Dưới 10% người khuyết tật có cơ hội làm việc trong doanh nghiệp
Theo thống kê của ngành chức năng, hiện nay, toàn tỉnh có trên 22 nghìn người khuyết tật, trong đó có trên 3000 người là hội viên của Hội Người khuyết tật tỉnh. Tuy nhiên, theo số liệu từ Hội Người khuyết tật tỉnh thì trong tổng số 3000 hội viên ấy thì chỉ có dưới 10% hội viên tìm được việc làm trong các doanh nghiệp nhỏ. Không có nghề và việc làm nên hầu hết, người khuyết tật sống dựa vào gia đình. Bởi thế mà phần lớn hộ gia đình có người khuyết tật có mức sống thấp.
Theo ông Phạm Hữu Chính, Chủ tịch Hội Người khuyết tật tỉnh thì sở dĩ người khuyết tật khó tìm được việc làm là do chưa có nghề. Qua trao đổi với nhiều doanh nghiệp được biết, lý do doanh nghiệp còn e ngại nhận người khuyết tật vào làm do phần lớn người khuyết tật có trình độ văn hóa thấp, thậm chí mù chữ, chưa có tay nghề hoặc có nhưng chưa phù hợp. Họ lại gặp rất nhiều khó khăn trong di chuyển, giao tiếp, chưa tiếp cận được với các trang thiết bị nơi làm việc… do đó, thời gian để đào tạo một lao động khuyết tật lành nghề dài và khó khăn hơn nhiều so với lao động bình thường. Hơn nữa, khi tuyển dụng lao động là người khuyết tật thì doanh nghiệp phải có sự đầu tư xây dựng nhà xưởng, bố trí nơi ăn, ở, điều kiện làm việc phù hợp với dạng khuyết tật của từng người…
Trong khi đó thì các chính sách ưu đãi của Nhà nước cũng chưa đủ để "hấp dẫn" doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật. Theo đó, để được hưởng các chính sách hỗ trợ xây dựng cơ sở sản xuất phù hợp với người khuyết tật thì doanh nghiệp phải sử dụng 30% lao động là người khuyết tật. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, phần lớn doanh nghiệp có quy mô sản xuất nhỏ, sử dụng lao động ít. Trong khi đó, không phải công đoạn sản xuất nào người khuyết tật cũng có thể đáp ứng được.
Người khuyết tật tự tạo việc làm: Hướng đi cần nhân rộng
Nếu không mạnh dạn học nghề khâu nón thì có lẽ, bây giờ chị Nguyễn Thị Sâm, phường Nam Thành, (thành phố Ninh Bình) vẫn sống phụ thuộc vào gia đình, dù rằng chị đã gần 40 tuổi. Bị teo hai chân bẩm sinh, khiến việc đi lại của chị Sâm rất khó khăn, chị không thể tham gia được lớp học nghề nào cả. Không tuyệt vọng, chị Sâm chủ động tìm hiểu và học nghề khâu nón lá. "Sau khi thành thạo nghề, tôi tự tổ chức làm ở nhà và vận động thêm một vài người đồng cảnh cùng làm. Mỗi ngày, tôi khâu được 1 chiếc nón, trừ chi phí cũng giữ lại được vài chục nghìn. Tuy nhiên, một khó khăn không nhỏ của tôi trong quá trình làm nghề đó là việc đi lại để mua nguyên, vật liệu hay mang sản phẩm hoàn thiện đi bán đều phải phụ thuộc vào sự hỗ trợ của gia đình do việc đi lại của tôi rất khó khăn" - Chị Sâm nói.
Ông Phạm Hữu Chính, Chủ tịch Hội Người khuyết tật tỉnh cho biết, những năm qua, Hội cũng rất quan tâm đến hoạt động đào tạo nghề cho người khuyết tật. Những nghề được lựa chọn đều phù hợp với các dạng khuyết tật như: làm tranh giấy, chiếu gỗ, mành tre nứa, hoa giả… để đưa về dạy cho người khuyết tật dưới các hình thức phù hợp như dạy tập trung hoặc xen kẹp tại cộng đồng… nhờ đó, số hội viên được học nghề và duy trì việc làm cũng tăng lên với mức thu nhập trung bình đạt 2 triệu đồng/tháng. Thậm chí, với sự năng động, người khuyết tật có thể mở rộng cơ sở để thu hút thêm nhiều người lao động cùng tham gia làm. Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 40 mô hình tự tạo việc làm của người khuyết tật. Những mô hình này không những giải quyết việc làm cho người đồng cảnh mà còn là cơ hội việc làm cho các thành viên trong gia đình, lao động địa phương.
Tuy nhiên, một khó khăn chung của các mô hình tự tạo của người khuyết tật đó là tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm do khâu tiếp thị, quảng bá còn hạn chế. Nhằm khắc phục tình trạng này, mới đây, Hội Người khuyết tật tỉnh đã thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm dạy nghề phát triển việc làm và hỗ trợ người khuyết tật cơ sở 2 tại huyện Yên Khánh. Trung tâm đi vào hoạt động đã mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người khuyết tật trong tỉnh. Đặc biệt, người lao động sẽ được bố trí chỗ ăn, ở… và có thu nhập ngay trong quá trình học nghề dựa trên số lượng sản phẩm làm ra. Sau khi học nghề thành thạo, người lao động có thể làm việc ngay tại nhà mà không cần phải đến cơ sở tập trung, do đó đây cũng là cơ hội việc làm cho chính những thành viên khác trong gia đình của người khuyết tật. Hiện nay, Trung tâm đã ký kết được hợp đồng bao tiêu với một vài doanh nghiệp. Trung tâm cũng sẽ nghiên cứu để tiếp tục đưa về những nghề phù hợp, đa dạng hơn nữa, đồng thời vận động quy tụ những cơ sở của người khuyết tật về đây để cùng hoạt động, quảng bá. Với sự tham gia của nhiều mô hình với các lĩnh vực ngành nghề khác nhau, chắc chắn hiệu ứng của quảng bá, tiếp thị sẽ tốt hơn, việc tìm đầu ra cho sản phẩm cũng bài bản, hiệu quả hơn.
Bài, ảnh: Đào Hằng