phí, hỗ trợ khuyến nông-lâm-ngư, giáo dục, y tế, hỗ trợ pháp lý, hỗ trợ đầu tư kỹ thuật, công nghệ phù hợp cho các vùng sản xuất, cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm...
Khắc phục tình trạng có quá nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo dẫn đến sự chồng chéo, có hộ có tới hai, ba thẻ hộ nghèo; tình trạng không đồng nhất về mức hỗ trợ; khắc phục tình trạng thiếu chính xác, khách quan trong việc bình xét hộ nghèo; tình trạng hộ nghèo ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước, không có ý thức tích cực vươn lên thoát nghèo.
Đẩy mạnh nhân rộng các mô hình, kinh nghiệm giảm nghèo có hiệu quả, nhất là tạo việc làm ổn định, thu nhập khá; chú trọng công tác xuất khẩu lao động, đào tạo nghề, nâng cao kiến thức cho người lao động để người lao động chủ động vươn lên thoát nghèo.
Đỗ Bằng