Những năm qua, để phát triển công nghiệp, tỉnh Ninh Bình đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy mạnh sản xuất. Nhờ đó tổng giá trị sản xuất công nghiệp năm 2019 đạt 71.830 tỷ đồng, tăng 24,46% so với cùng kỳ. Hiện nay, tỉnh vẫn đang tiếp tục thu hút đầu tư, nhất là đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ cho các ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, cơ khí, dệt may và linh kiện điện tử.
Để thu hút đầu tư các dự án công nghiệp hỗ trợ, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, trong đó phải kể đến Quyết định số 1751/QĐ-UBND ngày 15/12/2017 phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Ninh Bình đến năm 2025; Quyết định số 20/2018/QĐ-UBND ngày 17/8/2018 về Quy chế quản lý và thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Ninh Bình nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, tạo điều kiện cho thương nhân đầu tư cơ sở hạ tầng công nghiệp và thương mại hiện đại trên địa bàn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thu hút các doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ đầu tư, mở rộng sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ như: Sản xuất linh kiện điện tử; sản xuất một số thiết bị, phụ tùng cho ngành công nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô; sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành may mặc, sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc trưng của tỉnh.
Mặc dù đã có những chính sách ưu việt của Trung ương và địa phương hướng về ngành công nghiệp hỗ trợ nhưng qua khảo sát của Sở Công thương nhiều doanh nghiệp vẫn chưa biết đến các chính sách ưu đãi này. Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Tập đoàn Đại Phát (thành phố Ninh Bình) cho biết: Năm 2014 Đại Phát đã được UBND tỉnh Ninh Bình cấp giấy chứng nhận đầu tư văn phòng và nhà xưởng 20.000m2 tại khu công nghiệp Phúc Sơn. Năm 2015, Công ty cũng đã tiếp nhận dây chuyền chuyển giao công nghệ của Tập đoàn Yankon để sản xuất ở Việt Nam. Tuy nhiên chúng tôi chưa bao giờ quan tâm doanh nghiệp của mình có thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ hay không?
Trong số các doanh nghiệp được khảo sát, có tới 164 doanh nghiệp chưa biết về chính sách công nghiệp hỗ trợ, chiếm 78,1% trong tổng số doanh nghiệp được khảo sát. Như vậy, mới chỉ có 21,9% doanh nghiệp được khảo sát biết về chính sách của Nhà nước về công nghiệp hỗ trợ, do đó các doanh nghiệp cũng chưa tiếp cận được những hỗ trợ ưu đãi của Nhà nước, của tỉnh đối với doanh nghiệp.
Lãnh đạo Phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công thương cho biết: Thời gian qua, ngành Công thương đã triển khai tuyên truyền đến các doanh nghiệp về các chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ của Trung ương và địa phương, tuy nhiên, các doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm tìm hiểu và tiếp cận các chế độ, chính sách của nhà nước nhằm khuyến khích, phát triển công nghiệp hỗ trợ; hội nghị tập huấn, phổ biến về công nghiệp hỗ trợ do Sở Công thương tổ chức mặc dù đã có công văn đến từng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhưng chỉ một số ít doanh nghiệp quan tâm, tham gia.
Tuy nhiên, xét về phía các cơ quan quản lý Nhà nước thì mặc dù Chính phủ cũng như các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều chính sách ưu việt, hoàn thiện để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ nhưng thực tế các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ vẫn còn gặp nhiều "rào cản" khi tiếp cận như chính sách cơ chế ưu đãi về tín dụng, thuế, tiền thuê đất, đặc biệt là phân bổ nguồn lực để triển khai các chính sách về công nghiệp hỗ trợ chưa được cụ thể hóa...
Qua công tác khảo sát của Sở Công thương đã nắm cơ bản tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, từ đó nắm bắt được nhu cầu để sử dụng kinh phí hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ hiệu quả.
Hiện nay tỉnh Ninh Bình xác định, công nghiệp hỗ trợ là một trong những ngành ưu đãi thu hút đầu tư nhằm thúc đẩy công nghiệp của tỉnh phát triển bền vững. Trong đó tập trung phát triển một số sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho sản xuất lắp ráp ô tô, công nghiệp điện tử, chế biến nông sản thực phẩm, may mặc, giày dép. Trước mắt tập trung tối đa để thu hút hỗ trợ, ưu đãi cho dự án sản xuất lắp ráp ô tô và sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô để phục vụ cho dự án nhà máy sản xuất ô tô Hyundai Thành Công tại Khu công nghiệp Gián Khẩu, các nhà máy trong nước và khu vực .
Để phát triển công nghiệp hỗ trợ của tỉnh theo định hướng nêu trên, trong thời gian tới tỉnh cần tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách khuyến khích ưu đãi, hỗ trợ đối với công nghiệp hỗ trợ của Trung ương và địa phương; triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình phát triển công nghiệp, chương trình phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp, trong đó có công nghiệp hỗ trợ.
Đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là các nhà đầu tư FDI vào phát triển công nghiệp hỗ trợ. Ban hành cơ chế đặc thù để hỗ trợ trực tiếp cho các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp của tỉnh. Đồng thời, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp hỗ trợ; mở rộng liên kết đào tạo trong nước với đào tạo nước ngoài.
Bài, ảnh: Nguyễn Thơm